Bi hài ở làng... "chân dài"

Tại nơi hợp nhất của ba dòng sông Đáy, Nhuệ, Châu Giang, từ bao đời nay thôn Đình Tràng (xã Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam) được gọi là "làng khổng lồ” do có rất nhiều người cao nổi trội, trong đó có hai anh em tuyển thủ bóng chuyền xuất sắc Ngô Văn Công (1,92m) và Ngô Văn Kiều (1,96m).

Thôn của những người… khổng lồ

Ngồi uống chén nước ở quán lá nhỏ giữa thôn, chúng tôi gặp anh Nguyễn Quốc Toàn. Thân hình cao lớn, vừa đứng dậy đã chạm đầu vào nóc quán, anh Toàn có chiều cao “khiêm tốn” là 1,82m. Vui chuyện, anh bảo: “Ở đây, nam giới có chiều cao 1,79 - 1,80m nhiều lắm, còn nữ giới cũng khối người cao 1,72 - 1,75m. Nhưng phá kỷ lục về chiều cao phải kể đến bốn anh em Ca, Cảnh, Kiều, Công”.

Thôn Đình Tràng được bao bọc bởi con sông Châu Giang hiền hoà, có 272 hộ với hơn 1.300 nhân khẩu. Số nam, nữ thanh niên tuổi từ 15 đến 25 có khoảng 250 người thì 70% có chiều cao 1,70m trở lên.

Ông Trương Đình Tuyển - Trưởng thôn Đình Tràng - cho biết, từ thời xa xưa, người dân thôn Đình Tràng đã có vóc dáng cao lớn nổi trội hơn so với các làng khác. Theo ước lượng của các cán bộ trong thôn, chiều cao trung bình của nữ giới nơi đây là 1,70m, còn nam giới là 1,80m. Theo chân ông trưởng thôn đến gia đình vận động viên Ngô Văn Công và Ngô Văn Kiều, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước chiều cao lênh khênh của đại gia đình “khổng lồ” này. Được biết, gia đình anh Ngô Văn Công có chiều cao vượt trội từ nhiều đời trước, bà ngoại cao 1,8m, ông nội cao 1,82m.

Gia đình anh Ngô Văn Công được xếp vào danh sách cao nhất trong thôn, bố mẹ đều xấp xỉ 1,8m, ngoài anh và anh Kiều thì anh cả Ngô Văn Ca sinh- năm 1977- cao 1,9m, anh thứ hai Ngô Văn Cảnh- sinh năm 1979- cũng ngót nghét 1,85m. Anh Công kể sơ sơ trong họ cũng có tới hơn 20 người cao trên 1,80m, còn số người cao từ 1,70m trở lên thì không đếm xuể.

Cụ Trịnh Văn Đạt - phụ trách Hội Người cao tuổi thôn và là trưởng tộc họ Trịnh - không giấu nổi niềm tự hào: “Từ xưa đến nay, đi đến đâu, thanh niên thôn Đình Tràng cũng to cao hơn người. Họ Trịnh nhà tôi cũng có nhiều người cao lắm”. ''Nói có sách mách có chứng'', ông kể sơ sơ trong cuốn “Gia phả chiều cao” của thôn có tới vài chục người cao trên 1,8m, như chị Huyền (cao 1,80m), anh Đô (cao 1,87m), anh Dũng (cao 1,85m), chị Thơm (cao 1,75m), em Ngô Văn Phong tuy mới 14 tuổi nhưng đã cao tới 1,75m.

Bi hài ở làng... "chân dài" - 1

Phụ nữ Đình Tràng cao và xinh đẹp.

Ngoài gia đình anh em vận động viên Ngô Văn Công, các gia đình có nhiều người cao lớn trong thôn Đình Tràng phải kể đến gia đình bác Hồ Văn Nam có 3 người con thì cả ba đều cao trên 1,8m. Gia đình anh Trọng, chị Phượng (bán bia hơi trong làng) có 3 người con thì cô chị Ngô Thị Minh Lệ- 22 tuổi- cao 1,73m, cô em thứ hai Ngô Thị Thu Thao- 20 tuổi- cao 1,71m, cậu em trai Ngô Trọng Nghĩa tuy mới 13 tuổi, nhưng đã cao tới 1,72m. Chị Phạm Thị Luyện (bán hàng tạp hóa trong thôn) tươi cười khoe với chúng tôi cậu con trai Phạm Thành Đồng tuy mới gần 3 tuổi, nhưng đã cao tới 1,2m, nặng hơn 20kg.

Theo ghi nhận của cụ Hoàng Thị Phách (năm nay gần 100 tuổi) thì họ Ngô và họ Phạm là hai họ có nhiều người cao nhất trong làng. Trong đó, vận động viên Ngô Văn Kiều với chiều cao 1,96m là người giữ chiều cao “khủng” nhất trong thôn từ trước tới nay.

Đến nay, người dân quanh vùng vẫn truyền tai nhau câu vè nói về chiều cao của người Đình Tràng: “Cà khếu, đèn sì, cao nhất nhì miền Bắc”.

Có lẽ cán bộ thôn Đình Tràng có thêm một công việc nữa là thống kê chiều cao của người dân. Bởi lẽ, ai đến làng công tác hay thăm thân đều hỏi các vị cán bộ thôn một câu hỏi giống nhau: "Sao làng mình có nhiều người cao thế?". Ông Nguyễn Văn Hùng (Bí thư thôn) đưa ra con số thống kê khiến bất kỳ thôn nào ở nước ta cũng thầm mong: “Chiều cao trung bình của nữ giới 1,65m, nam giới 1,73m. Nếu mà chỉ xét về tiêu chí chiều cao thì hàng trăm trai gái trong thôn đều đạt tiêu chuẩn".

Dài quá, đâm... khổ

Anh Mai Văn Thắng bảo: “Hai anh em Công, Kiều làm rạng danh cho bóng chuyền Việt Nam và cũng nhờ hai đứa có chiều cao vượt trội mà nhiều người biết đến “làng chân dài Đình Tràng”.

15 tuổi, Ngô Văn Kiều gầy tong teo mà người đã vổng lên hơn 1,70m. Thấy Kiều lênh khênh, người cậu Ngô Văn Kiếm từ Nha Trang về thăm quê mới kéo cháu vào học bóng đá. Nhưng đi đá bóng mà cao quá lại hóa ra chật vật. Cuối cùng, Kiều đã thực sự phát huy được ưu thế chiều cao của mình ở lĩnh vực bóng chuyền. Giờ Kiều đã trở thành chủ công số 1 của bóng chuyền Việt Nam, là Đội trưởng đội bóng chuyền nam quốc gia kiêm Đội trưởng đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa.

Chiều cao giúp đàn ông thôn Đình Tràng tự tin trong cuộc sống, nhiều người tìm được công việc tốt nhờ lợi thế này. “Năm nào ở xã hay huyện tổ chức thi kéo co phong trào là năm ấy Đình Tràng vô địch” - anh Thắng vui vẻ kể. Chiều chiều, thanh niên Đình Tràng vẫn tập trung chơi bóng chuyền ở nhà văn hóa thôn. Nhìn đội hình to cao mà tôi đoán chắc bất cứ huấn luyện viên nào cũng... thèm thuồng.

Thế nhưng, “chân dài” quá cũng làm nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười. “Mặc dù nhiều chị em trong làng cũng có chiều cao tương đối nhưng vẫn thấp hơn con trai, nên nhiều khi để tìm được người xứng đôi vừa lứa không phải là chuyện dễ dàng. Con trai cao đã đành, nhưng con gái cao để kiếm tấm chồng mới là chặng đường gian nan - anh Ngô Văn Mười chia sẻ - Không ít đàn ông nơi khác lấy vợ Đình Tràng, khi nổi cơn thịnh nộ muốn tát cho vợ một cái thì cũng… khó”.

Bi hài ở làng... "chân dài" - 2

Gia đình "khổng lồ" của anh Ngô Văn Kiều.

Chị Ngô Thị Quế vốn nổi tiếng xinh đẹp, học giỏi, nhưng phải cái chiều cao vọt lên 1,78m khiến các chàng trai không dám tơ tưởng. Chị cứ thế cô đơn cho tới khi ra trường. Trường hợp của vợ chồng chị Tĩnh cũng từng khóc dở mếu dở vì chiều cao chênh lệch. Anh Nguyễn Văn Thân (chồng chị, người Nho Quan) chỉ cao 1,50m, trong khi chị cao đến 1,67m. Hơn nhau những một… cái đầu, phải đấu tranh mãi hai người mới nên vợ nên chồng.

Các cụ già trong làng kể vui rằng, trước đây người dân còn quan niệm các cặp vợ chồng phải “xứng đôi vừa lứa” nên con trai các làng khác ít khi chọn vợ là người Đình Tràng vì ngại… chiều cao. Đôi nào “phá rào” thì phải độn gỗ dưới chân để chụp ảnh cưới. Cũng có trường hợp những cô con dâu Đình Tràng được bố mẹ chồng rất quý bởi đã “cải thiện” chiều cao cho dòng họ nhà chồng.

Do có chiều cao “quá cỡ” nên nhiều người trong làng phải đóng giường dài 2,20m trở lên, chứ giường 2m nằm kích chân hoặc phải nằm co. Quần áo, giày dép cũng phải chịu khó tìm mua hoặc may cỡ lớn hơn người bình thường. Nhiều anh chàng “cao kều” hay những cô nàng “lênh khênh” Đình Tràng đi ra đi vào cửa nhà khác, nếu không để ý cúi xuống thì thường xuyên bị… đụng đầu.

Vì sao chân lại dài?

Cho đến nay, chưa có một cuộc điều tra thăm dò nào tìm hiểu về nguyên nhân chiều cao vượt trội của người dân thôn Đình Tràng. Trong các thư tịch cổ của làng cũng không thấy ghi chép lại, nhưng theo suy luận của người dân trong thôn thì có lẽ họ được hưởng gene di truyền từ nhiều đời trước. Lại có người cho rằng do thôn Đình Tràng sử dụng một nguồn nước ăn có tố chất đặc biệt nào đó.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cảnh – Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - đã đưa ra lý giải về chiều cao bất thường của người làng Đình Tràng về mặt nhân trắc học, cho rằng có thể từ xa xưa đã có một nhóm người có chiều cao vượt trội tới làng sinh sống hoặc có một cá thể trong làng bị đột biến gene trở nên cao lớn hơn. Qua nhiều thời kỳ, đã có sự pha trộn giữa nguồn gene của nhóm người cao này với người dân trong làng.

Theo PGS Nguyễn Xuân Viết - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I- thì để có thể lý giải về chiều cao đột biến của dòng họ Ngô nói riêng cũng như dân làng Đình Tràng nói chung cần có một cuộc điều tra khoa học mới có thể đưa ra kết luận chính xác. Hơn nữa, ngày xưa khu vực quanh làng Đình Tràng rất nhiều sông, làng nằm ở ngay ngã ba, ngã tư sông nên biệt lập với các làng khác, người trong làng kết hôn qua lại nên nguồn gene cao chỉ phát triển trong nội bộ làng, không bị phân tán ra ngoài. Dân Đình Tràng lại chủ yếu sống bằng đánh bắt cá, ăn tôm cá quanh năm nên thể chất cũng ngày càng phát triển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hiệp (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN