Bị can duy nhất trong vụ án đăng kiểm đang bị truy nã nhận hối lộ như thế nào?
Ngày 22/7, phiên tòa xét xự vụ án liên quan đến ngành đăng kiểm tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh.
Dù biết hàng chục cơ sở đóng tàu ở Long An không đủ năng lực, trong đó đa phần công nhân không có chứng chỉ thợ hàn, mặt bằng sản xuất không phải đất sản xuất kinh doanh mà là đất nông nghiệp, bến chuyên dùng không được cấp phép, không có kỹ sư làm việc, không có hợp đồng với kỹ sư, nhà thầu phụ… nhưng Đỗ Trung Học, Lê Ngọc Tú vẫn đề xuất Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam – ĐKVN) ký cấp Thông báo năng lực cho các cơ sở đóng tàu này hoạt động.
Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã đối với Đỗ Trung Học.
Trong vụ án ngành Đăng kiểm, Đỗ Trung Học (SN 1961) là cựu Trưởng Phòng tàu sông Cục ĐKVN. Bị can bị xét xử vắng mặt. Đỗ Trung Học được xác định xuất cảnh ra nước ngoài trước thời điểm khởi tố bị can, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã.
Phòng Tàu sông thuộc Cục ĐKVN có chức năng quản lý nhà nước về phương tiện thủy nội địa. Các chức năng này bao gồm: hướng dẫn, chỉ đạo và thực hiện việc xác nhận năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa; nhiệm vụ là thực hiện, hướng dẫn, chỉ đạo công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật tàu sông và công nghệ; tổ chức thực hiện, hướng dẫn chỉ đạo công tác xác nhận, thông báo năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi tàu sông theo quy định.
Bị cáo Trần Kỳ Hình, người đã ký cấp Thông báo năng lực cho các cơ sở đóng tàu ở Long An.
Để xin cấp Thông báo năng lực, 38 cơ sở đóng tàu ở Long An đã liên hệ với Phạm Hoài Hà, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An. Hà đã giới thiệu chủ các cơ sở này với Đăng kiểm viên Nguyễn Xuân Hào. Để được Hào lập hồ sơ, chủ các cơ sở đóng tàu này phải nộp cho Hào từ 30 đến 150 triệu đồng/cơ sở. Hào cam kết số tiền trên sẽ được bao trọn gói cho đến khi được cấp Thông báo năng lực.
Hào lập hồ sơ 38 cơ sở đóng tàu chuyển ra Cục ĐKVN để đánh giá. Cục ĐKVN đã cử Lê Ngọc Tú (cựu Phó Phòng tàu sông) làm người đánh giá hồ sơ, cử Đỗ Trung Học kiểm tra hiện trường, soát xét hồ sơ. Học đã yêu cầu Phạm Hoài Hà phải đưa tiền để duyệt hồ sơ và cung cấp số tài khoản của Nguyễn Thành Lê, Giám đốc Công ty CP tư vấn và thiết kế công nghiệp tàu thủy Vietship để Hà chuyển tiền. Hà đã chỉ đạo Hào chuyển tiền vào 2 tài khoản trên.
Từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2021, Hào đã chuyển vào 2 tài khoản trên 4,1 tỷ đồng. Cụ thể, Hào chuyển 3,023 tỷ đồng vào tài khoản của Lê; 1,079 tỷ đồng vào tài khoản của Học. Mặc dù hồ sơ đánh giá không đủ điều kiện để cấp Thông báo năng lực nhưng Học và Lê Ngọc Tú (cựu Phó Phòng tàu sông) vẫn đề xuất với Trần Kỳ Hình ký cấp Thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu này. Trong số tiền này, Học chi 1,353 tỷ đồng để làm hồ sơ thiết kế và nhận hối lộ 2,849 tỷ đồng. Lê Ngọc Tú nhận hối lộ 280 triệu đồng.
Hai bị cáo từng giữ chức vụ cao nhất đều hưởng lợi trong đại án đăng kiểm nhưng không phải là người nhận hối lộ nhiều nhất.
Nguồn: [Link nguồn]