Bí thư Hà Nội: Luật Thủ đô sẽ trao thẩm quyền để Hà Nội đưa 1 triệu sinh viên lên Hoà Lạc học
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay Luật Thủ đô đang được xem xét, sửa đổi trong đó sẽ trao thẩm quyền mạnh cho Hà Nội, trong đó có việc đưa khoảng một triệu sinh viên lên học tập tại khu vực Hoà Lạc…
Chiều 5-12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 4 của TP Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm sau kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu nhiều kiến nghị liên quan các vấn đề dân sinh như: lãng phí tài nguyên đất công; ô nhiễm môi trường; bất cập trong quản lý nhà chung cư; chuyển đổi công năng của các khu nhà ở sinh viên thành nhà ở xã hội…
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Bí thư Hà Nội khẳng định Đoàn ĐBQH TP Hà Nội sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của cử tri để phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ giải quyết. Với các ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền, TP sẽ chỉ đạo, đôn đốc giải quyết sớm.
Bí thư Hà Nội cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao, xem xét từng vấn đề một cách kỹ lưỡng, cẩn thận. Đây cũng là một trong những lý do một số dự án luật, như Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Hà Nội cho biết tại kỳ họp 6, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu vào dự luật, dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Dự kiến, khi luật được thông qua sẽ tạo điều kiện rất lớn để Hà Nội phát triển, nhất là có điều kiện về cơ chế, chính sách để đầu tư xây dựng, hiện thực hóa các quy hoạch chiến lược như hình thành 2 thành phố ở phía bắc và phía tây.
“Cơ chế nào chuyển các đại học ở dưới này lên trên đó. Đấy là 1 vấn đề. Định hướng của chúng ta là bây giờ phát triển thành phố vệ tinh, giãn dân, không “hút” dân vào như vừa qua. Trong khu vực nội đô, trong đó có quận Hoàng Mai theo quy hoạch hơn 300 nghìn người nhưng giờ đã lên đến hơn 600 nghìn người”, ông Dũng nói.
Và theo Bí thư Hà Nội, do dân số tăng nhanh, quận Hoàng Mai đã bị quá tải hạ tầng và “khổ về mọi thứ”, trong đó có khổ vì trường, khổ vì lớp, khổ vì y tế khi bệnh tật xảy ra, khổ vì giao thông… Do đó, nếu tạo được khối đại học ở thành phố phía tây sẽ kéo theo khoảng 1 triệu sinh viên ra khỏi nội thành, chưa kể các dịch vụ cũng phát triển theo.
“Trong kỳ này, những chính sách đột phá, đặc thù, trao quyền cho Hà Nội là rất quan trọng. Nhiều đại biểu Quốc hội tham gia hiến kế, phát biểu muốn giao mạnh hơn cho thủ đô. Nếu thủ đô làm được việc này thì là đầu tàu trong cả nước, thủ đô làm được điều này thì sẽ đi đầu trong đổi mới chính sách và sẽ dần dần áp dụng cả nước”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ năm 2024 tới, Bí thư Hà Nội đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương, trong đó, có quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận dụng cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh được thành phố giao.
Ông cũng đề nghị các cấp chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các lĩnh vực, nhất là giải quyết tốt các vấn đề bức xúc, nổi cộm, đáp ứng kịp thời nhu cầu, nâng cao đời sống người dân…
Đồng thời, Bí thư Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi bàn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH đề xuất hỗ trợ nhà ở cho nhân tài muốn cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội…