Bi hài trên những chuyến tàu Bắc – Nam

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Có lẽ, ở một giai đoạn cách đây chưa lâu, trong nhiều hành khách vẫn còn hằn sâu ký ức về những chuyến tàu chật cứng như nêm cối, với đủ thứ hàng hóa lỉnh kỉnh. Thậm chí, nhiều người phải ngồi trên... nóc toa với những nỗi ám ảnh của một thời khó khăn khó nói hết thành lời. Còn bây giờ, đi tàu Bắc - Nam đã nhẹ nhàng hơn, song vẫn còn lắm chuyện bi hài.

1. 9 giờ sáng một ngày cuối năm, chúng tôi có mặt trên chuyến tàu SE 5 Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh. Do đã hết vé nằm và ngồi mềm, tôi chọn một ghế ngồi cứng. Số ghế của tôi là 27, cùng với hai hành khách khác trên một băng ghế. Tàu rời ga Hà Nội, trên loa phóng thanh, tiếng cô phát thanh viên lanh lảnh cùng những bài hát về Hà Nội khiến tôi và nhiều hành khách cảm thấy rưng rưng xúc động.

Những toa ghế cứng thường dành cho người ít tiền hoặc có nhu cầu mang nhiều hàng hóa nên luôn có một thứ mùi rất... đặc trưng. Đó là mùi thập cẩm các loại hàng hóa, hoa quả, bánh trái, thậm chí cả... gia cầm còn sống. Hành khách cũng tỏ ra khá cởi mở. Họ thường hỏi thăm nhau chuyện gia đình, quê quán, ga sắp xuống...

Trong dàn hỗn hợp tiếng động xình xịch, cành cạch... tôi tranh thủ chợp mắt cho một chuyến đi dài. Đang lơ mơ, tôi thấy tàu đỗ “xịch” một cái, người bị chúi về phía trước. Thì ra đã đến ga Phủ Lý. Chỉ nghe thấy lao xao, rồi người chạy huỳnh huỵch. Chỗ tôi ngồi, 1 người xuống thì có 2 người lên. Một cô gái ôm đứa con còn đỏ hỏn, nói giọng miền Trung: “Bác cho em nhờ tí” rồi quay sang “chỉ đạo” một người phụ nữ khác: “Cái ni để đây mạ, cái ni mạ mang xuống cuối toa...”.

Tôi mở mắt ra, chao ôi là kinh hãi!

Hóa ra cô con dâu đang chỉ đạo mẹ chồng xếp đồ. Ba bà cháu mà ôm theo những... 4 bao tải, 2 cái làn đựng đồ sơ sinh to tướng, cùng 2 can rượu, mỗi can 20 lít. Lại thêm đủ thứ túi đựng bánh trái... Chỗ tôi ngồi trở nên chật ních, hàng hóa ngập lên đến mặt mà vẫn còn chắn ngang lối đi. Cô con dâu mắt đảo liên hồi để tìm chỗ trống nhằm nhét đống đồ vào mà chỗ nào cũng đã chật cứng.

Thi thoảng, có người vác đồ định chèn lên, liền có tiếng người la oai oái vì “thùng kia đựng trứng, không được đè kẻo vỡ”. Thậm chí, những tiếng gắt gỏng, tiếng chửi tục vì tranh chỗ để đồ vang lên huyên náo.

Bi hài trên những chuyến tàu Bắc – Nam - 1

Tàu hỏa vẫn là phương tiện được nhiều người lựa chọn vì sự an toàn, giá cả hợp lý.

Khi mà đống hàng hóa đã tạm ổn định, cô gái người miền Trung mới giãi bày. Cô tên Liên, là y sỹ nha khoa, quê ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) còn chồng quê ở huyện Bình Lục (Hà Nam). Hai vợ chồng học cùng trường Trung cấp Y dược Nha Trang, sau khi kết hôn thì quyết định lập nghiệp tại thành phố này. Chuẩn bị sinh con, Liên ra ở nhà mẹ chồng. Hôm nay hai mẹ con bồng bế nhau về nhà.

“Chắc phải nhiều năm nữa em mới trở ra Bắc nên đồ đạc hơi lỉnh kỉnh. Cháu nhà em mới được gần 3 tháng tuổi, em định đợi cháu cứng cáp hơn mới cho vào trong kia nhưng bố cháu bảo nhớ hai mẹ con nên em cố gắng thu xếp vào với anh ấy”.

“Sao không mua vé máy bay đi cho đỡ vất vả?”, một bác cao tuổi hỏi.

“Vợ chồng cháu vừa ra trường, công việc chưa ổn định nên kinh tế còn eo hẹp lắm. Với lại đi máy bay người ta cũng không cho tha lôi bằng này đồ lên đâu bác ạ. Lúc ở sân ga, cháu phải “lót tay” cho nhân viên đường sắt họ mới cho mang hết đống đồ lên đấy ạ”, Liên trả lời.

Bà mẹ chồng gầy đét, vẻ mặt khắc khổ kể thêm. Tôi đưa hai mẹ con dâu út vào trong kia ít ngày là lại phải quay ra Bắc ngay. Thằng con giai cả sinh được 2 cháu, thì một cháu bị bệnh bẩm sinh, lúc nào cũng phải có người ở cạnh. Thành ra tôi không đi đâu lâu được...

“Em cứ nghĩ tàu nay vắng nên mới tha lôi nhiều thứ như thế. Biết trước em đã chả đi vào ngày Thứ sáu. Hy vọng ga tới mọi người xuống bớt để mẹ con em có chỗ để đồ”, Liên cắt ngang dòng cảm xúc của mẹ chồng. Những người xung quanh đều cười xòa trước câu nói vô tư của cô gái xứ Nghệ.

Tàu đến Ninh Bình, rồi Thanh Hóa, người lên kẻ xuống nhưng không theo mong muốn của Liên. Người nào người nấy đều tay xách nách mang. Nhân viên trên tàu phải liên tục nhắc mọi người sắp xếp hành lý cho gọn gàng để lấy lối đi.

Sau một hồi chuyện trò, cười nói, cả toa ai cũng có vẻ mệt mỏi. Tôi ngả người vào thành toa, tranh thủ chợp mắt một lúc. Nhưng, cũng rất khó ngủ bởi tiếng uỳnh-ụp, xình xịch, xoành xoạch phát ra từ bánh xe nghiến lên đường ray. Tàu vào cua, theo quán tính, người trong toa bị dạt hết sang một phía. Bỗng đâu mùi rượu gạo quê nồng nặc bốc lên. Có cảm giác chỉ ngửi thôi cũng đã say...

“Không biết ông nào uống rượu trên toa mà mùi khiếp quá”, một phụ nữ lớn tuổi không chịu nổi thốt lên.

Liên vội vùng dậy, đưa đứa con cho bà mẹ chồng rồi chui xuống gầm ghế lôi ra 2 cái can. Hóa ra do nắp không chặt, lại bị xô đẩy nên một can rượu bị rỉ ra ngoài. Mọi người lúc ấy mới biết mùi rượu ở đâu ra. Ai cũng cười xòa, thương cho mấy bà cháu. Toa tàu lao xao một lúc rồi lại trở về trạng thái tĩnh lặng.

Gần 12 giờ trưa, nhân viên nhà tàu đẩy xe cơm đi rao. Do hàng hóa xếp kín lối đi nên họ rất vất vả mới có thể di chuyển. Bất ngờ, cô nhân viên giẫm phải cái bao dứa và một chùm tiếng “cạp cạp cạp cạp...” vọt lên thảng thốt, khiến cho nhiều người phải giật mình tỉnh giấc. Mọi con mắt đổ dồn về phía gót giày cô nhân viên trên toa. Trong chiếc bao dứa có con vật gì đang động đậy. Không hỏi ai cũng biết đó là con vịt. Nhiều người không nén nổi những tràng cười...

Cô nhân viên hỏi lớn: “Con vịt này của hành khách nào ạ?”. “Của tôi” - một phụ nữ đứng tuổi ngồi ngay cạnh lên tiếng.

“Bác có biết quy định không được mang động vật sống lên tàu không?” - cô nhân viên đường sắt hỏi, giọng ẩn chứa sự bực tức.

“Có mỗi con vịt thôi mà...”, bà hành khách cố chống chế.

“Một là bác phải thả ngay con vịt xuống, hai là mời bác ra phía cuối toa”.

Vì tiếc của, người phụ nữ đứng tuổi đành phải xách con vịt ra cuối toa, gần nhà vệ sinh ngồi suốt cuộc hành trình sau đó.

2. Đó là chuyện ở những toa tàu ghế cứng - nơi những hành khách ít tiền thường lựa chọn. Còn bên những toa nằm mềm, điều hòa (toa VIP) thì dường như là một thế giới khác. Nếu may mắn bạn sẽ mua được một vé ở toa 9 tàu SE 5. Mặc dù giá cao hơn nhiều các toa khác, song chất lượng thì tốt hơn nhiều.

Một khoang chỉ có 4 giường, có chăn ấm, nệm êm, điều hòa mát lạnh. Đặc biệt là không phải chịu thập cẩm đủ thứ mùi như ở toa ngồi cứng. Ở đây gần như một thế giới khác. Ta có thể thoải mái ngả lưng nằm đánh một giấc, rồi ra căng tin ăn chút gì đó cho ấm bụng và trở lại toa của mình để đọc sách, lướt web...

Tuy vậy, hành khách đi toa nằm mềm, điều hòa vẫn phải chịu đựng những chuyện khó chịu mà vô phương giải quyết. Dù chỉ có 4 giường, dành cho 4 người, song thường những người mua vé loại này là kèm trẻ nhỏ (1-5 tuổi). Và “rủi thay” nếu có vài đứa cùng trong một khoang. Trên cuộc hành trình hàng chục tiếng đồng hồ, bọn chúng sẽ la hét, khóc lóc, trêu chọc nhau khiến ai không quen hoặc khó tính sẽ thấy rất khó chịu.

Lên khoang VIP mà không gặp đám trẻ con quậy phá đã là may, song cũng chớ vội mừng bởi bạn có thể gặp những ông, bà nhiều chuyện. Có dạo tôi thường xuyên có mặt trên tuyến Hà Nội - Quảng Bình và nhiều lần phải ngồi cùng khoang với những phụ nữ cực kỳ lắm lời.

Như hôm trên chuyến SE 3, có nữ hành khách Hoàng Thị M. (50 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội). Do bức xúc chuyện gia đình (chồng M. ngoại tình) nên suốt cuộc hành trình (gần 10 tiếng đồng hồ) chị M. kể cu ti củ tỉ chuyện thời trẻ yêu đương rồi lấy chồng thế nào, chuyện tình cảm bị rạn nứt ra sao, rồi phục bắt chồng ở nhà nghỉ với gái như thế nào...

Bi hài trên những chuyến tàu Bắc – Nam - 2

Những toa ngồi cứng thường dành cho hành khách mang nhiều hàng hóa.

Lúc đầu thì chị ta vừa đứng vừa nói, sau mỏi chân quá thì ngồi xuống nói, lát sau nằm ra giường vẫn tiếp tục nói. Gặp chỗ nào cảm thấy bức xúc quá thì lại bật dậy nói tiếp. Giọng chị ta lúc sa sả, lúc the thé... như một diễn viên đang hóa thân trên sân khấu!

Một lần khác, không gặp những chị nhiều lời, song tôi lại dính phải quả đàn ông lắm mồm. Anh ta không nói chuyện với tôi hay với những người trong khoang mà lại liên tục “buôn” điện thoại. Trong một buồng chật, không gian rất nhỏ mà anh ta cứ bô bô buôn với người này, chửi người kia suốt nhiều giờ đồng hồ, khiến cho hành khách trong buồng chỉ biết nhìn nhau cười trừ!

Cũng trên chuyến tàu Bắc - Nam tôi gặp bác Hoàng Văn Phúc, đang công tác tại một Bộ. Gia đình ở Quảng Trị, bác Phúc chỉ còn vài năm nữa là nghỉ hưu nên mỗi năm ít nhất 4 lần đi tàu về thăm gia đình. Bác chọn phương tiện này vì cho rằng nó an toàn và cũng phù hợp với bác. Tuổi cũng không còn trẻ nữa nên bác chỉ có thể đi giường nằm điều hòa. Bác Phúc kể, cứ nghĩ là mua vé khoang 4 người sẽ đỡ được nhiều phiền toái, ấy vậy mà thi thoảng vẫn gặp những chuyện bực mình.

“Tuần trước tôi đi từ Quảng Trị ra Hà Nội, cùng khoang với tôi là hai cô cậu thanh niên trẻ người miền Trung. Tôi nằm tầng một, hai cô cậu kia nằm ở tầng trên. Hỏi thăm quê quán trò chuyện vài phút, tôi tranh thủ chợp mắt lấy sức. Khốn nỗi, hai cô câu cứ... trêu đùa, “chim chuột” nhau, rinh rích cười trên đầu. Tôi cứ phải giả vờ húng hắng ho thì cô cậu mới dừng lại nhưng rồi được dăm phút sau đã lại thấy lục sục, rồi nghe tiếng nệm cót két, tiếng khúc khích cự nự...

Cực chẳng đã, chờ cho cô cậu xong xuôi, tôi mới chỉ thẳng mặt bảo: “Cô cậu muốn làm gì thì chờ xuống tàu về nhà mà làm. Tôi đây mấy chục năm đi bộ đội về, thèm vợ lắm mà cũng phải chờ đêm xuống mới dám... Đến khi ấy hai cô cậu mới yên”.

3. Có đi trên những chuyến tàu “chợ” mới thấy được muôn mặt cuộc sống và cũng thấy được rất nhiều cái đẹp ẩn khuất sau những con người vẻ như là ghê gớm.

Vẫn trên chuyến tàu đi cùng mẹ con nhà chị Liên mà tôi kể ở phần đầu bài viết, chúng tôi gặp khá nhiều phụ nữ cao tuổi vượt ngàn dặm để “đi ở” cho con. Như bà Hoàng Thị Tý (75 tuổi, trú tại Vụ Bản, Nam Định) một mình đi vào TP Hồ Chí Minh để trông cháu nội cho cậu út.

Bà Tý kể, tuy tuổi cao, song ông bà hằng ngày vẫn trồng rau, nuôi cá, nuôi chim... để kiếm thêm đồng ra đồng vào và có thực phẩm sạch cung cấp cho con cháu. Ông bà được 4 anh con trai và 2 cô con gái, đều đã lập gia đình. Anh con út năm ngoái lấy vợ, lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh thì năm nay sinh con gái đầu lòng. Hai vợ chồng lúc đầu định thuê oshin nhưng do kinh tế gia đình còn eo hẹp và cũng không yên tâm giao con mình cho oshin nên cứ vật nài bà nội vào chăm cháu.

Bà Tý thương con thương cháu nên bàn với chồng vào giúp vài tháng. Đúng là chỉ có mẹ mới thương con như thế. Một mình bà tay xách nách mang nào trứng gà, trứng chim, mật ong, dầu dừa, dầu gấc, măng rừng, nấm hương... trong mấy bao tải vào cho con cho cháu. Anh con trai lúc đầu tính mua vé máy bay cho mẹ, song ngặt nỗi không có ai đưa bà lên tàu bay, bà sợ bị lạc nên kiên quyết đòi đi tàu. Bà bảo thời xưa (trước năm 1990) đi tàu Thống Nhất khổ bằng vạn lần như thế này, bà vẫn đi được cơ mà!

Giống bà Tý, bà Nhung, bà Thanh... cũng vào Nha Trang, Vũng Tàu... giúp con trông cháu. Lúc đầu, do tranh nhau chỗ để đồ nên có hơi “chí chóe” một chút. Sau dần dà những câu chuyện về thân phận mỗi người khiến cho các bà dần có cái nhìn thiện cảm hơn với nhau. Do có “kinh nghiệm” đi tàu nên mỗi bà đều mang theo một chiếc chiếu con và một chiếc chăn mỏng. “Buổi tối, khi nào mệt thì ngả xuống sàn nằm ngủ”.

Các bà cũng có cách tiết kiệm triệt để chi phí. Đến giờ cơm, không ai gọi cơm tàu mà người mang bánh chưng, bánh giò, người mang mì tôm hộp ra lấy nước nóng trên tàu vào pha. Rồi họ mời nhau ăn mía, ăn cam, ăn ổi... xôm như tiệc búp-phê. Trong suốt cuộc hành trình, không thấy các bà phải chi một xu nào cả. Tuy hoàn cảnh mỗi người một khác, mỗi người một đích đến khác nhau nhưng điều quan trọng nhất, các hành khách đã gắn bó, chia sẻ với nhau để dặm đường xa trở nên gần lại.

Bi hài dân tự bắc cầu tre qua suối, cấm cán bộ xã đi qua

Cầu bê tông qua suối hỏng, người dân trong thôn dùng tre tự sửa chữa và treo biển cấm cán bộ xã đi qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Tiến ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN