Bí bách khi đi trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu
Mặt đường hẹp, chưa có trạm dừng nghỉ, toàn tuyến cũng không có làn khẩn cấp, chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 - 5km khiến các tài xế lưu thông trên đường cảm thấy bí bách, mất an toàn.
Toàn cảnh tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu với 4 làn xe rộng 17m, tốc độ cho phép tối đa là 90km/h khiến các tài xế cảm thấy bí bách.
Tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. Toàn tuyến dài 50km, trong đó qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài 43,5km.
Điểm đầu tuyến cao tốc tại nút giao với đường Nghi Sơn - Bãi Trành, tiếp nối với đường cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn tại thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và điểm cuối giao với quốc lộ 7, kết nối với đường cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An).
Dự án được thiết kế phân kỳ 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 được xây dựng với quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 17m. Tốc độ tối đa 90km/h và tốc độ tối thiểu là 60km/h. Ở giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc sẽ được nâng lên 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7/2021 với tổng mức đầu tư hơn 7 nghìn tỷ đồng. Sau 24 tháng thi công, tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác từ tháng 9/2023. Sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Theo các tài xế, mặt đường cao tốc nhỏ hẹp nên tốc độ bị hạn chế. Trước đó trên tuyến cao tốc này được hạn chế tốc độ tối đa 80km/h. Tuy nhiên hiện tại tuyến đường đã được nâng lên tốc độ tối đa là 90km/h.
Toàn tuyến không có làn khẩn cấp, chỉ bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 - 5km/1 điểm. Tuy nhiên, theo các tài xế thì điểm dừng khẩn cấp khá hẹp chỉ vừa đủ chiếc xe con đỗ vào.
Bề rộng mặt đường điểm dừng khẩn cấp khá hẹp. Khi những chiếc xe lớn đỗ vào đều bị lấn ra vạch đường cao tốc đang đi, gây nguy hiểm cho chính phương tiện dừng đỗ và các phương tiện đi trên đường.
Các tài xế cho hay, đường cao tốc hiện chỉ có 4 làn, mặt đường khá hẹp nên khi những chiếc xe lớn vượt nhau cảm giác rất mất an toàn.
Tại các điểm nhập vào cao tốc đều có biển cảnh báo, cấm các loại phương tiện đi vào cao tốc và cấm xe có tải trọng hàng trên 10 tấn.
Tuy nhiên, thực tế trên tuyến cao tốc vẫn ghi nhận sự xuất hiện của các loại xe tải trọng lớn, khổ lớn, chiếm trọn toàn bộ làn đường.
Ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trên tuyến có 1 trạm dừng nghỉ được đặt đối xứng hai bên đường tại xã Diễn Đoài (Diễn Châu, Nghệ An). Tuy nhiên hiện các đơn vị đang khẩn trương triển khai quy trình đấu thầu xây dựng.
"Tôi thường nhận chạy chở khách đi Hà Nội. Nhưng cả tuyến từ huyện Diễn Châu (Nghệ An) mãi đến qua tỉnh Thanh Hóa cũng chưa có một trạm dừng nghỉ nào nên đi cảm thấy mệt mỏi, bí bách. Trước khi đi lên cao tốc, tôi thường dặn dò khách đi vệ sinh trước. Nhưng nhiều khi người già, trẻ nhỏ lỡ dọc đường tôi lại phải dừng vào điểm dừng khẩn cấp cho khách đi vệ sinh. Đàn ông thì còn dễ chứ phụ nữ cũng khó xử", tài xế Trần Ngọc Tuấn (trú huyện Nghi Lộc, Nghệ An) chia sẻ.
Không có làn khẩn cấp, không có trạm dừng nghỉ nên khi xe gặp sự cố hay hết xăng đều phải dừng ngay trên làn đường cao tốc đang đi, tiềm ẩn nguy hiểm và nguy cơ cao xảy ra tai nạn liên hoàn.
Dù tuyến cao tốc có hành lang bằng tấm thép cỡ lớn rào bao quanh phía ngoài. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có người, trâu bò xâm nhập sát vào các dãy hộ lan của làn cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Hiện mặt đường tại một số điểm trên tuyến đã xuất hiện tình trạng xói mòn, bong tróc.
Trên nền đường cũng xuất hiện nhiều vệt bánh xe của những trường hợp phanh gấp.
Ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) thừa nhận việc các tài xế bí bách khi đi cả quãng đường dài nhưng chưa có trạm dừng nghỉ trên tuyến. Ông Hải cũng chia sẻ thêm, về vấn đề mở rộng nền đường, làn đường là việc chính đáng, tuy nhiên phải được Quốc hội thông qua. Hiện, mặt bằng đã giải phóng xong, nếu mở rộng đường, xe chạy một bên cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
PGS.TS Vũ Hoài Nam đề xuất cho phép xe vượt tại đoạn hai làn có tầm nhìn tốt, thay vì chỉ bố trí tại điểm bốn làn xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Nguồn: [Link nguồn]