Bi hài chuyện CSGT mật phục xử lý tài xế vừa rời quán nhậu

Ngay trong những ngày đầu ra quân kiểm tra nồng độ cồn và xử lý tài xế vừa rời quán nhậu, nhiều chủ phương tiện đã có những biểu hiện lạ hoặc đưa ra những lý do “khó đỡ” để xin được bỏ qua. Thậm chí xảy ra trường hợp một Thiếu tá CSGT bị đánh khi đang làm nhiệm vụ…

Bi hài chuyện CSGT mật phục xử lý tài xế vừa rời quán nhậu - 1

Tổ công tác khống chế đối tượng say rượu, đạp đổ xe và đánh Thiếu tá CSGT đang làm nhiệm vụ.

“Ma men” đe dọa, hành hung lực lượng CSGT

13h trưa tại ngã ba Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), đội CSGT số 14 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) vẫn kiên trì bám trụ để xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn bởi những tuyến phố gần đây là khu vực tập trung nhiều quán nhậu, nhà hàng…

Phát hiện 2 người đàn ông đi xe máy có dấu hiệu sử dụng rượu bia, tổ công tác đã dừng xe, kiểm tra. Khi lái xe Nguyễn Ngọc Ba (SN 1985, quê ở Diễn Châu, Nghệ An) đang chấp hành thổi nồng độ cồn theo yêu cầu của CSGT thì người bạn đi cùng là Sơn đã có những lời nói lăng mạ tổ công tác. Chưa dừng lại ở đó, đối tượng Sơn đã tiến đến đạp đổ xe máy của tổ công tác, túm áo đánh Thiếu tá Trần Văn Toản. Ngay lập tức đối tượng Sơn bị khống chế, bàn giao cho công an phường Đại Kim, quận Hoàng Mai để xử lý.

Còn tại chốt kiểm tra xử lý chuyên đề nồng độ cồn của Đội CSGT số 6 được lập tại nút giao thông Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), tổ công tác đã hoá trang kết hợp với lực lượng công khai gồm 7 cán bộ chiến sĩ. Chỉ sau ít phút lập chốt, từ bộ đàm báo về, CSGT đã tuýt còi dừng một ô tô lưu thông hướng Cầu Giấy - Mai Dịch. Tài xế điều khiển chiếc xe này được xác định vừa ở quán nhậu ở gần đó ra, khi lên xe có biểu hiện say rượu. Xuống xe, tài xế xuất trình GPLX mang tên Phạm Văn H (SN 1971, ở quận Đống Đa, Hà Nội). Khi được tổ công tác thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn, tài xế H lưỡng lự, đi lòng vòng mà không chịu vào chốt.

Sau một hồi giải thích, anh H mới chấp hành kiểm tra đo nồng độ cồn. Kết quả, tài xế H vi phạm 0,276miligam/1 lít khí thở. “Do phải tiếp khách ở quê ra nên tôi đã uống bia ở khu vực quận Cầu Giấy”, anh H trần tình, sau đó khóa cửa xe bỏ đi.

Đại uý Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 cho biết, với mức vi phạm trên, tài xế Phạm Văn H sẽ bị phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước GPLX từ 3-5 tháng, ngoài ra còn áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ ô tô đến 7 ngày. Ngoài ra, tổ công tác sẽ tiến hành niêm phong, gọi xe cẩu đến đưa phương tiện về tạm giữ theo quy định. Mọi chi phí phát sinh tài xế sẽ phải đóng phạt sau khi… tỉnh rượu.

Theo ghi nhận của PV, nhiều trường hợp các chủ phương tiện chưa nhận thức được sai phạm của mình, biện minh vô vàn các lý do để chống chế hoặc xin được bỏ qua, nhưng các chiến sĩ CSGT vẫn kiên quyết lập biên bản.

Với khuôn mặt đỏ phừng phừng, một người đàn ông điều khiển xe máy đang lưu thông trên đường Xuân Thủy đã bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Khi kiểm tra hơi thở, nồng độ cồn đo được là 0,83 mg/l, vượt quá mức cho phép là 0,25mg/l, tổ công tác đã lập biên bản. Thay vì chấp hành, người đàn ông này đã có những lời lẽ thiếu văn hoá và “đe dọa” lực lượng CSGT khi nói rằng là người quen của người này, người kia. Sau gần nửa tiếng đồng hồ kiên trì giải thích, người đàn ông này mới chịu ký vào biên bản vi phạm.

Một trường hợp khác là tài xế Hà Mạnh Đ (trú tại Sơn La, làm việc tại Hà Nội) vi phạm 1,006mg/lít khí thở, gấp tới 4 lần quy định cho phép. Thậm chí khi làm việc với CSGT, người này nói không rõ tiếng và có nhiều biểu hiện khác thường như giơ tay chào theo kiểu nhà binh...

Làm sao để xử lý vi phạm triệt để?

Bi hài chuyện CSGT mật phục xử lý tài xế vừa rời quán nhậu - 2

Tài xế ô tô Phạm Văn H vi phạm nồng độ cồn 0,276miligam/1 lít khí thở và biện minh rằng: “Do vừa phải tiếp khách ở quê ra”. Ảnh: PV

Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quốc xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến việc tài xế sử dụng ma túy, rượu bia. Gần nhất, tại Hà Nội, đêm 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống nhiều cốc bia đã lái ô tô 7 chỗ tông chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) tử vong khi đang làm việc trên đường Láng.

Trước đó, trưa 11/4 tại Bình Định, khoảng 10 người trong Đội dịch vụ tang lễ Văn Thứ ngồi chờ khiêng hòm đám tang ở đường Nguyễn Công Trứ, TP Quy Nhơn thì bị xe Lexus 7 chỗ do tài xế Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) lao thẳng vào khiến 4 người chết và 6 người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn với tài xế Huyện sau khi gây tai nạn là 0,315 mg/lít khí thở.

Còn tại cao tốc Nội Bài-Lào Cai chiều 13/2, tài xế Nguyễn Tiến Duy lái chiếc Fortuner biển Hà Nội khi đến địa phận huyện Văn Bàn đã lấn sang làn đối diện rồi đấu đầu với xe chở khách 16 chỗ. Vụ tai nạn khiến 12 người nhập viện, trong đó 3 người tử vong và 3 người khác bị thương nặng. Qua kiểm tra nồng độ cồn trong máu của tài xế Nguyễn Tiến Duy cho thấy kết quả dương tính (đạt mức 38 mg/dl máu). Ngoài ra, tài xế xe khách 16 chỗ cũng có nồng độ cồn trong máu đạt mức 39 mg/dl máu và anh này đã tử vong khi cấp cứu tại bệnh viện.

Theo kế hoạch của Cục CSGT, từ nay đến cuối năm 2019, Cục mở đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy với tài xế trên các tuyến quốc lộ, cao tốc; ngoài ra, CSGT sẽ tập trung ngăn chặn vi phạm ngay từ nơi tài xế xuất phát như bến bãi, nhà hàng, quán bar, vũ trường. “Nhiều ý kiến cho rằng muốn xử phạt triệt để tình trạng tài xế uống rượu bia cứ đến trước cửa quán bia để ngăn chặn. Tuy nhiên, việc chặn người vi phạm ở đây không hay lắm, thậm chí là rất phản cảm”, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT Bộ Công an nói và cho biết ngoài việc xử phạt của cảnh sát thì cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Ông Lê Văn Thanh, Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) bổ sung thêm, tới đây Bộ sẽ trình Chính phủ Nghị định 46 sửa đổi, dự kiến đề xuất tăng mức xử phạt cao nhất lên 20 - 30 triệu và tước giấy phép lái xe 24 tháng. Còn ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Ủy ban Tư pháp thì cho rằng, các nước trên thế giới xử phạt hành chính rất nghiêm để ngăn chặn, phòng ngừa từ xa việc sử dụng rượu bia, chất kích thích; Việt Nam nên tiếp thu và học tập. “Tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện giao thông là một trong những giải pháp chúng ta có thể áp dụng”, ông nói.

Bi kịch từ “văn hóa ép rượu”?

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ, theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian gần đây có tới 65-70% vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn.

Trên các bàn nhậu, bàn tiệc, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, không khó bắt gặp cảnh tượng mời mọc, nài ép, thậm chí khích bác nhau uống bằng được. Người được mời vì nể nang, ngại từ chối hay thậm chí không muốn khước từ, cứ thế dốc cạn chén này sang chén khác. Họ coi đó là thước đo khí chất, bản lĩnh hay tình cảm anh em, bạn bè. Hình ảnh ép nhau uống rượu, bia quen đến mức nó đã trở thành thứ “văn hóa” xấu xí, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông, án mạng, bạo lực.

Còn bao nhiêu Camry ”điên” đi ra từ quán nhậu?

Sử dụng rượu bia khi lái xe ô tô là nguyên nhân chính gây nên nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm Phóng Viên ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN