Bi, hài những chuyện "một người lắm tên"
Tình trạng “một người lắm tên” đang rất phổ biến ở huyện rẻo cao Đakrông, gây ra những bi hài không đáng có cho người dân lẫn cơ quan công quyền trong thực hiện quyền công dân lẫn giải quyết chế độ chính sách.
Bà Kăn Minh trong ngôi nhà sàn của mình ở bản A Vương, xã Tà Rụt
Rắc rối cái tên
Chủ tịch UBND xã Tà Rụt Hồ Văn Nhiếp kể, ông Hồ Văn Luồm ở bản A Vương của xã này là bệnh binh được hưởng chế độ trợ cấp. Ông Luồm mất lúc 72 tuổi (tháng 5/2016). Dĩ nhiên sau đó vợ ông là bà Kăn Minh được hưởng chính sách theo quy định, song đến giờ chế độ vẫn chưa được giải quyết bởi trong hồ sơ của bà Minh có nhiều tên khác nhau. “Bà Kăn Minh trong CMND ghi sinh năm 1970, tức là mới 46 tuổi, bằng tuổi… con trai cả của bà. Lúc cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đakrông vào thực tế địa phương thì bà Minh khẳng định mình đúng 70 tuổi. Sự nhầm lẫn này vì bà Minh không phân biệt được tuổi đời và năm sinh của mình”, Chủ tịch Nhiếp nói.
Còn trường hợp bà Y Dương bản Tà Mên, xã Pa Nang thì lại khác. Chủ tịch UBND xã Pa Nang Hồ Văn My cho hay, bà Dương làm hồ sơ giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp tuất song gặp phải khó khăn do bà có… quá nhiều tên. Danh tính của bà trong hồ sơ bệnh binh của người chồng vừa mất là Giả Nội, nhưng trong sổ hộ khẩu lại ghi Y Dương. Cán bộ về kiểm tra, bà Dương bảo quên hết rồi, chỉ nhớ láng máng sau khi sinh con trai đầu lòng Hồ Văn Dương thì dân bản bắt đầu gọi bà là Y Dương. Sau này con trai Hồ Văn Dương sinh cháu Hồ Văn Nội, bà Dương lại được con cháu gọi là Giả Nội. Y Dương hay Giả Nội ghi “lộn tùng phèo” trong tờ khai sổ sách, hồ sơ là vậy.
Đó là 2 trong rất nhiều trường hợp đã và đang xảy ra ở rẻo cao Đakrông. Theo Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đakrông Dương Vinh, đa phần đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sống ở đây đều mang nhiều cái tên khác nhau nên đã nảy sinh những trục trặc trong khi giải quyết chế độ chính sách. Ông Vinh dẫn chứng, đợt chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho đối tượng người có công và thân nhân của họ mới đây, Phòng LĐ-TB&XH huyện phát hiện 40 trường hợp ở xã A Ngo sai sót về tên lẫn tuổi so với quyết định hưởng trợ cấp như trường hợp bệnh binh Hồ Văn Pai. Trong quyết định hưởng trợ cấp là Hồ Văn Pai, SN 1937, song trong CMND và sổ hộ khẩu lại là Hồ Pai, SN 1943. Rồi bệnh binh Kăn Hưi, trong quyết định có tên Kăn Hưi, sinh năm 1938 nhưng CMND lại đề là Giả Thư, SN 1931…
Theo Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Văn Hêm, nguyên do một người nhưng lắm tên là bởi tập quán, phong tục của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn này. “Sau ngày lập gia đình và sinh con đầu lòng, đồng bào ở đây lấy tên con để làm tên mình. Lúc con của người này sinh cháu, họ lại chuyển sang dùng tên cháu. Việc dùng tên cũ là một điều kiêng kỵ đối với dân bản chúng tôi. Bởi vậy không ít người không thích mỗi khi nhắc đến tên cha mẹ đặt cho, thậm chí có trường hợp không còn nhớ rõ. Một thực tế nữa, do không biết chữ nên trong lúc làm các giấy tờ hành chính nhiều dân bản phải nhờ người khác viết hộ. Mù chữ nên bà con cũng không biết tên của mình ghi có đúng hay sai. Rồi do cách phát âm tiếng Việt phổ thông của đồng bào vùng cao ở đây không chuẩn làm người viết hộ ghi không đúng họ tên, ngày tháng năm sinh của mình”, Chủ tịch Hêm nói.
Xử lý ra sao
Ngày 15/1, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho hay, nhằm giúp đồng bào khỏi bị thiệt thòi quyền lợi nên cán bộ của Phòng LĐ-TB&XH huyện về tận nhà dân xác minh để tháo gỡ vướng mắc nảy sinh từ thực tế một người có nhiều tên, năm sinh trong hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ, chính sách. Với cách thức làm việc là có sự tham gia của cán bộ xã, công an, bộ đội biên phòng và những người có uy tín trong bản nhằm trao đổi, đối chiếu, làm rõ nên nhiều trường hợp đã được giải quyết chế độ chính sách kịp thời. Song hiện vẫn còn nhiều người chưa được hưởng chế độ chính sách do trong hồ sơ còn nhiều điểm chưa rõ ràng hoặc thiếu căn cứ cụ thể dù đã được phía công an giúp tra cứu lại tàng thư đối chiếu thông tin.
Theo Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đakrông Dương Vinh, để giải quyết hiện trạng sai lệch danh tính trong hồ sơ của các đối tượng đề nghị được hưởng chế độ chính sách nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung, thiển nghĩ cần thống nhất lấy CMND làm căn cứ xác định họ tên của người dân. “Trường hợp một người có nhiều tên khác nhau trong các loại giấy tờ, sổ sách… thì cần yêu cầu và tạo điều kiện giúp đỡ họ chỉnh sửa, thay đổi sao cho nhất quán”, ông Vinh nói.
Nhằm giúp đồng bào khỏi bị thiệt thòi quyền lợi nên cán bộ của Phòng LĐ-TB&XH huyện về tận nhà dân xác minh để tháo gỡ vướng mắc nảy sinh từ thực tế một người có nhiều tên, năm sinh trong hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ, chính sách. Song hiện vẫn còn nhiều người chưa được hưởng chế độ chính sách do trong hồ sơ còn nhiều điểm chưa rõ ràng hoặc thiếu căn cứ cụ thể dù đã được phía công an giúp tra cứu lại tàng thư đối chiếu thông tin. |