Bí thư Nguyễn Văn Nên: Xin nghiêng mình trước những cống hiến, hy sinh thầm lặng, cao cả!
"Chúng tôi xin nghiêng mình trước những cống hiến, hy sinh thầm lặng và cao cả của các chiến sĩ dũng cảm lái xe cứu người bước qua cơn đại dịch Covid-19" - Bí thư Thành Ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Đó là chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi họp mặt tri ân các cá nhân, đơn vị tiêu biểu tham gia vận chuyển cấp cứu bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn thành phố, diễn ra ngày 30-1 (28 tháng Chạp).
Có tài xế mãi mãi không trở về
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải tặng quà tri ân đến vợ của tài xế Phan Thành Minh Nhựt, người đã mãi mãi ra đi khi làm nhiệm vụ.
Mở đầu buổi họp mặt, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 nhắc lại giai đoạn khốc liệt thành phố phòng, chống dịch Covid-19. Những con số thống kê được ghi nhận tại trung tâm cấp cứu 115 từ tháng 6 đến tháng 10-2021 đã phần nào vẽ nên bức tranh toàn cảnh của đại dịch Covid-19.
"Trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 4.000 cuộc gọi cấp cứu, gấp hơn 30 lần ngày thường. Trong tâm trạng hoang mang, hoảng loạn, thậm chí tuyệt vọng của người dân, đôi khi anh em cũng muốn gục. Anh em kíp cấp cứu ngoại bệnh viện trên những xe cứu thương hầu như không ngủ nhưng vẫn không đáp ứng kịp. Sự thiếu hụt nhân sự trong công tác vận chuyển cấp cứu người bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19" - BS Long nói.
Trước tình hình đó, nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp không chỉ tại TP HCM mà còn trên khắp cả nước đã đăng ký tình nguyện vào nơi tuyến đầu, cùng chia sẻ khó khăn với người dân thành phố. Phương tiện cấp cứu và tài xế được tăng cường, thế là những chuyến xe "áo trắng" lại bon bon ra chiến trường tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19.
"Họ đã thức trắng đêm, ghì chặt vô-lăng, giữ chặt lấy người bệnh thoát khỏi bàn tay tử thần Covid-19. Thương sao những ngày cha vắng nhà, vì còn miệt mài giúp đỡ bà con. Các anh đã coi xe là nhà, ngủ trên xe trước các khu cách ly dã chiến, ăn cơm từ thiện của bà con. Đã có nhiều anh trở thành F0 không những một lần mà đến hai lần, nhưng vẫn mong chóng lành để lao vào cuộc chiến. Và cũng có anh đã mãi mãi ra đi khi đang làm nhiệm vụ" – BS Nguyễn Duy Long nghẹn ngào.
Giấu người nhà chở bệnh nhân Covid-19
Tài xế Đặng Xuân Tùng đã giấu vợ con để tình nguyện chạy xe chở bệnh nhân Covid-19.
Có mặt tại hội trường, tài xế Đặng Xuân Tùng (hãng taxi Mai Linh) cho hay giai đoạn dịch khốc liệt anh đã giấu vợ con đăng ký tình nguyện vận chuyển bệnh nhân Covid-19 cho đến khi hết dịch.
"Lúc chở bệnh nhân vào các bệnh viện dã chiến thì bệnh nhân được xuất viện thấy mình mặc đồ bảo hộ tưởng là bác sĩ nên cảm ơn. Đó là giây phút hạnh phúc nhất khi tham gia chở bệnh nhân Covid-19" – tài xế Tùng chia sẻ.
Tài xế Hồ Minh Sang chia sẻ quyết định tham gia lái xe chở bệnh nhân cấp cứu.
Trong khi đó, tài xế Hồ Minh Sang (hãng xe Phương Trang) cho hay lúc đầu hoang mang nhưng sau đó quyết định mặc đồ bảo hộ chở bệnh nhân Covid-19 đi cấp cứu vì dịch bệnh tại thành phố quá căng thẳng. "Ngày nào cũng chở bệnh nhân nên nói kỷ niệm đáng nhớ nhất thì đó là chở được nhiều bệnh nhân" – anh Sang cho biết.
Tài xế Trần Công Lộc, Trung tâm cấp cứu 115, tham gia vận chuyển bệnh nhân nên phải sống xa nhà và thực hiện "3 tại chỗ". Ban đầu cũng rất ngại nhưng càng chở bệnh nhân thì anh càng quyết tâm, hăng hái. Không ngại khó, ngại nguy hiểm nhưng tối về anh Lộc cùng các em tài xế lại thấy buồn vì nhớ nhà nên động viên nhau cùng cố gắng.
Tài xế Trần Công Lộc nén nỗi buồn khi hay tin người nhà bị F0 để tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân Covid-19.
"Nỗi buồn lớn nhất là khi màn đêm buông xuống và một hôm tôi nhận điện thoại báo người nhà bị F0. Lúc đó tâm trạng tôi không thể ổn định, nhờ lãnh đạo và anh em chia sẻ, động viên nên mới có tinh thần vượt qua nỗi buồn đó để tiếp tục công việc. Và lúc này, thành phố đã khởi sắc và mọi người vui đón Tết" – anh Lộc xúc động.
Bạn Lê Tấn Sang, sinh viên năm 4 chuyên ngành bác sĩ đa khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết giữa tháng 6-2021 hay tin thành phố cần sinh viên y khoa hỗ trợ chống dịch nên đăng ký và giai đoạn đầu tham gia đội lấy mẫu xét nghiệm. Đến cuối tháng 7 thì Sang tham gia đội taxi cấp cứu.
Tham gia đội taxi cấp cứu là kỷ niệm không thể nào quên của sinh viên Lê Tấn Sang.
Sang nói kỷ niệm đáng nhớ nhất và đến giờ vẫn còn cảm giác áy náy đó là một bệnh nhận cấp cứu trễ nên không thể qua khỏi. Lúc xuống nhà thì tình trạng bệnh nhân vẫn còn tốt, có thể đi lại được và dặn con cháu nhớ mang theo tiền chữa bệnh. Theo lệnh thì bệnh nhân sẽ được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhất nhưng vì quá tải nên phải chờ Trung tâm cấp cứu 115 điều phối. Chờ từ 10 giờ đêm đến hơn 2 giờ sáng thấy tình hình không ổn nên Sang chủ động liên hệ bệnh viện và khoảng 3 giờ bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
"Khi đó em đánh giá bệnh nhân khó qua khỏi nên rất buồn. Bước ra ngoài thì người nhà cảm ơn nên về nhà càng buồn. Sáng hôm sau người nhà nhắn cho em tin rất dài và cảm ơn nhưng cuối cùng lại báo bệnh nhân không qua khỏi. Em thấy bối rối vì chưa giúp được gì mà nhận lời cảm ơn" – Sang bồi hồi.
Con người bình thường nhưng hành động phi thường
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng qua những câu chuyện, kỷ niệm được chia sẻ hôm nay, có thể hình dung và cảm thấu được nghề lái xe quan trọng như thế nào, đặc biệt là những lúc khó khăn như thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh mỗi tình huống chở bệnh nhân cấp cứu là một câu chuyện tình người.
"Có thể có hàng ngàn lẻ một tình huống khác nhau, mỗi tình huống là một câu chuyện tình người, một thử thách nghiệt ngã đối với lòng trắc ẩn, một cách ứng xử giữa lằn ranh sinh tử của con người. Điều đó không đơn giản chút nào" – Bí thư Nguyễn Văn Nên đúc kết.
Theo Bí thư Thành ủy TP, với đạo đức nghề nghiệp, với lương tâm và bổn phận làm người, bao chiến sĩ lái xe không do dự, né tránh mà sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Họ đã từng làm thay cả chức năng bác sĩ tư vấn tâm lý và thân nhân để chăm sóc, sẻ chia động viên hỗ trợ người bệnh lúc cô đơn, lo lắng, hoang mang.
"Nhiều người không may bị phơi nhiễm, sau khi điều trị đã xin trở lại tiếp tục lái xe, có mặt trên các nẻo đường. Họ nỗ lực, kiên nhẫn chờ đợi từng cuộc gọi điện thoại để cứu người như chờ tin tức chính người thân yêu của mình. Họ đã vượt qua tất cả. Trong lúc người ta khủng hoảng, họ đã chờ đợi" – Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM cho rằng những chiến sĩ lái xe là người bình thường nhưng suy nghĩ và hành động phi thường. Nhiều người đã xả thân như đang thực hiện sứ mệnh mà trời đất giao cho họ. Đảng bộ và nhân dân thành phố trân trọng tri ân tất cả các chiến sĩ lái xe phi thường, dũng cảm đã cống hiến, góp phần rất quan trọng trong cuộc chiến phòng chống Covid-19.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà tri ân những cá nhân tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Bí thư Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn tới các tổ chức, cá nhân đã tham gia hỗ trợ thành phố chiến đấu chống dịch Covid-19 và đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát danh sách lực lượng tình nguyện lái xe để có hình thức tri ân phù hợp trong thời gian tới, cố gắng không để sót ai. Báo chí cần viết tiếp những câu chuyện dài nói giùm tài xế vì đó là những người chỉ biết làm, không thích nói về mình.
"Những việc chiến sĩ lái xe làm giàu nghĩa khí, tình yêu thương và trắc ẩn, rất đáng được tôn vinh. Khi chúng ta đã tìm lại được những giây phút bình yên, khi tiếng còi xe cấp cứu không còn là nỗi ám ảnh thì chúng ta càng nhớ công ơn những người giúp mình vượt qua những ngày tháng cam go. Với tất cả sự ngưỡng mộ và lòng tri ân sâu sắc, chúng tôi xin nghiêng mình trước những cống hiến, hy sinh thầm lặng và cao cả của các chiến sĩ dũng cảm lái xe cứu người bước qua cơn đại dịch. Tấm lòng tình cảm và nghĩa cử cao đẹp của các bạn sẽ in đậm trong tâm trí mọi người" – Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên mong muốn người dân thành phố, chuyên gia, nhà khoa học… cùng đồng lòng, nỗ lực...