Bị cáo Trịnh Văn Quyết xin áp dụng Nghị quyết thí điểm về xử lý vật chứng dựa trên căn cứ nào?
Liên quan đến vụ FLC, mới đây, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã xin áp dụng Nghị quyết thí điểm về xử lý vật chứng để khắc phục. Vậy căn cứ, thời điểm, điều kiện áp dụng Nghị quyết này ra sao?
Theo bị cáo Trịnh Văn Quyết, các tài sản bị phong tỏa, kê biên đều là các bất động sản có giấy tờ pháp lý đầy đủ, tính thanh khoản cao. Nếu được cho phép áp dụng biện pháp mua bán, chuyển nhượng toàn bộ tài sản để có tiền khắc phục hậu quả thì đến cuối quý I/2025 sẽ xử lý xong các tài sản này.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Nghị quyết 164/2024/QH15 quy định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Theo Nghị quyết 164/2024/QH15, các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong vụ án tham nhũng bao gồm: Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản; Mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng…
Bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị dẫn giải đến phiên tòa sơ thẩm
Về biện pháp trả lại tiền cho bị hại, trường hợp vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ chủ sở hữu, bị hại, số tiền bị thiệt hại, đồng thời có văn bản đề nghị của bị hại hoặc người đại diện của họ và văn bản đề nghị của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự, tỷ lệ theo quy định.
Về biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản, trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội nếu họ có nhu cầu khai thác, sử dụng và có văn bản đề nghị nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản đó và xem xét, ra quyết định cho người bị buộc tội được nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với vật chứng, tài sản đó.
Còn với biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng, trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và không có tranh chấp, được mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, nếu họ có văn bản đề nghị cho bán, chuyển nhượng thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản và xem xét, quyết định cho bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đó thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định…
Căn cứ quy định trên, nếu xét thấy đề xuất của bị cáo Trịnh Văn Quyết có đủ cơ sở pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét giải quyết theo thẩm quyền - luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.
Hà Nội - Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nộp khắc phục thêm 353 tỷ đồng song vắng mặt tại phiên phúc thẩm do đang điều trị nội trú tại Bệnh viện 198.
Nguồn: [Link nguồn]
-27/12/2024 10:58 AM (GMT+7)