Bí thư là người nơi khác: Nếu giỏi không sợ bị cô lập, phe cánh
Theo TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nếu như ở địa phương nào, nội bộ nơi nào mất đoàn kết, có những cán bộ biểu hiện thoái hóa biến chất, và hiện tượng tiêu cực khác thì người cán bộ lãnh đạo từ nơi khác được luân chuyển đến sẽ gặp khó khăn bước đầu. Nhưng là cán bộ giỏi họ sẽ biết vượt qua.
Tại phiên thảo luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Trung ương đã tập trung cho ý kiến về vấn đề: Bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương nhằm kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. PV Dân Việt có trao đổi với TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xung quanh đề xuất này.
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (ảnh IT).
Là cán bộ từng trải qua nhiều vị trí công tác, đặc biệt lại trưởng thành từ địa phương, ông có suy nghĩ gì về đề xuất này?
- Có thể nói trong bối cảnh hội nhập, chúng ta ngày càng đi sâu vào kinh tế thị trường bên cạnh nhiều mặt tích cực thì mặt trái của nó cũng đang biểu hiện khá mạnh mẽ có tính chất lan truyền khắp các cấp, các ngành, địa phương nhất là trong công tác cán bộ. Biểu hiện tiêu cực đó là phe cánh, lợi ích nhóm, họ hàng, dòng tộc, làng xóm. Thông qua công tác cán bộ nhưng người có chức trách đã tìm cách bố trí, xây dựng phe cánh để cùng trục lợi, bảo vệ quyền lợi cho nhau. Điều đó làm mất lòng tin trong xã hội và người dân.
Những biểu hiện như chạy chức, chức quyền, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, phe cánh, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ… nó tồn tại và phát triển có phần nguyên nhân từ sự thân quen, gắn kết giữa nhưng người cùng dòng tộc, địa phương. Một trong những biện pháp để chặn tiêu cực nêu trên là tách người cán bộ lãnh đạo cao nhất ở huyện, tỉnh ra khỏi những yếu tố sinh phát ra vấn đề này.
Thực tiễn thời gian qua, việc đưa các lãnh đạo như Bí thư, Chủ tịch các cấp về địa phương không phải quê quán của họ, điều dễ nhận thấy với điều kiện như vậy họ không có môi trường để liên kết dòng họ, anh em để tạo lợi ích nhóm. Có thể nói chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương vừa cần thiết với tình hình thực tiễn hiện nay và đảm bảo tính bền vững và điều quan trọng là đem lại lòng tin lâu dài cho người dân.
Được biết ông cũng từng làm Bí thư Tỉnh ủy nơi là quê quán (Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình), ông có thể chia sẻ thuận lợi và những bất cập khi làm lãnh đạo tại địa phương thưa ông?
Lúc đó bối cảnh đất nước đang là nền kinh tế kế hoạch tập trung, thể chế là hành chính, bao cấp, quyền lợi không có sự chênh lệch lớn, mặt trái của nền kinh tế chưa phát triển. Chính vì thế đội ngũ cán bộ lãnh đạo đứng đầu ở địa phương nếu là người địa phương sẽ có nhiều mặt tốt được phát huy.
Tôi từng làm Bí thư Huyện ủy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, tôi thấy lúc đó Thái Bình nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung chưa có hiện tượng chạy chức, chạy quyền, phe cánh. Nói như vậy không có nghĩa không có hiện tượng tiêu cực liên quan đến công tác cán bộ, nhưng có điều lúc đó nó không có môi trường để phát triển kiểu liên kết anh em, họ hàng, dòng tộc.
Có thể nói lúc đó cán bộ lãnh đạo là người ở địa phương đó có nhiều mặt tốt được phát huy. Chẳng hạn là người địa phương có hiểu biết chiều sâu hơn về tình hình nơi đó, hiểu dân cư, hiểu địa bàn, hiểu thế mạnh của địa phương…
Nếu cán bộ lãnh đạo là người địa phương khác đến có thể họ có gặp phải trở ngại như cần thời gian để hiểu biết về địa phương, bị cán bộ cấp dưới là người địa phương cô lập, ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ trong thực tế có việc đó, nếu như ở địa phương nào, nội bộ nơi nào mất đoàn kết, có những cán bộ biểu hiện thoái hóa biến chất, có những hiện tượng tiêu cực khác thì đúng là người cán bộ lãnh đạo được luân chuyển đến sẽ gặp khó khăn bước đầu. Những người xung quanh có những biểu hiện xấu nhiều hơn biểu hiện tốt họ sẽ co cụm lại để đấu tranh giữ cho được quyền lợi.
Cán bộ nơi khác đến sẽ nắm bắt tình hình địa phương, tâm tư cán bộ, dân cư khó hơn, cần phải có thời gian. Tuy nhiên, như tôi đã nói đó chỉ là khó khăn bước đầu, thông thường những người được luân chuyển về địa phương cũng là người được đào tạo bài bản, từng trải qua nhiều vị trí công tác, họ có kinh nghiệm sẽ biết cách vượt qua khó khăn.
Họ biết cách để tìm hiểu thực tế, nắm bắt tình hình địa phương một cách nhanh chóng. Họ biết cách quy tụ rất nhanh những người tốt, những yếu tố tốt, đồng thời xử lý rất cương quyết những hiện tượng tiêu cực những cán bộ thoái hóa biến chất.
Nói cách khác nếu là cán bộ giỏi, có ý thức phấn đấu họ sẽ có phương pháp để khơi dậy, tập hợp những nhân tố tích cực, còn những hiện tượng tiêu cực như nói ở trên chỉ là bước cản trên đường đi nhưng họ sẽ vượt qua.
Xin cảm ơn ông (!)
Vấn đề bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, được nhiều ý kiến tại Hội nghị Trung ương 7 đồng tình và đánh giá cao. Nhiều Ủy viên Trung ương cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng (không phải là quê quán), Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, việc bố trí một cán bộ không phải là người địa phương sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì đồng chí đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em. Ngược lại, sự giám sát của nhân dân đối với đồng chí đó cũng sẽ chặt chẽ hơn. Bản thân đồng chí cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân. Chia sẻ kinh nghiệm bản thân có nhiều năm làm Bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn vì người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, đôi khi rơi vào duy tình trong xử lý công việc. Việc thiếu thông tin, chưa nắm được địa bàn có thể khắc phục thông qua nỗ lực tìm hiểu của bản thân... |
Một trong những vấn đề mà Hội nghị Trung ương 7 tập trung cho ý kiến về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là...