Bi kịch của hàng ngàn nạn nhân bị IS truy đuổi

Hàng chục ngàn người dân tộc thiểu số Yazidi tại Iraq đã phải chạy trốn khỏi sự truy quét của Nhà nước Hồi giáo (IS) vào hồi đầu tháng trước. Rất nhiều người bị mắc kẹt trên những sườn núi khô cằn của ngọn núi Sinjar.

Những người dân tộc thiểu số Yazidi đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế vào tháng trước khi họ bị Nhà nước Hồi giáo (IS) truy quét. Nhưng giờ đây, những người này cho biết, họ dường như đang bị cả thế giới lãng quên.

Tại khắp khu vực Kurdish, miền bắc Iraq, những gia đình người Yazidi bị mất nhà cửa phải sống trong những khu lều trại tạm bợ, các tòa nhà bỏ hoang, thậm chí là ngay dưới chân cầu.

Bi kịch của hàng ngàn nạn nhân bị IS truy đuổi - 1

Adla đã bị phiến quân IS đưa đi khỏi ngôi làng của mình và bị giam giữ trong 38 ngay cho tới khi cô trốn thoát thành công

Các chuyên gia cho biết khoảng 4.500 người dân Yazidi, trong đó có khoảng 3.000 phụ nữ và trẻ em đang nằm trong tay của tổ chức Hồi giáo cực đoan IS.

Những phụ nữ và trẻ em gái bị đối đãi như những phần thưởng cho phiến quân trong các cuộc chiến và trở thành món hàng bị mang ra buôn bán. Chỉ rất ít người trong số này có thể trốn thoát.

Adla là một trong số những người may mắn trốn thoát được khỏi IS. Cô mới được đoàn tụ cùng gia đình trong một chiếc lều ở thị trấn Zakho. Trước đó, Adla và những người dân trong ngôi làng đã bị IS đưa đi và giam giữ trong vòng 38 ngày.

Adla run rẩy kể lại: “Ban đầu, tôi được đưa đến một ngôi nhà lớn ở Mosul. Ở đây có rất nhiều phụ nữ. Tất cả các cánh cửa đều bị khóa và ngôi nhà được canh gác cẩn mật. Cứ một hoặc hai ngày, những người đàn ông sẽ đến và yêu cầu chúng tôi bỏ khăn trùm đầu để chọn ra những người mà chúng cần. Sau đó chúng giật tóc những người phụ nữ đó và lôi ra ngoài”.

Adla đã phải di chuyển từ nơi này tới nơi khác, phải chứng kiến cảnh rất nhiều người bạn của mình bị đánh đập dã man và bị cưỡng hiếp. Cô cho biết, trong khoảng thời gian đó, những tên phiến quân đã không động tới Adla vì cô đang mang thai, tuy nhiên ngay sau đó Adla bắt đầu lo lắng cho sự an toàn của mình.

Bi kịch của hàng ngàn nạn nhân bị IS truy đuổi - 2

Những người Yazidi bị mất nhà sống trong sợ hãi rằng IS sẽ tấn công nốt những ngôi nhà tạm bợ của họ

Adla nói: “Mỗi ngày, có rất nhiều người đàn ông đến và mang các cô gái đi, và chúng tôi quyết định phải trốn thoát. Thậm chí chúng tôi có thể bị chúng bắt và giết chết, nhưng chúng tôi thà chết còn hơn phải ở lại”.

Những đối tượng dễ bị tổn thương

Chuyên gia về dân tộc thiểu số Khidher Domle đã thu thập thông tin về địa điểm mà những người Yazidi đang bị IS giam giữ. Ông cho biết một số bị giam trong các nhà tù, một số thì ở trong các tòa nhà và hội trường.

Ông Khidher Domle nói: “Thật sự không thể tin được, đặc biệt là ở Mosul và Tal Afar. Cộng đồng quốc tế đã không điều tra, họ sẽ không tin rằng có một số lượng lớn phụ nữ đã bị IS bắt cóc”.

Ông khẳng định những người Yazidi là mục tiêu đặc biệt của IS, chúng muốn kiểm soát đất đai của người Yazidi, nhưng do tín ngưỡng của dân tộc này mà những kẻ Hồi giáo cực đoan coi họ là dị giáo.

Bi kịch của hàng ngàn nạn nhân bị IS truy đuổi - 3

Hiện có khoảng 3.000 phụ nữ và trẻ em Yazidi đang nằm trong tay IS

Ông Domle cho biết: “Chúng không coi những người Yazidi là có tôn giáo. Chúng cho rằng họ không có quyền. Chúng muốn khẳng định rằng người Yazidi không có chỗ trong Nhà nước Hồi giáo. Chúng tống những người Yazidi ra khỏi mảnh đất của họ, đặc biệt là khu vực Sinjar, và nếu phụ nữ Yazidi không cải đạo thì chúng sẽ coi họ như nô lệ hay quà tặng sau mỗi cuộc chiến”.

Trong khi đó, một cô gái 20 tuổi, người Yazidi giấu tên cũng đã kể lại câu chuyện khủng khiếp mà IS tra tấn cô.

Cô nói: “Chúng tôi bị đánh bằng những đoạn dây cáp, bị bỏ đói và phải rửa mặt bằng xăng. Chúng đã cố mang một người bạn của tôi đi và cô ấy đã phải tự tử bằng cách cắt cổ tay. 2 người khác cũng đã phải treo cổ tự tử”.

Cô gái này đã trốn thoát được sau những cuộc không kích nhằm vào IS, cô đã liên tục chạy trong 3 ngày để thoát khỏi sự truy đuổi của IS và tìm nơi an toàn. Cô kể lại: “Chúng sẽ bán các cô gái cho bất kỳ ai muốn mua họ, kể cả là các em gái mới 9 tuổi hoặc hơn. Một số người đàn ông mua 2, 3 thậm chí là 4 hay 5 người cùng một lúc”.

Kêu gọi sự can thiệp

Tại ngôi nhà của bà Vian Dakheel ở Irbil, người Yazidi duy nhất trong quốc hội Iraq, hiện đã có hơn 30 người họ hàng của bà đang lánh nạn.

Bà Dakheel đã bị thương trong một vụ tai nạn trực thăng khi cố gắng phân phát đồ cứu trợ cho những người Yazidi trên núi vào tháng trước. Bà khẳng định sự can thiệp quân sự của phương Tây có thể đánh bại IS và giải phóng những tù nhân Yazidi.

Bà Vian Dakheel cho biết: “Chúng tôi là những người dân tộc thiểu số ở đây và không có một hành lang mạnh mẽ hỗ trợ. Chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước hãy quan tâm về nhân quyền tại đây”.

Trong khi đó, đối với các gia đình có phụ nữ mất tích, thời gian có lẽ không còn nhiều. Họ lo sợ nếu như những người thân của mình không được sớm tìm thấy, họ sẽ không bao giờ được gặp lại họ nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Nhung (Theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN