Bi hài chuyện trúng số: Biết dùng "của trời cho"

Có nhiều trường hợp sử dụng tiền trúng thưởng vé số một cách chừng mực, giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Nhờ sử dụng "của trời cho" một cách hợp lý nên nhiều người trúng số độc đắc có được cuộc sống khá giả dài lâu. Nhiều người còn chăm lo việc thiện để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh như mình lúc chưa trúng số.

Đầu tư làm ăn

Có hàng triệu người chỉ mơ được trúng độc đắc một lần trong đời cũng không thấy, vậy mà ông N.V.T (ở xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) trong 1 tháng may mắn trúng độc đắc tới 2 lần.

Bi hài chuyện trúng số: Biết dùng "của trời cho" - 1

Ông Huỳnh Văn Ấn dùng số tiền trúng số để giúp đỡ trẻ em ở chùa. Ảnh: DUY THANH

Tuy nhiên, không như nhiều người sau khi trúng số tiêu xài xả láng, ông T. sử dụng tiền thưởng một cách chừng mực, tận dụng "vốn trời cho" này để làm ăn. Hơn 10 năm sau, tuy không thành đại gia nhưng gia đình ông T. giờ ai cũng có cuộc sống sung túc và bền vững, các con ông được ăn học đàng hoàng. "Mình xuất thân là nông dân, dù có tiền nhiều hay ít thì mình vẫn chỉ là nông dân chứ không mơ mộng trở thành ông này bà nọ. Nhiều người cho rằng tôi cổ hủ nhưng tôi biết mình đang ở đâu và nên làm gì khi bỗng dưng có một số tiền lớn trong tay" - ông T. bộc bạch.

Bi hài chuyện trúng số: Biết dùng "của trời cho" - 2

Anh Nguyễn Thanh Hải (TP Long Xuyên , tỉnh An Giang) sau khi trúng số thường giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn Ảnh: THỐT NỐT

Thầy giáo làng Trương Văn Hương (thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) cho biết vào năm 2006, ông cũng từng gây xôn xao tại địa phương ven biển này khi cùng lúc trúng độc đắc đến gần 68 tờ vé số, mỗi vé trị giá 45 triệu đồng. Với tiền trúng giải gần 3 tỉ đồng, ông Hương cho anh em, dòng họ và những người đã từng giúp đỡ ông trước đó hết 8 tờ. Số tiền còn lại, ông Hương mua đất, mở cây xăng để phục vụ cho các ghe, tàu đi biển của ngư dân trong vùng. Sau thời gian đầu tư vào lĩnh vực này không khá, ông Hương sang lại cho người khác, mua 12 ha đất nuôi tôm công nghiệp, rồi chuyển qua thuê 10 ha diện tích mặt nước trên biển nuôi trồng thủy sản. Bình quân mỗi năm ông Hương thu lợi 2-3 tỉ đồng.

"Số tiền của tôi trúng số hồi đó đổi được khoảng 500 lượng. Muốn giữ được đồng tiền này thật không dễ dàng chút nào. Bản thân tôi cũng có lúc tưởng chừng bị trắng tay do công việc làm ăn liên tục thất bại. Đồng tiền này rất dễ làm cho con người ta sa ngã để rồi nghèo lại hoàn nghèo. Cái quý nhất mà tôi có được đến nay là lo được cho 3 đứa con ăn học sắp thành tài chứ tiền trúng số năm đó cũng chẳng còn được bao nhiêu" - ông Hương chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Ấn (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) cũng là người may mắn trúng độc đắc 2 tờ số vào năm 2015. Trước đó, gia đình ông Ấn thuộc diện khó khăn. Sau khi nhận số tiền lớn, ông Ấn mua thêm 5 ha đất để canh tác lúa. Từ việc canh tác này đã giúp gia đình ông vươn lên khá giả.

San sẻ với người nghèo

Sau khi trúng thưởng, ngoài việc sắm sửa, đầu tư làm ăn, ông Ấn còn giúp đỡ rất nhiều người nghèo. Giải thích việc làm của mình, ông Huỳnh Văn Ấn cho biết trước kia cũng từng khó khăn nên ông hiểu rõ nỗi khổ của người nghèo nên san sẻ cho những cảnh đời khốn khó là việc nên làm.

Cũng là hộ gia đình may mắn trúng 5 tờ vé số độc đắc, ông Trần Văn Long (ngụ ấp Hoàng Mai, xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) bỏ tiền ra xây lại căn nhà đã cũ kỹ và quyên góp tiền làm từ thiện. Ông Long tâm sự: "Tôi muốn góp gì đó cho xã hội để giúp những gia đình khó khăn".

Anh Nguyễn Thanh Hải (ngụ phường Mỹ Quý, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết vào năm 2003, gia đình anh đã trắng tay do thua lỗ nặng với nghề nuôi cá tra nhưng đã may mắn trúng 5 tờ độc đắc, mỗi tờ trị giá 1,5 tỉ đồng. Sau khi trúng số tiền lớn, anh Hải đã giải quyết hết phần nợ nần, số còn lại anh tìm vùng đất mới thuộc phường Mỹ Quý bây giờ để lập nghiệp. Bước đầu, anh mua 10 công đất vùng ven để đào ao nuôi cá tra. Tại đây, anh Hải thấy đôi vợ chồng nghèo có đứa con trai bị bệnh Down mà không có nơi nương tựa nên cất căn nhà cấp 4 trên phần đất do anh vừa mua rồi kêu họ đến ở. Hằng tháng, anh Hải còn hỗ trợ thêm một ít tiền thuốc cho đứa bé. Ngoài ra, thấy ở địa phương có nhiều thanh niên khỏe mạnh nhưng lại không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định nên thường phát sinh tệ nạn xã hội, anh mở cơ sở chế biến gỗ để tạo công ăn việc làm cho họ. Tính đến nay, cơ sở gỗ của anh Hải ở phường Mỹ Quý có hơn chục thợ lành nghề cùng với một số thợ phụ với mức thu nhập mỗi tháng từ 6 - 15 triệu đồng/người. Thời gian gần đây, anh Hải mở thêm đại lý nước sơn Hải Bân tại phường Mỹ Phước (gần Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang) để kiếm thêm, đồng lời đóng góp cho việc làm từ thiện ở địa phương như: hỗ trợ xây cầu, làm đường, tặng quà hay xe đạp cho học sinh nghèo ở trong và ngoài TP Long Xuyên.

Kỳ tới: Đừng chờ… sung rụng!

"Xã trúng số"

Theo thông tin từ người dân xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, ở xã này có khoảng 10 hộ trúng vé số độc đắc. Bình quân mỗi hộ trúng 2 tờ, người trúng nhiều nhất là 5 tờ. Ngoài ra, khu vực này còn vài chục hộ khác trúng vé số an ủi mệnh giá 100 triệu đồng. Theo đại diện chính quyền địa phương, các hộ gia đình may mắn trúng số độc đắc luôn sẵn lòng với các chương trình vì người nghèo khó, người kém may mắn.

Nếu trúng số độc đắc, bạn sẽ làm gì?

Bi hài chuyện trúng số: Tán gia bại sản

May mắn trúng số đâu không thấy, nhiều người tiêu xài phung phí nên lâm vào cảnh bần cùng, thậm chí mất cả mạng sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THỐT NỐT - DUY THANH - DUY NHÂN ([Tên nguồn])
Trúng số độc đắc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN