Bị bạo lực tình dục: Cam chịu sẽ khó xử lý

“Trong các vụ xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự nên gây khó khăn cho việc xét xử”.

Bị bạo lực tình dục: Cam chịu sẽ khó xử lý - 1

Nhiều phụ nữ "cắn răng" chịu đựng bạo lực tình dục khiến việc xử lý gặp khó khăn (ảnh minh họa)

Còn thiếu quy định về hành vi bạo lực tình dục

Trong những bài viết liên quan đến chủ đề bạo lực tình dục được đăng tải gần đây, hầu hết các chuyên gia và các nhà quản lý đều đồng tình rằng, bạo lực tình dục đối với phụ nữ vẫn chưa được phản ánh đầy đủ và giải quyết hiệu quả.

Xung quanh vấn đề này, ông Đào Văn Tú, Cục Trợ gúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã nhìn thẳng vào thực trạng này và đề xuất những chính sách về mặt pháp lý nhằm giải quyết vấn đề bạo lực tình dục tại Việt Nam.

Theo ông Tú, bạo lực tình dục được xác định là bất cứ hành vi tình dục, ý định thực hiện hành vi tình dục nào, bất cứ bình luận hoặc thúc đẩy không mong muốn nào về tình dục hoặc bất cứ hành động nhằm mua bán hoặc hành động trực tiếp khác nhằm cưỡng bức tình dục một người gây ra bởi bất cứ ai có hay không có mối quan hệ với nạn nhân, trong bất kỳ bối cảnh nào, bao gồm cả gia đình và nơi làm việc.

Ông Đào Văn Tú cho rằng, bạo lực tình dục chưa được quy định cụ thể, chỉ được xác định là một hành vi trong bạo lực gia đình.

Ngoài ra, hiện nay còn thiếu các quy định về hành vi bạo lực tình dục, quy định chưa rõ ràng về hiếp dâm xảy ra giữa vợ/chồng; chưa xử phạt riêng hành vi bạo lực tình dục. Nếu áp dụng theo các hành vi khác thì hình phạt nhẹ, chưa tương xứng với tính chất hành vi...

Đại diện Bộ Tư pháp đề xuất, cần quy định rõ bạo lực tình dục là một trong những hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Bạo lực tình dục cần được tiếp cận theo nghĩa rộng (bao gồm cả các hành vi quấy rối tình dục trong gia đình, nơi công cộng, nơi làm việc...)

Nên xét xử lưu động những vụ bạo lực tình dục

Bà Đào Xuân Lan, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cũng thừa nhận, tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái trong những năm gần đây rất đáng báo động. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện sự suy đồi đạo lý, coi thường tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

“Hiện không ít người cho rằng, nam giới có quyền bạo hành, trong đó có cả bạo hành tình dục. Còn các nạn nhân của nạn bạo lực tình dục như phụ nữ, trẻ em không dám đấu tranh mà cam chịu”, bà Lan phân tích.

Đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, các đơn vị Tòa án luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy vậy, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục.

Cụ thể, nhiều vụ không đủ cơ sở để đưa người phạm tội ra pháp luật. Có trường hợp sau khi bị xâm hại một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội do sợ danh dự, nhân phẩm của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng.

Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (vùng kín bị hóa sẹo, không thu được tinh dịch…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi.

Ngoài ra, trong quá trình chờ xét xử, giữa gia đình bị cáo và gia đình người bị hại đã thỏa thuận, thống nhất với nhau và thậm chí do sự tác động nào đó (có thể do bị đe dọa hoặc hứa hẹn) nên tại phiên tòa người bị hại lại thay đổi lời khai, phủ nhận lời khai trước đó....

“Không những thế, trong các vụ án xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, người bị hại và gia đình của người bị hại thường có tâm lý e ngại, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống gia đình nên nhiều người chưa dám lên tiếng, gây khó khăn cho việc xét xử” bà Lan trăn trở.

Đại diện Tòa án Nhân dân tối cao nói tiếp: “Có trường hợp người bị hại có quan hệ tình dục với nhiều người trong thời gian dài, nên khi cơ quan điều tra không có đủ chứng cứ để buộc tội tất cả các đối tượng”.

Đối với bạo lực tình dục trong gia đình, người bị hại thường có thái độ cam chịu hoặc không dám tố cáo cho đến khi không thể chịu đựng được nữa mới gửi đơn tố cáo hành vi xâm hại tình dục mà không cung cấp chứng cứ chứng minh có hành vi xâm hại tình dục.

Để giảm thiểu bạo lực tình dục, xử đúng người đúng tội, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đề xuất, nâng cao năng lực và trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân người tham gia phòng, chống bạo lực tình dục; Các Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử lưu động đối với vụ án liên quan đến bạo lực tình dục để phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực tới người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bạo lực tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN