Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về “bữa cơm trưa tranh thủ”

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Chiều 23-9, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) với phần xét hỏi các bị cáo tham gia phát hành trái phiếu khống.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bắt đầu phần trả lời xét hỏi bằng lời cảm ơn HĐXX đã cho phép chồng bị cáo là bị cáo Chu Lập Cơ được đi khám bệnh. Trước đó, theo thông báo của chủ tọa phiên toà, tình hình sức khoẻ của chồng bị cáo Chu Lập Cơ tốt và bị cáo sẽ tiếp tục được trích xuất tới toà.

Chủ tọa hỏi bị cáo Lan có ý kiến gì về các tội danh bị truy tố không. Bị cáo Lan nói: "Bị cáo tôn trọng, bị cáo kính xin HĐXX xem xét thấu đáo nguyên nhân, bối cảnh, động cơ phát hành trái phiếu vì lý do gì".

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Về lời khai của 28 bị cáo bị từng là các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty con của Tập đoàn này, bị truy tố với vai trò đồng phạm, bị cáo Trương Mỹ Lan nói: "Không bình luận gì về các bị cáo ấy. Xin HĐXX xem xét, mỗi người có 1 hoàn cảnh khác nhau, mỗi người đều làm công ăn lương, không hưởng lợi gì, nhiều người nói không biết ký gì nhưng có thể gấp quá, họ không nhớ".

Bị cáo Lan thừa nhận quản lý, điều hành hai công ty là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (do Ngô Thanh Nhã, em dâu bị cáo Lan, đứng tên đại diện pháp luật).

Bị cáo Lan nói chưa bao giờ bị cáo cử ai từ hai công ty này làm việc tại SCB. Bị cáo nói Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không kinh doanh mảng tài chính ngân hàng, không có nhu cầu phát hành trái phiếu.

Liên quan tới cáo buộc "tranh thủ bữa cơm trưa để chỉ đạo chủ trương phát hành trái phiếu", bị cáo Lan thừa nhận có bữa cơm trưa nhưng phủ nhận "tranh thủ chỉ đạo chủ trương". Bị cáo Lan khai năm 2018, Nguyễn Phương Hồng thường xuyên "than thở" với bị cáo về vấn đề SCB "lâm vào bế tắc" vì thường xuyên bị thanh, kiểm tra. Từ đây, Hồng ngỏ ý "mượn" các công ty tốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu. Bị cáo nghĩ nếu không cho mượn công ty thì có thể sụp đổ hết. Do đó, bị cáo mới cho mượn chứ không chủ trương. "Bị cáo có biết gì đâu mà chủ trương" – bị cáo Lan lặp đi lặp lại.

Bị cáo khai tiếp, về bữa ăn trưa này, bị cáo có mời: Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Phương Hồng, cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, cựu Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoánTVSI và Hồ Bửu Phương, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

Theo nội dung kết luận điều tra, trong "bữa trưa tranh thủ" này, bị cáo Lan đã ra chủ trương đồng ý cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho hoạt động của Ngân hàng SCB, giao cho các cá nhân được mời đến chủ động nghiên cứu thực hiện.

Tại đây, họ nói về việc niêm yết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chứ không phải phát hành trái phiếu.

Bị cáo Lan phủ nhận bàn bạc, đưa chủ trương phát hành trái phiếu nhưng nói rằng: "Dù bị cáo không sử dụng dòng tiền này nhưng bị cáo sẽ dùng tiền của mình, cố gắng khắc phục hậu quả".

Chủ tọa hỏi bị cáo có thấy oan sai không, bị cáo Lan trả lời: "Cáo trạng truy tố bị cáo, bị cáo tôn trọng, không oan sai nhưng xin xem xét lại, đừng dùng từ "bị cáo chiếm đoạt"...".

Bị cáo Trương Mỹ Lan nói về Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB; thư ký Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; đã chết) là người giỏi chuyên môn, sắc bén và "một mực bảo vệ SCB". Tuy nhiên, bị cáo không gặp Hồng nhiều vì hầu hết thời gian bị cáo ở nước ngoài, di chuyển trên máy bay, mỗi tháng chỉ ở Việt Nam vài ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

Dưới sự chỉ đạo toàn diện của bà Trương Mỹ Lan, các thuộc cấp đã ‘làm đẹp’ báo cáo tài chính bằng cách hô biến từ lỗ sang lãi để đủ điều kiện phát hành trái phiếu, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt số tiền ‘khủng’ của các khổ chủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thái - Ảnh: Hoàng Triều ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN