Bị CSGT “tuýt còi”, chủ xe máy điện viện nhiều lý do chưa đăng ký
Bị CSGT Hà Nội dừng xe xử lý vì xe không mang biển, nhiều người vi phạm lấy lý do không biết quy định hoặc xe mượn xe không để ý…
Nhiều người điều khiển xe máy điện chưa đăng ký bị CSGT Hà Nội tuýt còi.
Sáng 1.7, các đơn vị thuộc Phòng CSGT Hà Nội (PC67) đã ra quân xử lý các trường hợp sử dụng xe máy điện và mô tô điện chưa đăng ký cấp biển để tham gia giao thông.
Ghi nhận của PV sáng nay trên một số tuyến đường Hà Nội, phần lớn xe máy điện đã được gắn biển. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều xe lưu thông mà không có biển số, người điều khiển cũng không đội mũ bảo hiểm.
Tại chốt kiểm tra của Đội CSGT số 3 – Phòng CSGT Hà Nội trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) sáng nay, lực lượng CSGT đã phát hiện gần 10 trường hợp điều khiển xe máy điện chưa đăng ký, cấp biển và không đội mũ bảo hiểm khi đang lưu thông.
Đa số các trường hợp khi bị CSGT dừng xe kiểm tra vì xe máy điện không mang biển đều lấy lý do, quên mũ bảo hiểm, không biết quy định buộc phải đăng ký cấp biển trước khi lưu thông.
Chia sẻ với PV sau khi bị Đội CSGT số 3 yêu cầu kiểm tra vì xe không có biển số, em Thảo (học sinh lớp 12) cho biết, do đang vội đi học nên đã mượn xe máy điện của chị gái. Em cũng không biết quy định xe máy điện phải đăng ký lấy biển số mới được lưu thông trên đường.
“Em mua xe được 5 ngày, khi mua chủ cửa hàng cũng nhắc nhở là mang đi đăng ký nhưng em không có hộ khẩu ở Hà Nội nên không đăng ký được. Em cũng chưa nhờ được ai đứng ra đăng ký”, chị H., quê ở Gia Lai nói với CSGT lý do chưa đăng ký cho chiếc xe máy điện vừa mua.
Theo chị H., chị không biết quy định, từ 1.7, nếu không đăng ký cho xe máy điện xe bị xử phạt hành chính.
Sau khi nghe chị H. trình bày khó khăn khi đăng ký xe, chiến sĩ Đội CSGT số 3 đã quyết định không xử phạt mà chỉ nhắc nhở chị H. sớm hoàn thành các thủ tục để đăng ký cho chiếc xe máy điện.
Trao đổi với PV, đại úy Phạm Văn Chiến, Đội Phó Đội CSGT số 3 cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều xe máy điện chưa được đăng ký vì đối tượng sử dụng loại hình này chủ yếu là học sinh, sinh viên. Chiếc xe do phụ huynh mua cho các em sử dụng và có giá trị không quá lớn nên nhiều người không có ý thức đi đăng ký.
Khi được hỏi, quá trình kiểm tra, xử lý, lực lượng CSGT sẽ dựa trên đặc điểm nào để phân biệt xe máy điện với xe đạp điện, hai loại xe vốn có kiểu dáng khá giống nhau, đại úy Phạm Văn Chiến cho biết: "Bằng mắt thường, xe máy điện và xe đạp điện khác nhau cơ bản là chiếc xe đạp điện có bàn đạp, công suất động cơ điện không lớn hơn 250W, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h".
Đại úy Chiến cho rằng, việc đăng ký xe máy điện rất có lợi cho người dân bởi nếu xảy ra trường hợp mất trộm, cơ quan công an sẽ dễ dàng hơn trong việc điều tra xác minh tìm lại tài sản.
Đội Phó Đội CSGT số 3 nói thêm, với hành vi sử dụng xe máy điện chưa đăng ký cấp biển để lưu thông trên đường, người điều khiển sẽ bị xử phạt từ 300-400 nghìn đồng.
Lực lượng CSGT yêu cầu chị H. vào chốt kiểm tra nhưng không xử phạt vì chị H. mới mua xe và chưa có hộ khẩu ở Hà Nội để đăng ký ngay.
Nhiều người dân đi xe máy điện đã có biển nhưng không đội mũ bảo hiểm cũng bị CSGT tuýt còi.