Bị chậm đóng BHYT, người lao động có được hưởng quyền lợi?
Nếu chậm đóng BHYT thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi BHYT cho người lao động.
Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được một số thắc mắc của bạn đọc liên quan đến các vấn đề khi tham gia BHYT.
Đồng thời, cũng có bạn đọc bày tỏ hiện nay tình hình kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp (DN) chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động (NLĐ). Vậy khi chậm đóng BHYT, nếu NLĐ đi khám chữa bệnh (KCB) thì được hưởng quyền lợi ra sao?
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM xoay quanh những thắc mắc của bạn đọc.
Người dân đến khám chữa bệnh tại BV Bình Dân, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Ba cách thay thế thẻ BHYT giấy khi khám chữa bệnh
. Phóng viên: Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có bao nhiêu cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện KCB BHYT? Khi người dân đi KCB nhưng quên mang theo thẻ BHYT giấy thì cần những giấy tờ nào để thay thế?
+ Đại diện cơ quan BHXH TP.HCM: Trong năm 2022, BHXH TP.HCM đã ký hợp đồng với 190 cơ sở KCB trên địa bàn, trong đó có bốn bệnh viện tuyến trung ương, 39 bệnh viện tuyến tỉnh, 137 cơ sở thuộc tuyến quận/huyện hoặc tương đương và 10 cơ sở trạm y tế.
Những năm gần đây, ngành BHXH đã ứng dụng công nghệ thông tin về thủ tục hành chính để mang lợi ích thiết thực đến người tham gia.
Theo đó, hiện nay có ba cách khác nhau để thay thế thẻ BHYT giấy, giúp người bệnh thuận tiện hơn khi đi KCB BHYT bằng cách tích hợp thông tin BHYT trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Cụ thể, người tham gia có thể sử dụng một trong ba cách sau để đăng ký KCB BHYT.
Cách 1: Người dân được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thay thế thẻ BHYT giấy trong KCB.
Cách 2: Các cơ sở y tế có triển khai, tổ chức KCB cho người bệnh có CCCD gắn chip, thay thế thẻ BHYT giấy.
Cách 3: Người dân có tài khoản mức độ 2 của ứng dụng VNeID, cũng có thể sử dụng để thay thế thẻ BHYT giấy khi KCB.
Như vậy, nếu thẻ BHYT giấy bị mất, hư hỏng hay người tham gia quên mang theo thẻ thì có ba cách như trên để KCB BHYT.
. Hiện nay, tại TP.HCM đã chi trả chi phí điều trị cho các bệnh nhân cao nhất là bao nhiêu?
+ Theo số liệu KCB BHYT trên địa bàn TP.HCM gần đây nhất thì có 1,52 triệu lượt người KCB điều trị nội trú, Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị cho các bệnh nhân là 11.366 tỉ đồng. Đối với bệnh nhân KCB ngoại trú là 15,2 triệu lượt, tương ứng 8.615 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại ở TP.HCM có khoảng 22 người được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị bệnh từ 1 tỉ đồng trở lên.
Tính đến thời điểm hiện tại ở TP.HCM có khoảng 22 người được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị bệnh từ 1 tỉ đồng trở lên.
Quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp chậm đóng BHYT
. Một người trước đây có tham gia BHYT DN. Tuy nhiên, những tháng gần đây DN gặp khó khăn chậm đóng BHXH, BHYT, vậy NLĐ có được gia hạn thẻ BHYT không? Nếu không được gia hạn thẻ BHYT thì khi bị bệnh, NLĐ có được hưởng quyền lợi?
+ Khoản 3 Điều 49 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 quy định cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Như vậy, trong thời gian NLĐ làm việc tại DN mà DN chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì DN có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí trong phạm vi chi trả của Quỹ BHYT và mức hưởng quy định khi người tham gia đi KCB.
. Nếu DN nợ BHXH, BHYT thì NLĐ có thể tham gia BHYT hộ gia đình được không? Luật quy định như thế nào?
+ Tại Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định đối tượng tham gia BHYT được quy định sáu nhóm đối tượng như sau: Nhóm do NLĐ và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng thuộc bốn nhóm đầu; nhóm đối tượng khác do Chính phủ quy định.
Như vậy, NLĐ có thể tham gia BHYT theo hộ gia đình nếu không thuộc bốn nhóm đầu.
Do đó, NLĐ đang làm việc lại DN và có hợp đồng lao động thì thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nên không thể tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình.
Ngoài ra, nếu NLĐ muốn tham gia BHYT hộ gia đình thì liên hệ các nhân viên thu tại các điểm thu BHXH, BHYT nơi NLĐ cư trú hoặc cơ quan BHXH gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ.
Mức đóng BHYT theo hộ gia đình Theo quy định hiện nay, mức đóng BHYT hộ gia đình được quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở hiện hành. Ngoài ra, khi tham gia BHYT hộ gia đình, người tham gia sẽ được Nhà nước giảm một phần mức đóng cho các thành viên cùng tham gia như sau: Người thứ nhất đóng = Mức lương cơ sở x 4,5% = 972.000 đồng/năm. Người thứ hai đóng 70% mức đóng của người thứ nhất = 680.400 đồng/năm. Người thứ ba đóng 60% mức đóng của người thứ nhất = 583.200 đồng/năm. Người thứ tư đóng 50% mức đóng của người thứ nhất = 486.000 đồng/năm. Người thứ năm trở đi đóng 40% mức đóng của người thứ nhất = 388.800 đồng/năm. Người tham gia BHYT hộ gia đình được lựa chọn đóng định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng/lần. Muốn tham gia BHYT hộ gia đình thì người dân có thể lập tờ khai tham gia BHYT hộ gia đình theo mẫu quy định, đăng ký tại trụ sở cơ quan BHXH tỉnh, huyện; các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT; cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hoặc cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam (dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn). Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Nguồn: [Link nguồn]
Người tham gia BHYT có nơi khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện huyện, nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh thì được Quỹ BHYT chi trả 100% mức hưởng.