"Bí mật" vỉa hè đường Phạm Văn Đồng

Một tiếp viên khẳng định làm quán nhậu phải quen biết lớn, chuyện chung chi không thể tránh khỏi vì đó là luật ngầm.

Tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh và Gò Vấp, TP HCM) thời gian gần đây trở nên sạch, đẹp sau chiến dịch đòi lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm kinh doanh ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, bày bán công khai.

“Bà chủ em gốc bự”

Hơn 1 tuần quan sát, chúng tôi ghi nhận một số quán nhậu, cà phê… thường xuyên lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán trên đường Phạm Văn Đồng (khu vực quận Bình Thạnh) nhưng không có cơ quan chức năng đến xử lý. Tối 16-3, chúng tôi theo sau xe 1 tổ công tác đi dẹp vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng. Đáng nói, trước khi lực lượng làm nhiệm vụ đến chừng 10 phút, chủ các quán nhậu đã nắm được tình hình liền cho nhân viên mang bàn, ghế ngoài vỉa hè vào trong. Chỉ còn một số người buôn bán nhỏ lẻ bị thu biển quảng cáo, tang vật vì không kịp trở tay. Ngoài ra, chúng tôi còn thấy lực lượng xử lý đi ngang qua một vài nơi lấn chiếm vỉa hè mà không một lời nhắc nhở, xử phạt.

"Bí mật" vỉa hè đường Phạm Văn Đồng - 1

Chiều tối, nhân viên quán Nhi (Hai Cô) bày bàn, ghế lấn chiếm vỉa hè đường Phạm Văn Đồng Ảnh: QUỐC CHIẾN

“Liều” nhất phải kể đến các quán Nhi (Hai Cô), S.M.O, O.V.Đ, S… trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc phường 11 và 13, quận Bình Thạnh. Tại quán Nhi (Hai Cô), cứ chiều đến là lập tức có khoảng 4-5 nhân viên mặc đồng phục dọn sẵn bàn ra vỉa hè, tràn xuống đường chặn khách. Chúng tôi ghé vào quán tìm chỗ ngồi, nam nhân viên tên T. liền bê chiếc bàn nhựa ra tận mép đường, bảo: “Đại ca ngồi đây cho mát”. Khi được hỏi lấn chiếm vỉa hè không sợ xử phạt sao, T. đáp chắc nịch: “Bà chủ em gốc bự, lo hết rồi nên anh cứ yên tâm”. T. cho biết bà chủ có 2 quán nhậu đều nằm trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), ban đêm khách vào đông nghịt. Quán mở cửa lúc 17 giờ đến 4-5 giờ sáng hôm sau mới nghỉ.

“Làm quán nhậu phải quen biết lớn, chuyện chung chi thì không thể tránh khỏi. Ở đây đều chung chi cả, đó là luật ngầm rồi. Em làm ở đây hơn 1 năm nhưng ít thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra. Có khi đô thị chạy qua, bọn em dẹp bàn ghế vào trong chút xíu, họ liếc liếc rồi bỏ đi” - T. khoe.

Đến khoảng 19 giờ, chúng tôi vào quán nhậu S.M.O thì đã thấy nhân viên bày bàn, ghế ra vỉa hè. Chúng tôi hỏi ngồi ngoài vỉa hè có sao không, nữ nhân viên nói: “Cái này ông chủ lo hết rồi”. Nam nhân viên tiếp lời: “Mở quán nhậu không chung chi sao làm ăn. Quán em cho nhậu đến 3 giờ sáng hôm sau mới nghỉ, anh cứ yên tâm!”.

Có bảo kê?

Anh B., chủ quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (phường 11, quận Bình Thạnh), còn tiết lộ hơn 4 năm kinh doanh, tháng nào anh cũng chung chi để được buôn bán ngoài vỉa hè. “Nói thật, nếu không lo lót nhỡ bị kiểm tra thì cũng đóng khoảng 2 triệu đồng tiền phạt rồi còn gì. Quán thường xuyên bị kiểm tra thì làm ăn gì nữa” - anh B. nói.

Cũng theo anh B., những nơi lo lót thường được báo tin để biết trước về thời gian cụ thể tổ công tác đi dẹp vỉa hè. Khi lực lượng kiểm tra đi qua, sự việc lại đâu vào đấy. Những người buôn bán tự do, khi quan sát thấy những quán xung quanh dọn dẹp bàn ghế là biết ngay sắp có tổ công tác đi kiểm tra, ai chạy không kịp sẽ bị “hốt”.

Ngày 19-3, chúng tôi liên hệ với một số chủ mặt bằng trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) để hỏi thuê. Ông C. (chủ mặt bằng) cho biết nếu muốn buôn bán ngoài vỉa hè thì phải “bôi trơn” cho công an khu vực. “Ai cũng thế cả, làm ăn mà. Tôi thi thoảng cũng tặng các anh ấy thùng bia, nhiều thì tiền. Anh thuê mặt bằng chỗ tôi làm ăn ngon đấy, vỉa hè rộng, xe dựng thoải mái” - ông C. trấn an.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh - cho biết thực hiện chỉ đạo của TP, phường thường xuyên thành lập tổ công tác xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hầu hết các hộ kinh doanh đều thực hiện nghiêm, chỉ còn 1 điểm là quán Nhi (Hai Cô) chây ì không chấp hành. “Chủ quán này từng bị chúng tôi xử lý nhiều lần, gần nhất là tăng mức phạt lên 3 triệu đồng nhưng vẫn chứng nào tật nấy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm quyết liệt, nếu chủ quán tái phạm sẽ xin ý kiến của quận về hướng dẫn xử lý” - ông Quang quả quyết.

Về thông tin có người trong ngành bảo kê và thông báo trước cho người vi phạm, ông Quang cho biết sẽ ghi nhận phản ánh từ Báo Người Lao Động để làm rõ.

“Nếu thật sự có người bảo kê hay thông báo cho người vi phạm biết trước thời điểm kiểm tra, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ làm quyết liệt để xem ai là người bảo kê như lời một số chủ quán” - ông Quang nhấn mạnh.

Thuê người theo dõi tổ công tác (!?)

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND phường 13, quận Bình Thạnh - xác nhận trước khi triển khai giành lại vỉa hè cho người đi bộ, phường đã tuyên truyền, vận động đến các hộ kinh doanh. Ông Lĩnh thừa nhận có tình trạng lấn chiếm vỉa hè như Báo Người Lao Động phản ánh nhưng vì luật xử lý còn nhiều bất cập nên địa phương làm chưa được. Khi phóng viên cung cấp thông tin về những quán nhậu chiếm vỉa hè trên, ông Lĩnh nói những điểm này từng bị xử lý nhiều lần với số tiền rất lớn nhưng vẫn tái phạm.

“Tôi khẳng định không có chuyện người trong tổ công tác bảo kê hay thông báo trước thời gian đi kiểm tra cho người vi phạm. Tôi sẽ ghi nhận thông tin Báo Người Lao Động cung cấp và sẽ báo cáo với lãnh đạo để điều tra, nếu có thì xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ báo cáo với lãnh đạo quận để có phương án xử lý triệt để những hộ kinh doanh trên. Nếu cần sẽ kiến nghị TP và quận lắp camera dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng để xử lý “nóng” những điểm vi phạm cũng như an ninh trật tự. Tôi còn nghi vấn chủ quán thuê người theo dõi lực lượng làm nhiệm vụ để tìm cách đối phó” - ông Lĩnh nói.

"Bí mật" vỉa hè đường Phạm Văn Đồng - 2

>>XEM THÊM

Ông Hải liên tục nhận điện thoại can thiệp khi đập công trình chiếm vỉa hè

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Hưng - Quốc Chiến (Người lao động)
Cuộc chiến đòi lại vỉa hè Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN