Bi hài xếp hàng thời bao cấp

Thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm nên mua gì ở cửa hàng mậu dịch cũng đều bị hạn chế số lượng.

Vào một buổi trưa nắng, Giáo sư Văn Như Cương đạp xe từ trường về nhà. Qua cửa hàng mậu dịch Cầu Giấy (Hà Nội), ông chợt thấy có rất nhiều phụ nữ đứng xếp hàng trước quầy.

Dao cạo râu cũng xếp hàng

Trông vẻ mặt ai cũng hớn hở, thấy lạ, giáo sư dừng xe lại hỏi: "Các chị xếp hàng mua gì đấy?" Một chị nhận ra nhà giáo nên nhanh nhẩu: "Xếp hàng mua dao cạo râu thầy ạ!

Giáo sư thắc mắc tại sao mua dao cạo râu mà lại toàn phụ nữ xếp hàng? Hỏi thêm vài câu mới biết, thì ra hôm nay cửa hàng mậu dịch có đợt hàng dao cạo râu mới về nên mở cửa bán theo tiêu chuẩn cho mỗi người một cái. Có người xếp hàng mua dao hộ chồng, có người là "con phe" mua ra ngoài để bán lại kiếm lời.

Giáo sư Cương vội chen chân bước lại gần quầy hàng, mấy chị em phụ nữ cũng nhường lối cho ông. Đến nơi, ông nói với cô mậu dịch viên: "Cô làm ơn bán cho tôi một hộp?" Cô mậu dịch viên trố mắt: "Mỗi người chỉ được mua một cái". "Cô cứ bán cho tôi một hộp?!".

Lần này cô mậu dịch viên tỏ vẻ khó chịu: "Đã bảo chỉ được mua một cái. Anh mua một hộp để mang ra ngoài bán à?"

Giáo sư Cương nhẹ nhàng chỉ vào mặt mình: "Cô trông tôi có giống bọn đầu trộm đuôi cướp, hay dân con phe chợ đen không? Râu tôi nhiều thế này, chưa cạo dạo đã mòn rồi. Không lẽ cao một bên, trừ lại một bên"

Lúc này mấy người đằng sau cũng kêu lên: "Đúng đấy! Bán cho ông ấy đi!"

Kết quả, giáo sư Cương đã được cô mậu dịch viên bán cho một hộp dao cạo râu.

Bi hài xếp hàng thời bao cấp - 1

Giáo sư Văn Như Cương (Ảnh: Lao động)

Nhưng đó cũng chỉ là một lần hy hữu giáo sư có nhiều dao cạo râu như vậy. Ông vốn nhiều râu, hồi đó dao cạo râu lại hiếm. Thành thử ông thường xuyên phải để râu. Có lần, bị cán bộ trường phê bình rằng, như vậy là làm xấu hình ảnh trước học sinh, ông bảo: "Tôi có muốn để vậy đâu, nhưng vì không có dao cạo". Lâu dần, ông để luôn râu như vậy không thèm cạo nữa.

Nhà văn Lê Lựu vẫn không quên những lần xuống cửa hàng mậu dịch ở phố Ngọc Hà đứng xếp hàng cả nửa ngày trời. Đến khi ông mua được mấy con cá thì đã mủn hết, đem về lấy mỗi phần xương để kho.

Ông cười nói: "Thời gian đứng xếp hàng có người tranh thủ sáng tác được cả văn thơ". Một trong những lần xếp hàng như thế, nhà văn đã viết được đoạn đầu tiểu thuyết "Mở rừng". Cũng trong những ngày tháng này, nhà văn Lê Lựu đã viết tác phẩm nổi tiếng "Thời xa vắng".

Bi hài xếp hàng thời bao cấp - 2

Nhà văn Lê Lựu (Ảnh: Công an nhân dân)

Xếp hàng cả buổi, về tay không

Chúng tôi đã có dịp ôn lại kỷ niệm với rất nhiều người từng sống trong thời kỳ bao cấp. Ông Nguyễn Văn Long (60 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) có lẽ là người nhớ tỉ mỉ nhất những câu chuyện một thời tem phiếu.

Ông Long kể: Nói đến thời bao cấp là nhắc đến thời kỳ tem phiếu và phân phối. Thời bao cấp bắt đầu ở miền Bắc từ những năm kháng chiến chống Mỹ (1965). Nhưng sau giải phóng miền Nam (1975), chế độ tem phiếu được áp dụng toàn quốc, từ thành phố tới nông thôn. Tuy nhiên, nông thôn có cái khác là phân chia theo công điểm ở hợp tác xã.

Đối với cán bộ, công nhân viên chức, những loại hàng hóa nhu yếu phẩm gồm lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá... đều phải mua bằng sổ và tem phiếu theo định mức. Mỗi gia đình được cấp cho một sổ gạo mỗi năm 12 tháng ghi khẩu phần của tất cả thành viên trong nhà.

Bố mẹ là cán bộ, viên chức mỗi tháng được mua 13,5kg, nếu là công nhân lao động trực tiếp có thể nhiều hơn vài ba kg. Trẻ con tùy độ tuổi có thể được 4 hoặc 6kg...

Còn tem phiếu mua thực phẩm, người lớn được 0,5kg thịt/tháng, trẻ em là 0,3kg. Một số nhu yếu phẩm khác như chất đốt, xà phòng, mỳ chính... đều có tem phiếu quy định riêng nhưng rất ít ỏi.

Chuyện cơ cực nhất của những người sống trong thời kỳ tem phiếu là phải xếp hàng mua lương thực, thực phẩm tại các cửa hàng mậu dịch. Người thì đông, các cửa hàng mậu dịch lại ít. Bởi vậy mà trước cửa hàng, lúc nào người cần mua lương thực cũng xếp hàng nối đuôi nhau dài dằng dặc như chơi trò rồng rắn. Có những người nhà lỡ hết gạo hoặc có công buổi giỗ chạp, muốn mua được sớm phải đến đứng từ 3-4h sáng, thậm chí nửa đêm. Gặp hôm nhiều người cùng "tư tưởng lớn", khi trời còn tối thui, đã đến xếp hàng đứng, ngồi vật vờ trước cửa hàng mậu dịch như những bóng ma.

Đứng xếp hàng lâu thế nhưng chắc gì đã mua được. Chờ mãi mới đến lượt mình thì cô nhân viên mậu dịch dõng dạc tuyên bố hết hàng rồi đóng sập cửa xuống. Tất cả những người còn lại đành lủi thủi quay lưng ra về trong sự mệt mỏi rã rời. Ngày mai, họ lại ra xếp hàng...

Câu “có tiền mua tiên cũng được” ít nhất là không thể đúng ở thời bao cấp. Thời bao cấp, sổ gạo mới là thứ quan trọng nhất. Nếu lỡ “bảo bối” này thất lạc thì cả gia đình nhịn đói. Nhịn đói không phải một ngày hay một tháng mà có khi đến dăm ba tháng. Bởi hành trình, thủ tục xin cấp lại cuốn sổ này thời đó khổ sở vô cùng. Suốt những ngày còn lại cứ thế mà chạy vạy, vay mượn bạn bè, làng xóm cố sống cho qua.

Đón đọc kỳ tiếp theo:  Thời bao cấp: Nghiện bia vì phân phối vào 13h00 thứ Sáu, 7/12/2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Những câu chuyện thời bao cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN