Bị cáo Trương Mỹ Lan đòi Ngân hàng SCB trả 5.000 tỉ đồng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tại phần xét hỏi đối với các kháng cáo về phần dân sự, bị cáo Trương Mỹ Lan xin lại các tài sản, trong đó có 5.000 tỉ đồng góp vào Ngân hàng SCB để tăng vốn điều lệ.

Chiều 7-11, phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác trong giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan tiếp tục với phần xét hỏi về những nội dung kháng cáo phần dân sự.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc yêu cầu nhận lại tài sản, bị cáo Trương Mỹ Lan tiếp tục xin được nhận lại biệt thự cổ ở 110-112 Võ Văn Tần vì đây là tài sản mẹ bị cáo mua, để cho con gái của bị cáo trùng tu, bảo tồn văn hóa.

Bị cáo Lan cũng muốn HĐXX trả lại nhà số 78 Nguyễn Huệ (con gái bị cáo Lan đứng tên) và nhà số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ - trụ sở SCB (mẹ bị cáo Lan mua cho Chu Duyệt Phấn) và nhà đất 24 Lê Lợi, quận 1; 21-21A Trần Cao Vân, quận 3 (do Trương Huệ Vân đứng tên). Theo bị cáo Lan đây không phải là tài sản của bị cáo Lan.

Đồng thời, bà Trương Mỹ Lan xin lại, không kê biên trụ sở Công ty Vạn Thịnh Phát - số 193 Trần Hưng Đạo, quận 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cạnh đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX xem xét lại 5.000 tỉ đồng góp vào Ngân hàng SCB để tăng vốn điều lệ nhưng chưa tăng vốn điều lệ thì cho bị cáo xin lại để khắc phục hậu quả.

Về số tiền tăng vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, đại diện SCB cho biết ngân hàng đã hoàn thành các thủ tục để tăng vốn điều lệ năm 2021. Tiền đã hòa vào dòng tiền chung nhưng chưa có giấy chứng nhận tăng vốn.

Tại tòa, đại diện SCB trình bày các nội dung kháng cáo, yêu cầu HĐXX xem xét buộc bị cáo Lan bồi thường từ tiền lãi phát sinh cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ bồi thường cho dư nợ các khoản vay.

SCB đề nghị HĐXX công nhận các giao dịch giữa ngân hàng và các công ty, gồm: Hồng Phát, Tuần Châu, Cổ phần T&H Hạ Long và Âu Lạc Quảng Ninh… Không buộc SCB phải hoàn trả tài sản bao gồm các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nhóm công ty này.

Đại diện SCB cũng đề nghị HĐXX làm rõ quyền của SCB đối với các nghĩa vụ buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường 673.000 tỉ đồng và 1.121 mã tài sản là hai yêu cầu độc lập. SCB cho rằng, trường hợp số tiền thu giữ của bị cáo Lan không đủ để bồi thường thì cơ quan thi hành án sẽ cấn trừ vào 1.121 mã tài sản. Đồng thời, giao Dự án 6A - huyện Bình Chánh (hiện đang không thế chấp cho khoản nợ nào tại SCB) cho SCB nhằm khắc phục hậu quả.

Theo HĐXX, nếu SCB lập luận như vậy thì bị cáo Lan phải bồi thường 2 lần. Tuy nhiên, phía đại diện SCB vẫn bảo lưu quan điểm kháng cáo.

Sau khi nghe SCB trình bày kháng cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng ý về việc tiếp tục tính lãi vì không đúng quy định pháp luật.

Đối với các kháng cáo còn lại, bị cáo Lan nói mình dùng tiền cá nhân cho các công ty trên vay và bị SCB mượn tài sản để tái cơ cấu nên tòa tuyên các công ty này phải trả tiền cho bị cáo là đúng. Bị cáo Lan không chiếm đoạt tiền của SCB và đã làm rất nhiều việc giúp cho ngân hàng này tái cơ cấu.

Bản án sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan hình phạt chung là tử hình về 3 tội danh: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tham ô tài sản và đưa hối lộ.

HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17-10-2022, tương đương 673.800 tỉ đồng.

Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn mong được hưởng đầy đủ, tối đa sự khoan hồng của pháp luật với mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HỮU ĐĂNG ([Tên nguồn])
Vụ án Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN