Bí thư Hà Nội: Sông Tô lịch sẽ sạch

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bí thư Hà Nội cho hay thành phố đang khẩn trương xây dựng phương án bổ cập nước sông Hồng vào Tô Lịch, làm vệ sinh để sông "không còn màu đen và mùi hôi".

Chiều 4/12, phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa 17, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cho biết một trong những nội dung quan trọng của thành phố thời gian tới là khắc phục triệt để, có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong đảm bảo môi trường nước thải, rác, không khí.

"Kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, đặc biệt là sông Tô Lịch phải xử lý sớm, đồng bộ và có hiệu quả, bảo đảm các dòng sông trong nội đô sạch", bà Hoài nói.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cũng lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra thực tế tại sông Tô Lịch sáng 2/12. Ảnh: Hoàng Phong

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cũng lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra thực tế tại sông Tô Lịch sáng 2/12. Ảnh: Hoàng Phong

Theo Bí thư Hà Nội, hôm 2/12 bà cùng Chủ tịch thành phố Trần Sỹ Thanh đi kiểm tra sông Tô Lịch, sau đó giao Sở Xây dựng chủ trì trong 9 tháng phải hoàn thành hệ thống bổ cập nước từ sông Hồng cho Tô Lịch, đi ngầm qua Hồ Tây.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu khi dẫn nước từ sông Hồng về đến Hồ Tây phải làm hai đường ống bằng thép chạy song song đi ngầm dưới lòng hồ. Một ống thép dẫn nước bổ sung thường xuyên cho sông Tô Lịch, ống còn lại để sẵn sàng cấp nước cho Hồ Tây khi cần thiết.

Thành phố phải quyết liệt làm để trước dịp kỷ niệm ngày 2/9/2025 sẽ có dòng sông Tô Lịch không còn màu đen và mùi hôi như bây giờ, "trở thành dòng sông thơ mộng", là niềm tự hào của người dân Thủ đô.

Bà Hoài cho biết cùng với việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch, thành phố sẽ phát động phong trào vệ sinh tại 8 quận huyện nơi sông chảy qua. Hiện trạng hai bên bờ sông rất nhếch nhác, rác trôi lềnh bềnh làm môi trường càng thêm ô nhiễm. Khi đã xử lý nước sông sạch, nhưng người dân vẫn xả rác thì không triệt để, môi trường cảnh quan vẫn ô nhiễm.

"Các quận huyện cần thu gom rác ngay. Mặt trận Tổ quốc cũng phải chỉ đạo xuống các đoàn thể, hội viên phối hợp với chính quyền giải quyết cơ bản tình trạng rác thải, đừng vứt rác ra ngoài", Bí thư Hà Nội yêu cầu.

Do mưa lớn nhiều ngày khiến nước sông Tô Lịch dâng cao, chuyển trong xanh cuối tháng 7/2024. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Do mưa lớn nhiều ngày khiến nước sông Tô Lịch dâng cao, chuyển trong xanh cuối tháng 7/2024. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Báo cáo tại phiên thảo luận sáng cùng ngày, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết chiều 3/12 liên ngành của thành phố đã đi khảo sát thực tế hiện trường và làm việc với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tìm giải pháp kỹ thuật cũng như vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội (chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) đề xuất khoan kích ngầm (sử dụng robot và các kích thủy lực công suất lớn lắp đặt đường ống nước thay thế đào hở) để lắp đặt đường ống cấp nước qua đê sông Hồng. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đồng ý.

Qua trao đổi, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên đề nghị đầu tư tuyến cống hộp bêtông cốt thép đoạn cắt qua đê sông Hồng để đặt ống dẫn nước. "Thứ năm tuần này, các sở ngành sẽ làm việc với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai để đưa ra giải pháp kỹ thuật tốt nhất, nhanh nhất", ông Phong nói.

Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì. Toàn tuyến sông có hàng trăm cửa xả nước thải khiến nước sông thường xuyên đen kịt, bốc mùi hôi thối. Theo ước tính của Sở Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được thành phố đưa ra những năm qua nhưng đều không hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đến ngày 2/9/2025 phải hoàn thành hệ thống bổ cập nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Võ Hải ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN