Bị cáo Trần Quí Thanh trình bày mong muốn tại tòa

Quá trình xét hỏi, chủ toạ phiên tòa nhận định hình thức hợp đồng mà ông Trần Quí Thanh ký là giả cách, không có thực.

Chiều 23-4, phiên xét xử ông Trần Quí Thanh và hai con gái bước vào phần xét hỏi. Chủ tọa phiên tòa lần lượt hỏi người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, bị hại, bị cáo.

Quá trình xét hỏi bị cáo Thanh, chủ tọa nhiều lần hỏi bị cáo có đồng ý với nội dung VKSND truy tố rằng bản chất của việc chuyển nhượng tài sản của ông và 4 bị hại gồm Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970); ông Nguyễn Văn Chung (SN 1986); ông Lâm Sơn Hoàng (SN 1960); ông Nguyễn Huy Đông (SN 1982; cùng ngụ TP HCM) là cho vay không?

Bị cáo Thanh trả lời bị cáo chấp nhận kết luận của VKSND và chấp nhận phán quyết của toà.

Riêng đối với vấn đề dân sự liên quan hành vi đối với bị hại Đặng Thị Kim Oanh, ông Thanh mong muốn được tách riêng.

Bà Kim Oanh vắng mặt tại phiên xử. Song, bà Kim Oanh có đơn đề nghị liên quan vụ án gửi đến HĐXX. Nội dung đơn được chủ tọa công bố. Cụ thể, bà Kim Oanh cho rằng đã vay của ông Thanh 500 tỉ đồng.

Sau đó, bà Oanh xác nhận đã chuyển trả 500 tỉ đồng nhưng gia đình ông Thanh giữ 150 tỉ đồng, chuyển lại cho bà Kim Oanh 350 tỉ đồng. Do đó, Kim Oanh xác định không có lỗi trả chậm theo thỏa thuận. Bà Kim Oanh tính toán rằng sau khi trừ gốc, lãi thì ông Thanh phải trả lại cho bà hơn 235 tỉ đồng.

Ông Thanh cho rằng vấn đề này chưa rõ ràng nên muốn tách ra để xử lý riêng.

Trước đó, ông Thanh cũng phủ nhận cáo buộc cho vay, chiếm đoạt 4 thửa đất tại xã Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức của ông Lâm Sơn Hoàng (ngụ TP HCM), trị giá hơn 80 tỉ đồng.

Theo lời ông Hoàng, năm 2018 ông gặp khó khăn về tài chính, cần vay 100 tỉ đồng để làm ăn. Qua người môi giới, ông gặp Nguyễn Hoàng Phú (tự giới thiệu là cháu ông Trần Quí Thanh).

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Ông Hoàng đưa cho Phú xem 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức. Phú nói với ông Hoàng để vay được tiền, ông Hoàng phải ký chuyển nhượng 4 thừa đất này cho con gái ông Thanh là Trần Uyên Phương. Sau khi công chứng sang tên thì mới nhận được tiền vay. Phú lấy phí môi giới 3%/tổng tiền vay.

Ông Hoàng trình bày sau khi gặp ông Thanh thì được biết khi nhận tiền sẽ bị cắt 3 tháng đầu. Thấy khoản vay hụt so với nhu cầu sử dụng vốn, ông Hoàng đề nghị được vay 115 tỉ đồng. Theo ông Hoàng, ban đầu hợp đồng có tên là "trích thưởng hỗ trợ vay vốn", sau đó bị Phú gạch đi chữ "vay". Bị hại nói rằng cáo trạng xác định đây là quan hệ cho vay thế chấp bằng tài sản là đúng. Cuối cùng, ông Hoàng được ông Thanh chuyển 103 tỉ đồng.

Ông Hoàng khai đã chuyển trả lãi cho ông Thanh hơn 43 tỉ đồng (đã trừ 10 tỉ đồng là 3% tiền lãi của 3 tháng đầu), hiện ông có mong muốn được chuyển trả 115 tỉ đồng tiền gốc để nhận lại 4 tài sản.

Bị hại này khai thêm rằng trong quá trình vay, phía ông Thanh yêu cầu bên vay phải chịu hết tất cả các khoản thuế phí gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ.

Tại tòa, ông Thanh nói không chối tội song không thừa nhận cho vay.

"Chúng tôi không cho vay, nếu cho vay thì có hợp đồng vay. Dù chúng tôi cho vay cũng không vi phạm pháp luật" - ông Thanh nói.

Ông Thanh thừa nhận đã chuyển khoản cho ông Hoàng 115 tỉ đồng. "Khi ông Hoàng tới gặp, tôi nói ở đây chúng tôi không cho vay mà chỉ mua bán. Khi mua chúng tôi sẵn sàng bán lại nếu anh có nhu cầu mua lại chứ không phải chúng tôi mua rồi chiếm. Ông Hoàng suy nghĩ nhiều lần mới đồng ý bán giá 115 tỉ đồng. Khi lập hợp đồng mua bán, ông Hoàng nói nếu để giá 115 tỉ đồng thì thuế cao quá, khoảng 3 tỉ đồng nên xin giảm giá mua bán còn 26,7 tỉ đồng, bằng giá nhà nước để giảm thuế phải đóng. Tôi nói với Phương là hợp đồng ghi thêm "thanh toán ngoài theo thỏa thuận" - ông Thanh trình bày.

Ông Thanh khai thêm ông Hoàng có cam kết sau 3 tháng sẽ mua lại tài sản, nhưng tới thời hạn đã hứa ông Hoàng không có tiền mua lại nên xin đặt cọc gia hạn. Ông Thanh nói mình đã giúp ông Hoàng gia hạn đặt cọc nhiều lần như vậy. Số tiền đặt cọc được xác định lên tới hơn 30 tỉ đồng.

Đối với lời khai này, chủ tọa nói luật pháp hiện hành không có loại hình giao dịch như ông Thanh đã thực hiện.

Chủ tọa giải thích với bị cáo rằng tới giai đoạn bị cáo tuyên bố ông Hoàng mất quyền mua lại tài sản mới là tình tiết mà cơ quan chức năng xem xét hành vi phạm tội. Do đó, chủ tọa nói bị cáo không nên khai báo lòng vòng, hợp đồng hai bên ký đã được chứng minh không phải là hợp đồng chuyển nhượng đất. Hình thức hợp đồng là giả cách, không phải thực sự. Số tiền thể hiện giao dịch trên hợp đồng khác với số tiền mà ông Thanh đã chuyển cho bị hại. Loại hợp đồng này rất khó xử lý khi được đưa ra cơ quan pháp luật.

Bị cáo Trần Uyên Phương khai đối với giao dịch của ông Hoàng, bị cáo Phương không tham gia bàn bạc, chỉ nhận được thông tin ông Hoàng có đất muốn bán. Bị cáo chỉ ký hợp đồng sang tên và nhận chuyển nhượng, không trực tiếp đến văn phòng công chứng.

Nguồn: [Link nguồn]

Khai tại tòa, ông Trần Quí Thanh thừa nhận hành vi của mình là chưa đúng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ý Linh - Minh Diễm ([Tên nguồn])
Chủ tịch Tân Hiệp Phát bị bắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN