Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nói về siêu dự án gang thép 2,6 tỉ USD
Trước những lo lắng của người dân về việc siêu dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn khi đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng một lần nữa khẳng định là không có chuyện này.
Như đã thông tin, cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định tổ chức buổi thông tin chủ trương dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu Liên hợp gang thép Long Sơn (gọi tắt là dự án Long Sơn).
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi thông tin siêu dự án Long Sơn
Tại buổi thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã cam kết công nghệ luyện thép của dự án Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường. "Nếu sau này làm nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển thì tôi sẽ chịu trách nhiệm" - ông Dũng khẳng định.
Sau phát biểu trên của ông Hồ Quốc Dũng, trên mạng xã hội mấy ngày qua xuất hiện nhiều thông tin trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến đều cho rằng cam kết trên của ông Dũng là "vô căn cứ", bởi dự án khi đi vào hoạt động sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đến vùng biển.
Để làm rõ thêm thông tin trên, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định.
- Phóng viên: Vì sao ông khẳng định công nghệ luyện thép của dự án Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường?
Việc tôi cam kết công nghệ luyện thép của dự án Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường là có cơ sở. Cụ thể, đối với nhà máy sản xuất gang thép, công đoạn luyện cốc (làm tinh than nguyên liệu trước khi đưa vào luyện thép) là phát sinh ô nhiễm rất lớn.
Lộ Diêu, nơi dự kiến thực hiện siêu dự án Long Sơn
Sở dĩ trước đây có nhà máy gang thép trong nước gây ô nhiễm môi trường là do họ áp dụng công nghệ dập cốc ướt (dùng nước để làm than cốc sau khi nung 1.000 độ C), dẫn đến lượng nước thải rất lớn và gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, dự án Long Sơn sẽ áp dụng công nghệ dập cốc khô; đồng thời sử dụng lò áp suất âm để hạn chế tối đa phát tán bụi và khí thải ra ngoài. Ngoài ra, trong công nghệ này, không khí nóng sau khi dập cốc được thu hồi để phát điện với tổng công suất phát điện là 162MW.
Dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới và quy trình khép kín nên hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, nhà máy sẽ không xả giọt nước thải nào ra bên ngoài nên người dân không nên lo lắng về việc gây ô nhiễm cho vùng biển.
- Như ông khẳng định dự án không xả giọt nước nào ra biển, vậy tại sao nhà đầu tư cũng như chính quyền địa phương không chọn nơi khác mà phải chọn bên bờ biển để xây dựng nhà máy?
Sở dĩ doanh nghiệp thép mong muốn đầu tư các dự án ven biển là do Việt Nam không có đủ điều kiện về tài nguyên, đặc biệt là than luyện cốc và quặng sắt nên nguồn quặng vẫn phải nhập khẩu.
Người dân thôn Lộ Diêu trong một buổi sáng bên bờ biển
Đối với những nhà máy thép có sản lượng lớn như Long Sơn, số lượng vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm rất nhiều, thường là gấp 4 lần sản lượng. Vì vậy, việc nhà đầu tư lựa chọn những vị trí ven biển, đặc biệt là những nơi có cảng nước sâu là rất cần thiết đối với những nhà máy có sản lượng lớn.
- Ông kỳ vọng gì về dự án Long Sơn?
Thực tế miền Trung rất khắc nghiệt, nắng thì cháy da, còn mưa như trút nước. Nông nghiệp làm một sào ruộng, mỗi năm lãi chỉ 1,5 triệu đồng. Nếu trồng keo, 1 ha thì 5 năm lãi 20 triệu, nuôi heo là giá cả bấp bênh…
Riêng Bình Định, nếu chỉ duy trì như hiện nay, thu ngân sách trừ tiền bán đất thì mới đáp ứng 40% nhu cầu chi cho tỉnh, còn 60% phải xin Trung ương. Con đường cuối cùng là phát triển du lịch, nông nghiệp và chọn 1 đột phá là phát triển công nghiệp.
Cách đây vài năm, Bình Định đã từng từ chối dự án lọc hóa dầu 22 tỉ USD, mặc dù thời điểm đó đã được Thủ tướng đưa vô quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư cũng đã tốn hàng trăm triệu USD để nghiên cứu phương án khả thi.
Nhưng đến khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, thấy phương án môi trường nhà đầu tư đưa ra không đảm bảo do họ xả nước ra biển nên cho dừng. Đến dự án Long Sơn, Bình Định cũng rất thận trọng.
Phối cảnh siêu dự án Long Sơn
Vấn đề lo nhất là xả nước ra biển thì dự án này sẽ không bao giờ có. Tôi khẳng định và chịu trách nhiệm trên cơ sở khoa học lẫn thực tế như thế, không phải nói để trấn an dân. Về vấn đề khói bụi thì có công nghệ túi lọc tĩnh điện, hoàn toàn không thải ra môi trường.
Về phát triển du lịch ở Lộ Diêu theo đề nghị của người dân thì lúc này không hiệu quả, vì khoảng cách quá xa trung tâm TP Quy Nhơn. Đời sống của dân Lộ Diêu, quan điểm tỉnh là khi dân di dời đến nơi ở mới sẽ có cuộc sống tốt hơn, công việc đảm bảo. Ngoài chính sách của tỉnh thì nhà đầu tư cũng đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ. Tỉnh sẽ đầu tư khu tái định cư trên 50 ha hiện đại, trước mặt là bãi biển.
Khi đi vào hoạt động, dự án Long Sơn sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người, trong đó 3.000 người ở giai đoạn một. Ước tính nộp ngân sách tại giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỉ đồng, ở giai đoạn đi vào sản xuất toàn bộ dự án khoảng 10.395 tỉ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành khoảng hơn 20.500 tỉ đồng.
Bởi vậy, tôi khẳng định việc triển khai dự án Long Sơn, người dân cũng như địa phương chỉ có được chứ chẳng mất mát gì.
Đề xuất xây cảng chuyên dùng cho siêu dự án UBND tỉnh Bình Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) về việc thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng chuyên dùng Khu liên hiệp gang thép Long Sơn giai đoạn 1. Mục đích để phục vụ nhà máy thép 53.500 tỉ đồng, công suất 5,4 triệu tấn/năm ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Theo hồ sơ dự án, cảng chuyên dụng cho nhà máy thép dự kiến có tổng vốn 6.800 tỉ đồng nhằm phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Khu liên hiệp gang thép Long Sơn đúng tiến độ (tính cả 2 dự án thì tổng vốn đầu tư lên đến 60.300 tỉ đồng, tương đương gần 2,6 tỉ USD). Cảng chuyên dùng có quy mô đầu tư 10 cầu cảng, tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT, khối lượng bóc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21-23 triệu tấn/năm; diện tích cảng dự kiến 500 ha, trong đó 474 ha mặt nước. Dự án Khu Liên hiệp Gang thép Long Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2022, là một trong những dự án trọng điểm của Bình Định. Để thực hiện dự án, khoảng 566 hộ của thôn Lộ Diêu sẽ phải di dời. Chính quyền tỉnh cam kết sẽ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. |
Nguồn: [Link nguồn]
"Nếu sau này nhà máy thép có m3 nước thải nào đổ ra biển, tôi sẽ chịu trách nhiệm” - Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.