Bi kịch của những người “sống không được, chết chẳng xong”
Bi kịch của những con người bị bệnh tật giày vò không thể tự mình chấm dứt sự sống đã khiến các nhà lập pháp nhiều nơi trên thế giới thay đổi suy nghĩ của mình.
Vừa qua, TS.Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Luật Dân sự. Đề xuất này đã gây nên những tranh luận trái chiều trong dư luận, khi nhiều người cho rằng việc luật hóa “quyền được chết” là trái đạo đức.
Theo quan niệm chung, “quyền được chết” được hiểu là quyền của những người bị mắc bệnh nan y, vô phương cứu chữa và thường xuyên chịu bệnh tật giày vò muốn được chấm dứt cuộc sống một cách nhẹ nhàng bằng các biện pháp can thiệp y tế hoặc từ chối các biện pháp kéo dài sự sống.
Các hình thức trợ giúp để người bệnh có “cái chết êm ái” được thực hiện chủ yếu bằng 3 hình thức: Bác sĩ trực tiếp tiêm thuốc để người bệnh chết nhẹ nhàng, bác sĩ ngưng các biện pháp điều trị để người bệnh chết dần, hoặc bác sĩ hướng dẫn người bệnh cách thức tự chấm dứt cuộc sống.
"Quyền được chết" là vấn đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia trên thế giới
Trên thế giới cũng đã và đang có những cuộc tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề “quyền được chết” của con người. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 với BBC, “ông hoàng vật lý” người Anh Stephen Hawking đã ủng hộ quyết định chấm dứt sự sống của những người cảm thấy rằng cuộc sống của họ không thể chịu đựng được thêm nữa.
Ông nói: “Tôi cho rằng những người bị bệnh hiểm nghèo và đang phải chịu đau đớn tột cùng nên được quyền lựa chọn chấm dứt cuộc sống của mình và những người giúp họ có cái chết êm ái không nên bị truy tố. Chúng ta không muốn để những con vật sắp chết phải chịu đau đớn, cớ sao con người lại phải chịu?”
Trên thế giới hiện nay mới chỉ có một số quốc gia thừa nhận một số hình thức “chết êm ái” là hợp pháp, chẳng hạn như Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ, Canada và một số bang của Mỹ.
Hà Lan là một trong số ít quốc gia đi tiên phong trong việc tạo điều kiện cho các bệnh nhân có cái chết êm ái khi hợp pháp hóa “quyền được chết” vào năm 2001. Theo luật pháp Hà Lan, “cái chết êm ái” dưới sự trợ giúp của bác sĩ chỉ được coi là hợp pháp khi bệnh tình của bệnh nhân là “vô vọng và không thể chịu đựng được”.
Hà Lan cũng đưa ra những quy định rất chặt chẽ trong vấn đề “quyền được chết” liên quan đến yêu cầu của bệnh nhân, nỗi chịu đựng vì bệnh tật của họ và những thông tin mà bác sĩ phải cung cấp cho bệnh nhân cùng các giải pháp thay thế trước khi thực hiện “cái chết êm ái” cho họ.
Tại Canada, vào tháng 6/2014, Quebec trở thành tỉnh đầu tiên của nước này thông qua “quyền được chết”, và đến tháng 2/2015, tòa án tối cao nước này chính thức tuyên bố rằng việc từ chối quyền được chấm dứt sự sống của bệnh nhân là trái hiến pháp.
"Ông hoàng Vật lý" Stephen Hawking ủng hộ quyền được chết của những người bị bệnh tật giày vò
Tuy nhiên, phán quyết của tòa án tối cao Canada quy định “chỉ những người trưởng thành mắc bệnh nan y không thể cứu chữa khiến họ chịu đau đớn kéo dài và có sự đồng thuận rõ ràng” mới được các bác sĩ hỗ trợ thực hiện “cái chết êm ái”.
Ở Mỹ, việc bác sĩ hay bất cứ bên thứ ba nào khác trực tiếp tiêm hoặc cho bệnh nhân uống thuốc để chấm dứt sự sống là hoàn toàn trái pháp luật. Tuy nhiên, có 5 bang ở Mỹ là Oregon, Washington, Montana, Vermont và New Mexico cho phép bác sĩ hay bên thứ ba cung cấp những biện pháp giúp người bệnh chấm dứt sự sống.
Những bang này quy định các bệnh nhân phải tỉnh táo khi yêu cầu chấm dứt sự sống, được một bác sĩ và các nhân chứng xác nhận, và bệnh nhân này phải là người bị chẩn đoán mắc bệnh nan y vô phương cứu chữa.
Theo Sở Y tế bang Oregon, kể từ luật Chết trong Phẩm giá được thông qua năm 1997, đã có 1.173 người được kê các loại thuốc giúp chấm dứt sự sống, và 752 người đã lựa chọn uống loại thuốc này.
Trong khi đó, rất nhiều nước khác trên thế giới vẫn kiên quyết không thừa nhận “quyền được chết” khi cho rằng hành động này là trái với đạo đức của người bác sĩ và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường nếu bị lạm dụng. Chính quan niệm này đã dẫn đến những bi kịch rất đớn đau cho người bệnh.
Năm 2012, một công dân người Anh là Tony Nicklinson, người bị liệt hoàn toàn trong một tai nạn, đã phải nhịn ăn suốt một tuần lễ và qua đời trong đau đớn khi tòa án bác bỏ yêu cầu được chết một cách êm ái tại nhà của ông.
Ông Tony Nicklinson (phải) đã phải nhịn ăn và chết trong đau đớn vì không được phép hưởng "cái chết êm ái"
Tại nhiều bang ở Mỹ, việc hỗ trợ một bệnh nhân mắc bệnh nan y có được cái chết nhẹ nhàng vẫn là một điều cấm kỵ và không được các chính trị gia ủng hộ. Chính vì điều đó, cô gái bị ung thư não Brittany Maynard đã phải chiến đấu hết mình để giành quyền ra đi thanh thản vì không muốn mòn mỏi chờ chết trong đau đớn.
Hồi tháng 11.2014, Maynard đã chuyển từ quê nhà California đến bang Oregon, nơi áp dụng luật Chết trong Phẩm giá để có thể lựa chọn một cái chết nhẹ nhàng cho mình, và cô đã trút hơi thở cuối cùng một cách thanh thản tại đây.
Trước khi được các bác sĩ tiêm liều thuốc trợ tử để chấm dứt cuộc đời, Maynard đã truyền đi thông điệp cuối cùng: “Vĩnh biệt bạn bè và gia đình thân yêu. Những người biết trân trọng cuộc sống và biết cảm ơn là những người hạnh phúc nhất. Nếu ta thay đổi suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ thay đổi cả thế giới! Tôi yêu và cầu chúc bình an cho tất cả mọi người”.
Cô gái Maynard đã khiến các nghị sĩ bang California phải suy nghĩ lại về "quyền được chết"
Sau cái chết đầy cảm động của Maynard, các nghị sĩ bang California quê hương của cô đã thay đổi suy nghĩ và đưa ra một dự luật nhằm cho phép những người mắc bệnh hiểm nghèo được quyền chấm dứt sự sống trong thanh thản.
Theo dự luật này, những bệnh nhân mắc bệnh nan y có thời gian sống còn lại dưới 6 tháng có quyền được hưởng các biện pháp y tế hỗ trợ chấm dứt sự sống. Để thực hiện được điều đó, bệnh nhân này phải được 2 bác sĩ độc lập xác nhận rằng mình đủ năng lực tâm thần để đưa ra quyết định chấm dứt cuộc đời.
Hiện vẫn chưa rõ dự luật này có được Thống đốc Jerry Brown ký thông qua hay không. Nếu dự luật này không được thông qua, vấn đề “quyền được chết” sẽ được cử tri bang này quyết định thông qua một cuộc thăm dò ý kiến dự kiến được tổ chức vào năm 2016.