Bí thư Bình Thuận: Dân nghi ngờ có cán bộ chống lưng, bao che vi phạm
Phát biểu tại phiên khai mạc HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhìn nhận tỉnh còn có nhiều mặt hạn chế, yếu kém, nhiều công việc cần cải thiện tốt hơn nữa.
Ngày 6-12, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã khai mạc kỳ họp thứ 19.
Quy mô kinh tế hơn 100 ngàn tỷ đồng
Sau phần phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Dương Văn An, Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát biểu tại kỳ họp.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu tại kỳ họp. Ảnh ĐH.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận, quy mô kinh tế của tỉnh năm 2022 chỉ 96,4 nghìn tỷ, nay đã tăng lên hơn 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành. Thu ngân sách Nhà nước trên 10 nghìn tỷ đồng. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội tồn đọng nhiều năm, ở nhiều lĩnh vực đang từng bước được tháo gỡ.
Tăng trưởng GRDP đạt 8,1%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành và 4/14 tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, trong khi năm 2022 chỉ xếp thứ 45/63 tỉnh, thành trong cả nước và thứ 10/14 địa phương trong vùng.
Ba lĩnh vực được xác định là trụ cột kinh tế của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng, trong đó du lịch tăng trưởng cao nhất với tổng số du khách 8,35 triệu (tăng 46%), doanh thu đạt hơn 22,3 nghìn tỷ đồng (tăng 63%), là một trong số 10 tỉnh, thành phố có tổng lượt du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước…
Tiền chờ dự án vì giải ngân chậm
Tuy nhiên, người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận thừa nhận vẫn còn có nhiều mặt hạn chế, yếu kém, nhiều công việc cần cải thiện tốt hơn nữa.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh ĐH.
Cụ thể, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 11-2023 chỉ đạt 64,41% kế hoạch; sử dụng ngân sách, cân đối thu - chi chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng có tiền nhưng không có dự án để phân bổ. “Trước đây thì dự án chờ tiền, nay thì tiền chờ dự án”, Bí thư Bình Thuận nhấn mạnh.
“Công tác quản lý đất đai, khoáng sản chưa chặt chẽ, lúng túng trong xử lý vi phạm, nhiều đơn thư trong lĩnh vực này chậm được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng lấn chiếm đất công, đất dự án, khai thác khoáng sản trái phép có nơi còn diễn biến phức tạp nhưng ngăn chặn chưa hiệu quả dẫn đến nhân dân nghi ngờ có sự “bao che”, “chống lưng” của một số cán bộ”, ông Dương Văn An thắng thắn.
Lời hứa với dân gần 30 năm chưa xong
“Có lần tôi tiếp xúc cử tri ở xã Tiến Thành, một cử tri cho biết được Nhà nước giao đất ở do di dời chống sạt lở từ năm 1994, cơ quan Nhà nước “hứa” với người dân là khi làm nhà, sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đến nay đã gần 30 năm vẫn chưa được cấp giấy. Cử tri đó nói với tôi rằng: 06 nhiệm kỳ, hàng chục cuộc tiếp xúc cử tri, ai về cũng hứa nhưng không có kết quả. Tôi nói điều này ra, có thể nhiều đồng chí lãnh đạo, nhiều đại biểu không vui, nhưng chúng ta là đại biểu của dân, là cơ quan quyền lực của dân, do dân, vì dân; phải tự kiểm điểm trước dân để làm tốt hơn lời hứa của mình, không để người dân chờ đợi thêm nữa”, Ông Dương Văn An nói.
“Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và từng đại biểu HĐND tỉnh chú ý nhiều hơn việc giám sát kết quả giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri của các cơ quan nhà nước các cấp; kịp thời nêu ý kiến phê bình, chấn chỉnh đối với các trường hợp chậm trễ, để kéo dài hoặc đùn đẩy trách nhiệm”, ông Dương Văn An đề nghị.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận, năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn nếu Bình Thuận không cố gắng nỗ lực nhiều hơn thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng, thu nhập người dân, tự cân đối ngân sách vào năm 2025...
Năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn nếu Bình Thuận không cố gắng nỗ lực nhiều hơn thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu tăng trưởng, thu nhập người dân, tự cân đối ngân sách vào năm 2025...
Theo Bí thư Tỉnh Bình Thuận, tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, dẫn đến công việc chậm trễ. Ngoài ra còn một số vấn đề bất cập, vướng mắc và cả những sai phạm được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra, điều tra trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến nay chưa có giải pháp tháo gỡ, xử lý. Từ đó, đã dẫn đến tình trạng nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội phải “nằm chờ”, không được triển khai, làm lãng phí các nguồn lực xã hội.
Người đứng đầu Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, UBND các địa phương, các sở, ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực làm việc bằng cả trách nhiệm và tình cảm, có tâm và tầm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Có nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nhưng thiếu giám sát dẫn đến có tình trạng nhiều năm không triển khai. Tôi xin nêu ví dụ cụ thể để Hội đồng cùng xem xét, có giải quyết thực hiện trong thời gian tới. Đó là Nghị quyết của HĐND tỉnh về dự án Nhà tang lễ. Dự án này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) thống nhất vị trí đầu tư tại xã Phong Nẫm, Phan Thiết vào năm 2012. Sau đó, UBND tỉnh có chỉ đạo triển khai thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên, do chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ và thiếu kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan nên mãi đến năm 2018, sau 6 năm, UBND tỉnh mới trình và được Thường trực HĐND tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án vào ngày 31-10-2018. Tuy nhiên, cơ quan tham mưu lấy lý do khó khăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên không triển khai được, làm cho dự án tiếp tục chậm trễ. Đến khi Thường trực Tỉnh ủy đôn đốc, nhắc nhở, tổ chức 2 cuộc họp để cho ý kiến, thì dự án mới khởi động lại và hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo”. Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. |
28 chức danh là Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND TP và 7 chức danh là Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban HĐND TP Hà Nội được lấy phiếu tín nhiệm
Nguồn: [Link nguồn]