Bị hoại tử khủng khiếp vì nghe lời lang băm
Nhiều người bị nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí phải cắt bỏ cả một phần cơ thể vì nghe lời lang băm.
Gãy xương cần bó bột, mụn nhọt cần điều trị. Tuy nhiên, không ít người dân đã tìm đến thầy lang để được đắp lá. Hậu quả là xương không lành, vết thương còn bị nhiễm trùng, hoại tử, thậm chí phải cắt bỏ cả một phần cơ thể.
Hoại tử vì bó lá
Bà Lương Thị D (57 tuổi, quê ở xã Chí Minh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn) đi khám ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng vai gáy sưng to, chảy mủ, có hiện tượng hoại tử. Bà D cho biết, 1 tháng trước, bà bị một cái nhọt to bằng đầu đũa sau gáy. Do đau nhức nên bà tìm thầy lang để điều trị. Không rõ thầy lang đắp lá gì nhưng càng ngày vết thương càng sưng to, chảy mủ. Tới khi vết thương lan rộng, to như cái bát tô, bà không thể cử động được cổ thì gia đình mới đưa đến bệnh viện khám.
Một bệnh nhân bị hoại tử lớn do đắp lá.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Tài, người trực tiếp điều trị cho bà D cho biết, bệnh nhân D được chỉ định mổ cấp cứu do vết thương đã hoại tử nặng, các bác sĩ phải phẫu thuật, cắt bỏ các phần cơ bị hoại tử. Bác sĩ Tài nhận định, do vết thương ngay sau gáy, sát cột sống – nơi có nhiều hệ thần kinh cảm giác, nếu nhiễm trùng lan tỏa tới cột sống thì nhẹ là liệt tay chân, nặng thì có nguy cơ tử vong.
Trước đó, khoa Khám xương (Bệnh viện Việt Đức) cũng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị X (50 tuổi, trú tại Hòa Bình) bị hoại tử nghiêm trọng ở vùng vai lan xuống cánh tay.
Bà X cho biết, tháng trước, bà bị gãy xương đòn, bác sĩ chỉ định mổ, dùng nẹp vít cố định xương cánh tay. Tuy nhiên, bà X nghe người quen mách có ông lang bó lá chữa gãy xương nhanh khỏi nên tìm đến để đắp thuốc. Sau hơn 2 tuần bó lá, tay bà X đau nhức, sưng to. Tuy nhiên thầy lang vẫn một mực nói rằng đó là do thuốc phát huy tác dụng, xương đang lành nên gây phản ứng. Đến lúc vết thương chảy dịch vàng, nhiều vùng thịt thâm đen lại bà X mới đi bệnh viện.
Bác sĩ Võ Quốc Hưng - Trưởng khoa Khám xương và điều trị ngoại trú (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, vết thương của bà X đã hoại tử lớn. Phần xương cũng đã bị viêm do nhiễm trùng. Vì thế, quá trình điều trị sẽ rất lâu và tốn kém.
Cần đi khám để điều trị đúng
Theo bác sĩ Hưng, các trường hợp gãy xương đi bó lá, sau đó bị hoại tử hoặc xương cong lệch, phải đến bệnh viện để “sửa chữa” khá nhiều. Các loại lá không sạch có thể là “đường dẫn” lý tưởng, gây viêm nhiễm đối với các vết thương hở khiến da thịt bị thối rữa, xương bị viêm, mủn, cong vẹo. Không ít các viêm nhiễm nghiêm trọng khiến người bệnh thập tử nhất sinh.
"Bệnh nhân bị gãy xương cần đưa đi viện để được thăm khám kỹ và điều trị bằng y học hiện đại, đặc biệt là các chấn thương lớn. Việc bó lá, trì hoãn điều trị có thể khiến xương gãy tự liền, nhưng trong tình trạng lệch, vẹo, phần cơ bị co kéo rút lại, hỏng về chức năng, xấu về thẩm mỹ”. Bác sĩ Võ Quốc Hưng |
Bác sĩ Nguyễn Thành (Bệnh viện Da liễu T.Ư) còn gặp trường hợp bệnh nhân nữ bị nhiễm trùng, hoại tử phải khoét bỏ cả ngực vì đắp lá chữa u nhọt. Lại có trường hợp trẻ em bị gãy xương, bỏng, bị mụn, cha mẹ cũng cho tới thầy lang đắp lá, gây nhiễm trùng huyết.
“Việc đắp lá điều trị bệnh có thể gây tổn thương cho da. Nhẹ thì gây viêm da tiếp xúc, mẩn ngứa, còn nặng có thể làm nhiễm trùng hoại tử mô, nhiễm trùng huyết” – bác sĩ Thành khuyến cáo.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng Tài, để đánh giá được mức độ gãy và di lệch của xương thì cần phải chụp X-quang, rồi phẫu thuật để sắp xếp lại, chỉnh lý xương bằng nẹp vít, đinh nội tủy…
“Thầy lang, nhất là các thầy lang vườn không bằng cấp, sử dụng các bài thuốc gia truyền hoàn toàn không có kiến thức khoa học về giải phẫu người. Họ chỉ sờ nắn bên ngoài rồi chẩn đoán theo chủ quan. Việc bó lá có thể thành công đối với các vết thương kín, xương chỉ bị rạn. Các loại lá, thuốc đắp có thể có tác dụng giảm đau, khiến người bệnh tưởng vết thương đã đỡ. Nhưng thực tế không phải như vậy”- bác sĩ Tài nói.