Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM - Kỳ 3: 'Bà trùm' cung cấp vé số

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhiều ngày thâm nhập, nhóm phóng viên xác định bà S và bạn đồng hương nhận vé số từ một phụ nữ tên X rồi đưa cho con ruột đi bán. Bà X nói là “làm phước” giúp đỡ người nghèo, không lấy tiền lời, chỉ lấy vé giúp, nhưng sự thật không phải vậy.

Lấy giùm vé số vì không biết đường?

Sau giờ xổ số chiều 20/9, bà X, chừng 50 tuổi, có nước da ngăm đen, dáng người phốp pháp, đi bộ vào nhà lồng chợ ngã tư Bốn Xã, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Lấy trong túi nylon ra một xấp vé dày cộp, bà chia cho 4 người gồm bà S, bà N và 2 người khác, trong đó có một người tàn tật ngồi xe lăn. Mỗi người được đưa cho 2-3 lốc vé, tương đương 240-360 vé (thời điểm trước ngày 1/10).

Bà X ngồi trên sạp thịt đếm vé số đợi nhóm phụ nữ tới lấy Ảnh: Thuận Nhàn

Bà X ngồi trên sạp thịt đếm vé số đợi nhóm phụ nữ tới lấy Ảnh: Thuận Nhàn

Sau 16 giờ 30 mỗi ngày, bà X xuất hiện tại ngã tư Bốn Xã để giao vé cho nhóm bà S tại khu nhà lồng chợ hoặc bên hông cửa hàng điện thoại trên đường Hương Lộ 2. Nhiều người khác cũng đến khu vực trên để lấy vé số từ tay bà… Lúc đầu, bà nhận mình là chủ đại lý vé số ở khu Tên Lửa, Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), nhưng sau lại nói bản thân đi bán và vô tình gặp nhóm bà S. Thương người xa lạ có con nhỏ như mình, bà lấy giùm để nhóm phụ nữ đi bán kiếm tiền. “Không bán thì không có tiền ăn cơm, họ nói vậy em nghe có chịu nổi không? Phải đành lòng lấy cho người ta bán”, bà X nói giọng đầy thương cảm. Bà nói đã lấy vé số cho nhóm bà S bán gần một năm, có tìm hiểu kỹ hoàn cảnh trước khi giúp.

Làm phước?

Bà X chia sẻ, hằng tháng, bà “làm phước” chở con của nhóm bà S đi khám bệnh giúp vì họ không biết đường. Trong đó, có cả con trai út của vợ chồng anh P. Bà nói mình làm những việc này để giúp nhóm người nghèo khổ có tiền ăn, chữa bệnh cho con, “chứ ở dưới quê, cơm còn không có mà ăn”.

Bà X nhiều lần khẳng định nhóm bà S không rành đường sá ở TPHCM nên bà mới đứng ra lấy vé số giúp. Tuy nhiên, phóng viên ghi nhận được nơi bà X lấy vé lại nằm trên đường Thoại Ngọc Hầu (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú), cách ngã tư Bốn Xã chỉ 20m. Điều này có nghĩa chỉ cần đi bộ vài phút thì nhóm bà S có thể dễ dàng tới mua sỉ để đi bán mà không cần thông qua trung gian. Bất ngờ hơn nữa, bà N. thường xuyên lui tới tiệm này, chứ không phải “không biết đường” như lời bà X.

Quá trình lấy vé và phân phát của bà X không mất nhiều thời gian. Chiều 5/10, bà đi xe máy đến tiệm vé số trên lấy cọc vé để vào giỏ rồi đi chia cho nhóm phụ nữ. Chiều hôm sau, bà X ngồi trên sạp thịt heo bên cạnh cửa hàng điện thoại phân chia vé số ra từng lốc rồi lần lượt đưa cho nhóm bà S. Đến gần 18 giờ, khi trời đổ mưa lớn, bà X được một người chở trên xe máy chạy nhanh về nhà trọ nằm trên đường Liên khu 1-6 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), cách ngã tư Bốn Xã gần 2km.

“Không lấy tiền lời, tiền góp”

Bà X lấy cọc vé số đưa cho nhóm bà S Ảnh: Thuận Nhàn

Bà X lấy cọc vé số đưa cho nhóm bà S Ảnh: Thuận Nhàn

Phóng viên hỏi: “Vậy trước khi lấy vé số của chị, những người này đi xin tiền?” - Bà X đáp: “Không, họ vẫn đi bán, dẫn 2-3 đứa con đi”. Câu trả lời này mâu thuẫn với ý sống lay lắt, không có tiền ăn cơm như bà vừa nói trước đó.

Khi được hỏi có lấy tiền lời gì hay không, bà X phân trần: “Cái gì mình giúp người ta được thì mình giúp thôi, chứ không lấy tiền lời, tiền góp gì trong đó. Mấy người này bán mỗi vé lời được 1.000 đồng. Người ta đi bán người ta nhận (tiền lời - PV), chứ mình nhận làm gì”.

Ghi số đề trong tiệm vé số

Qua tìm hiểu, tiệm vé số mà bà X vào lấy là của bà D.M.T, chừng 40 tuổi. Bà T nói, một lốc vé 130 tờ có giá 1,15 triệu đồng. Nếu các đại lý có chỗ cho người bán ở lại thì giá sẽ cao hơn.

Trong khi trò chuyện, một người phụ nữ lớn tuổi đi vào, móc trong túi quần một xấp tiền ra ngồi đếm rồi nói nhiều con số. Sau đó, bà T đọc lại và ghi vào tờ giấy nhỏ để chồng trên cọc tiền đang cầm trên tay. Ghi xong, bà T lấy điện thoại chụp hình lại tờ giấy rồi đưa cho người phụ nữ, đồng thời nhận 100.000 đồng (1 tờ 50.000 đồng, 3 tờ 10.000 đồng, 1 tờ 20.000 đồng) từ người này.

Theo bà X, sẽ đưa vé vào hôm trước rồi hôm sau mới quay lại lấy tiền. Mỗi lần lấy vé giao cho cả nhóm, bà X phải bỏ tiền túi ra trả trước cho đại lý. “Bữa nào bán hết thì có tiền, không hết thì chị ôm. Hai hôm trước trời mưa bán không hết, chị ôm 20-30 tờ, cũng mấy trăm nghìn. Mỗi lốc vé số lời có 100.000 - 120.000 đồng, hai lốc lời hơn 200.000 đồng mà còn trả tiền ăn, tiền nhà. Người ta phải đi bán, chứ không thì lấy gì mà sống”, người phụ nữ nói.

Bán được một vé lời 1.000 đồng, đồng nghĩa bán 1 xấp vé số (130 tờ) sẽ lời 130.000 đồng. Nhưng nhóm phụ nữ trên có thực nhận đúng số tiền này? Thực tế giá gốc mà bà X lấy là bao nhiêu, có hưởng chênh lệch hay chỉ lấy giúp vì thương người?

Phóng viên vào vai một người muốn mua sỉ vé số cho người thân đi bán để tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên. Bà D.M.T, chừng 40 tuổi (chủ đại lý vé số mà bà X lấy vé), cho hay, nếu lấy một lốc 130 tờ, bà sẽ bỏ sỉ giá 1,15 triệu đồng (8.850 đồng/vé). Khi bán hết, người bán thu về 1,3 triệu đồng, lời được 150.000 đồng (tương đương lời 1.150 đồng/vé). Tiệm bà T luôn có sẵn vé, ai có nhu cầu lấy sỉ đều được, nếu bán không hết phải tự ôm.

Nhóm trẻ em ăn xin ngồi nghỉ trên đường Hòa Bình Ảnh: Thuận Nhàn

Nhóm trẻ em ăn xin ngồi nghỉ trên đường Hòa Bình Ảnh: Thuận Nhàn

Nếu “bán mỗi vé lời được 1.000 đồng” như lời bà X nói, thì nhóm bà S nhận một tờ vé số giá 9.000 đồng. So với giá gốc 8.850 đồng/tờ từ đại lý, bà X mặc nhiên được hưởng chênh lệch 150 đồng/tờ, tương ứng 20.000 đồng/lốc. Con số tưởng chừng nhỏ nhưng trung bình một ngày bà X phân phối khoảng 10 lốc nên được hưởng lợi gần 200.000 đồng.

Số tiền lời của bà X vẫn chưa hết. Nói với phóng viên, nhóm phụ nữ khẳng định, nếu bán hết 1 lốc 130 tờ vé số thì họ chỉ được nhận vỏn vẹn 100.000 đồng.

Chiều 20/9, trong khi kiểm đếm xấp vé số vừa nhận từ bà X, một phụ nữ trong nhóm nói với phóng viên: “Xấp vé này 2 lốc, nếu bán hết 1 lốc, thì nhận được 100.000 đồng. Đưa vé nhiều thì bán nhiều, đưa số ít thì bán ít”. Ngoài ra, người phụ nữ này xác nhận bản thân đi bán chứ không phải các con, nếu không bán thì không có gì cho con ăn và mua sữa.

Gần 2 tháng theo dõi, phóng viên ghi nhận nhóm phụ nữ trên không trực tiếp đi bán vé số mà nhiệm vụ này thuộc về những đứa trẻ. Thực tế là vậy nhưng bà X lại khẳng định chắc nịch, tất cả đứa trẻ đều được đến trường, đều biết chữ. Chúng chỉ phụ bán vé số một tháng (đầu tháng 9 đến cuối tháng 9 - PV), rồi đi học.

Chứng kiến lời bà X nói với phóng viên, bà S ngồi bên nhiều lần gật đầu ra vẻ đồng tình. Nhưng khi phóng viên hỏi bà S con đang học lớp mấy thì bà không trả lời.

(Còn tiếp)

Nguồn: [Link nguồn]

Trong lúc bọn trẻ đội nắng, đội mưa xin tiền, nhóm người lớn ngồi trong quán cà phê thảnh thơi lướt điện thoại. Cuối ngày, họ thu giữ toàn bộ số tiền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thuận - Nhàn Lê ([Tên nguồn])
Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN