Vụ chuyến bay giải cứu: 'Trung bình mỗi chuyến 10 hũ tro cốt, các anh bảo chưa cấp thiết'
Bị cáo Trần Thị Mai Xa nói ''rất giận Cục Lãnh sự'' và rất ấm ức vì bị gây khó dễ khi cấp phép chuyến bay dẫn đến bị cáo phải đưa tiền hối lộ để được cấp phép.
Chiều 20-7, ngày thứ 8 xét xử vụ ''chuyến bay giải cứu'', bị cáo Trần Thị Mai Xa, Công ty Masterlife nói rằng hoàn toàn đồng ý với lời bào chữa của luật sư và xin được ''bổ sung thêm một ý để nhẹ lòng hơn khi đứng ở đây''.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa tại phiên tòa
Bị ép buộc đưa hối lộ?
Bị cáo Trần Thị Mai Xa bị xét xử với cáo buộc 19 lần đưa hối lộ hơn 8 tỉ đồng cho 8 cá nhân có thẩm quyền để được cấp phép 18 chuyến bay. Bị cáo bị đề nghị mức án 4-5 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Xa, luật sư Hà Văn San nói rằng bị cáo Xa ở trong hoàn cảnh bị bắt buộc phải đưa hối lộ. Khi tổ chức chuyến bay, doanh nghiệp (DN) phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện như thuê và đặt cọc máy bay, khách sạn… từ trước khi được cấp phép.
Khi chuyến bay không được phê duyệt, bị cáo Xa đã phải bồi thường thiệt hại 1,5 tỉ đồng và phải bán căn nhà. Đến chuyến bay sau, khi sát ngày bay mà chưa được cấp phép, bị cáo Xa cũng như nhiều bị cáo nhóm DN đã phải chi tiền. Những chuyến bay sau đó, việc đưa tiền trở thành thông lệ.
Luật sư cho rằng Trần Thị Mai Xa sau khi gửi nhiều văn bản nhưng không được cấp phép nên đã mất hàng tỉ đồng tiền đặt cọc. Do đó bị cáo đã phải tìm đến Cục lãnh sự, Cục xuất nhập cảnh và phải tự ép mình thực hiện một cơ chế mà bản thân không mong muốn, đó là đưa hối lộ.
Các bị cáo nhận hối lộ đã lợi dụng dịch bệnh để ép doanh nghiệp đưa tiền mới cấp phép các chuyến bay. Nhóm bị cáo khối DN phải đưa hối lộ là tình huống bị ép buộc, không thể khác hơn.
Với quan điểm bào chữa như trên, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo San hưởng tình tiết phạm tội trong trường hợp bị ép buộc, không tự nguyện. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ khác.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa: ''Rất giận Cục Lãnh sự''
Trần tình trước HĐXX, bị cáo Mai Xa nói rằng đến tháng 6-2021, sát ngày bay dự kiến nhưng vẫn không được chấp thuận bay, bị cáo rất sốt ruột.
''Bị cáo rất lo lắng. Sau chuyến bay đầu tiên không thể tổ chức và bị cáo phải bán nhà, bị cáo rất run như chim sợ cành cong vì không còn nhà để bán nữa''- bị cáo Xa nghẹn ngào nói.
Bị cáo Xa khai lúc ấy đã gọi lên Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự thì được bảo có một chút vướng mắc bên Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an và bảo bị cáo sang bên đó xem thế nào.
Khi bị cáo Xa liên hệ với Cục Xuất nhập cảnh thì được bị cáo Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục XNC) nói rằng ''sếp không biết công ty của em là ai cả. Thôi để giải quyết nhanh, em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì khó lắm''.
''Đứng trước sự lựa chọn… vì bị cáo là người phụ thuộc vào cơ quan ban ngành, bị cáo phải tìm mọi cách đi xoay tiền''- bị cáo Xa nói.
Với giọng nghẹn ngào, bị cáo Xa nói rằng ''rất giận Cục Lãnh sự'', là cơ quan chủ trì mà làm sao để DN rơi vào hoàn cảnh này, đưa tiền một cách vô thức, dẫn đến một loạt hành vi sau này của bị cáo cũng như các bị cáo DN khác.
''Bị cáo không có ý thức về vấn đề đó (đưa hối lộ-PV). Lần sau cứ thế phải đưa, đó cứ như một thông lệ''- bị cáo Xa nói.
Bị cáo Xa nói rằng bản thân cảm thấy rất xót xa. Trên những chuyến bay bị cáo tổ chức, mỗi chuyến khoảng 250 chỗ thì trung bình 10 hũ tro cốt được mang về.
"Bị cáo hỏi anh Cường, anh Tuấn (bị cáo Vũ Sỹ Cường, Vũ Anh Tuấn, cùng là cán bộ Cục Xuất nhập cảnh -PV) tại sao lại không cấp phép, thì được trả lời ''chưa có sự cấp thiết''" - bị cáo Mai Xa nói.
Càng nói, bị cáo Xa càng xúc động và không giữ được bình tĩnh: ''Trong lúc dịch bệnh trong nước, thế giới như thế, thế nào là cấp thiết?", ''Nếu mỗi chuyến bay như vậy lên tới vài ba chục hũ tro cốt thì có cấp thiết hay không?'', ''Bị cáo thấy rất ấm ức. Dù các anh nhận lỗi lầm nhưng trong lòng bị cáo vẫn rất trách''.
Sau những lời ruột gan bị cáo Xa nói rằng: "Những gì muốn nói đã nói ra hết rồi. Bị cáo khẩn thiết mong nhận được sự đồng cảm của HĐXX với các bị cáo khối DN cũng ở trong hoàn cảnh như bị cáo''.
"Mong HĐXX là người đem lại công bằng, đồng cảm với doanh nghiệp", Trần Thị Mai Xa kết thúc phần tự bào chữa.
Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury) thừa nhận chỉ đạo vợ là Vũ Thùy Dương và vô tình đẩy vợ vào con đường phạm tội.
Nguồn: [Link nguồn]