Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: "Mong người dân vui Xuân có chừng mực"
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên mong muốn người dân thành phố, chuyên gia, nhà khoa học… cùng đồng lòng, nỗ lực hành động để dịch Covid-19 không quay trở lại.
Ngày 26-1, tại Viện Nghiên cứu và phát triển TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã gặp gỡ, tri ân và chúc Tết các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia tư vấn cho thành phố trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.
Không chủ quan với dịch Covid-19
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ tại buổi buổi gặp gỡ, tri ân của lãnh đạo TP HCM với chuyên gia, nhà khoa học - Ảnh: Tấn Thạnh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), người đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích trên báo chí, mạng xã hội trong giai đoạn khốc liệt phòng chống dịch, cho rằng giai đoạn tháng 7, tháng 8 năm qua chỉ mong "ngủ dậy không còn dịch".
"Thành phố đi trước nên giờ được ăn Tết nhưng có nơi cũng đang rất lo. Chúng ta đã chiến đấu như vậy mới thấy sự đồng lòng sẽ chiến thắng dịch, mọi người vì cái chung mà cố gắng. Cầu mong của chúng ta giống nhau là dân yên bình, không còn bệnh tật" – BS Khanh nói.
Đón Tết cổ truyền, BS Khanh mong muốn người dân được đoàn viên vui nhưng phải an toàn. "Sắp tới, để phòng chống dịch Covid-19 thì không còn chiêu gì khác ngoài chích ngừa. Thành phố chiến thắng dịch là nhờ tỉ lệ người dân chích ngừa cao" - BS Khanh đánh giá.
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội y học TP HCM, cho biết hiện nay thành phố trở về giai đoạn bình thường mới, mọi người thấy thoải mái nhưng cần lưu ý một số sinh hoạt cũng phải hạn chế.
"Với tình hình thế giới hiện nay, nếu chủ quan sẽ bùng lên những dịch khác nữa. Vì vậy, trong đợt Tết đoàn viên, Tết sum vầy, chúng ta nên đoàn tụ nhóm nhỏ, không nên tập hợp nhóm lớn. Những lễ hội lớn như đi chùa như lúc trước, người dân chen nhau, nếu có nguồn lây thì rất nguy hiểm. Nếu nhóm nhỏ thì khống chế, quản lý lây lan dễ hơn nhiều. Mong muốn các địa phương và thành phố hạn chế những lễ hội lớn" – TS Dung nói.
PSG.TS Nguyễn Thị Ngọc Dung mong người dân ăn Tết đoàn viên nhưng đoàn tụ nhóm nhỏ không tập hợp nhóm lớn - Ảnh: Tấn Thạnh
Chia sẻ tại buổi tri ân, TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết ông rất vui khi thành phố bước qua giai đoạn ngặt nghèo, dù phía trước còn khó khăn. "Chúng ta ngồi nhìn lại một chặng đường và với những điều được chia sẻ từ lãnh đạo thành phố đến các chuyên gia thì thấy mùa xuân đã nở trong lòng mỗi người như thế nào".
Theo Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trong giai đoạn khó khăn phòng, chống dịch Covid-19, chiến lược vắc-xin của Việt Nam rất tuyệt vời đã giúp số lượng người dân được tiêm vắc-xin tăng lên nhanh chóng và đạt độ bao phủ cao.
TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chia sẻ sự tham gia, đóng góp của báo chí với công tác phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh: Tấn Thạnh
TS Tô Đình Tuân cho rằng cùng với chuyên gia, nhà khoa học, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, đã cùng tham gia hành động mạnh mẽ bằng cả trái tim, với tình yêu thành phố, tình yêu Tổ quốc trong phòng, chống dịch, nhất là khâu định hướng thông tin, phân bổ thực phẩm cho người dân.
Trong đợt dịch vừa rồi, Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều chương trình như "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" và mới nhất là chương trình "Tình thương cho em" sau khi có thông tin TP HCM có hơn 1.500 em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do dịch Covid-19. Báo đã huy động được hơn 10 tỉ đồng, trong đó có hàng trăm tấn lương thực thực phẩm tại thành phố và từ Lâm Đồng đưa về để phân bổ cho người dân.
Báo cũng đã thăm và tặng quà đến hơn 100 bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly để người dân có cuộc sống tốt hơn. "Chúng tôi xác định báo chí không chỉ làm truyền thông mà cả trách nhiệm xã hội" – ông Tuân Đình Tuân nói.
Xây dựng chính sách an sinh
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong các quyết định, biện pháp phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã tiếp thu nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Trải qua dịch Covid-19, thành phố đã có những chiêm nghiệm để phòng, chống dịch và nhìn lại cơ cấu kinh tế, xã hội, kể cả câu chuyện tình người, sống và đối xử với nhau, chứ không đơn thuần là phục hồi kinh tế thuần túy.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ công tác an sinh thời kỳ hậu Covid-19 - Ảnh: Tấn Thạnh
"Đây là vấn đề mà trong mấy ngày vừa qua khi bàn về phục hồi, phát triển kinh tế, lãnh đạo thành phố đã suy nghĩ rất sâu. Đây cũng sẽ là bài toán đặt ra cho chúng ta cùng giải để thật sự có thành phố năng động phát triển, trong đó quan tâm cả kinh tế, văn hóa-xã hội, đời sống người dân được chú ý. Khi đó mới nói rằng con người là trung tâm, thành phố này đáng sống. Nếu chỉ đo bằng những tòa nhà cao thì chưa đủ. Chúng ta quan tâm đời sống, phúc lợi cho người dân tương xứng với đô thị lớn, đô thị phát triển và rất mong chuyên gia chia sẻ, góp ý cho thành phố" – ông Phan Văn Mái nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng nhấn mạnh Tết năm nay là Tết tri ân, Tết nghĩa tình. Thành phố tri ân người dân đã chịu đựng, lực lượng tuyến đầu, chuyên gia giúp thành phố có giải pháp thời gian qua.
"Ngoài ra, câu chuyên chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân thành phố nói chung và người dân bị ảnh hưởng Covid-19 nói riêng đã được khởi động cùng chương tình phục hồi kinh tế thành phố. Thành phố cũng khởi động chính sách xã hội chăm lo cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi sau Covid-19… Tất nhiên, cách làm cũng rất quan trọng trong điều kiện nguồn lực có hạn, vì vậy làm phải có trọng tâm trọng điểm và thành phố mong chuyên gia góp ý để làm tốt hơn" – Chủ tịch UBND TP nói.
Nhắc lại những tháng ngày tháng khốc liệt chiến đấu với dịch Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định sự thành công của ngày hôm nay là nhờ vào sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm, lăn xả, hy sinh của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người dân thành phố.
"Hôm nay, chúng tôi gặp gỡ các nhà khoa học, chuyên gia để nói lời tri ân thật lòng và mong muốn các chuyên gia tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu để chung lo cho thành phố, kiến tạo để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, bù đắp những gì đã mất. Chúng ta cùng sẻ chia, hỗ trợ để làm sao cho thành phố tốt đẹp như chúng ta mong muốn. Xây dựng thành phố sớm trở lại vị thế thành phố trung tâm" – Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên mong muốn sự chung tay, sẻ chia, đồng lòng của người dân và chuyên gia, nhà khoa học... để thành phố phục hồi phát triển kinh tế - Ảnh: Tấn Thạnh
Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM mong muốn từ người dân thành phố đến chuyên gia, nhà khoa học đều đồng lòng, nỗ lực hành động để dịch Covid-19 không quay trở lại. Về việc đón Tết Nguyên đán 2022, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và mong người dân vui Xuân có chừng mực và nâng cao ý thức phòng, chống dịch.
"Tết này là Tết tri ân, nghĩa là nhớ tới những người đã mất vì Covid-19. Chúng ta nhắc tới những người không có mặt ở mùa xuân này. Dẫu biết là sinh – tử nhưng đại dịch Covid-19 tàn phá để lại đau thương quá lớn. Chúng ta làm những gì để có thể nguôi ngoai, bớt đau buồn. Tết này ngoài tri ân còn là sự sẻ chia" – Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Một vấn đề quan trọng mà Bí thư Thành ủy mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thời hậu Covid-19. Người dân cũng cần tư vấn để có "vắc-xin tinh thần", giúp vượt quan những đau thương, tổn thất, mất mát do đại dịch. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng cho biết, ở thời điểm khó khăn nhất, TP.HCM đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng sau khi bàn bạc đã...