Bị đòi bồi thường, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm nói gì?
Nhiều bị hại trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đề nghị được bồi thường thiệt hại.
Ông Đặng Anh Quân tại thời điểm công an tống đạt và thực hiện bắt tạm giam.
Ngày 3/5, nguồn tin từ TAND TPHCM cho biết, đơn vị này đã nhận được cáo trạng và toàn bộ hồ sơ vụ án từ Viện KSND TPHCM truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Bốn đồng phạm với bà Hằng trong vụ án này là ông Đặng Anh Quân (tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM), Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) và Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương).
Theo cáo trạng, lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục tổ chức các buổi livestream để nói về nhiều nội dung chưa được kiểm chứng và phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín , xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự cá nhân của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh) bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ) cùng chồng là Lê Công Vinh (cựu cầu thủ bóng đá), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà.
Các bị can là Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân dù không mâu thuẫn với những nghệ sĩ, ca sĩ, cá nhân nêu trên, nhưng do là nhân viên và hưởng lương từ bà Hằng nên liên tục thực hiện các hành vi giúp sức tích cực cho bà Hằng.
Bà Nguyễn Phương Hằng còn mời tiến sĩ luật, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM là ông Đặng Anh Quân tham gia những buổi livestream nhằm tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình. Mỗi khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác thì ông Quân cùng tương tác, phát ngôn góp phần cổ vũ bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.
Ông Đặng Anh Quân đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Nguyễn Phương Hằng trong 11 buổi livestream. Tại cơ quan điều tra, bị can này khai nhận tham gia livestream là do muốn an ủi và thấu hiểu đối với bà Hằng.
Đối với vụ bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Đặng Thị Hàn Ni; luật sư Trần Văn Sỹ, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Đinh Thị Lan, ông Huỳnh Minh Hưng… và một số người đăng ký, sử dụng các tài khoản Facebook, Youtube về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang điều tra, xác minh để xử lý theo quy định. |
Trong vụ án này, cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu, ông Võ Nguyễn Hoài Linh yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm xin lỗi. Bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh chưa có yêu cầu bồi thường về vật chất, nhưng yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.
Bà Đặng Thị Hàn Ni yêu cầu bà Hằng và đồng phạm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Đức Hiển yêu cầu bà Hằng và đồng phạm xin lỗi. Vợ chồng ông Lê Công Vinh và bà Trần Thị Thủy Tiên yêu cầu bà Hằng công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại về vật chất gần 31 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần gần 15 tỷ đồng. Ông Huỳnh Minh Hưng yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại về vật chất là 43 tỷ đồng. Các bà Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà không yêu cầu bồi thường nhưng bà Hà yêu cầu bà Hằng công khai xin lỗi.
Cũng theo cáo trạng, tại cơ quan điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm, gồm: Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân cho biết chỉ bồi thường theo phán quyết của tòa án. Riêng ông Đặng Anh Quân không đồng ý bồi thường cho các bị hại.
Đối với các Youtuber liên quan vụ bà Hằng, cơ quan điều tra đã chuyển tài liệu liên quan đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP.HCM để xử lý.
Nguồn: [Link nguồn]