Bí ẩn tộc người vào rừng trốn Cô-vít: Khả năng âm nhạc thiên phú

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Gốc gác người Mày không có họ (sau này theo họ Bác Hồ), không có chữ viết, nhưng họ lại lưu giữ một kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo bằng truyền khẩu, không phải tộc người nào cũng có. Điều bất ngờ là người Mày có thể nhìn bất cứ thứ gì để sáng tác lời cho một bài hát mới trong nháy mắt.

Người Mày yêu quê hương bản quán đến độ có thể hi sinh để giữ gìn Nhìn sự vật, hiện tượng để hát trên nền làn điệu cổ

Người Mày yêu quê hương bản quán đến độ có thể hi sinh để giữ gìn Nhìn sự vật, hiện tượng để hát trên nền làn điệu cổ

Theo ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa bản địa, truyền thuyết người Mày kể rằng: Thần Cu Lôông có trao cho người Khùa cuốn sách viết trên lá, trao quyền cho người Mày cuốn sách viết trên tấm da trâu. Trong một lần đưa cuốn sách da trâu ra phơi nắng, bỗng dưng trời đổ mưa, trong lúc người Mày, anh cả đang mải mê săn bắn, tấm da trâu gặp nước nở ra và bị chó ăn mất. Từ đó người Mày chỉ có tiếng nói riêng mà không có chữ viết riêng. Còn người em thứ, người Khùa vẫn giữ được cuốn sách lá từ đó cho đến nay.

Không biết có phải vì “làm mất chữ viết” nên người Mày lại được trời phú cho một trí nhớ phi thường. Trăm ngàn câu chuyện về diễn tiến lịch sử của mình, đa số người Mày đều nhớ vanh vách, không chỉ riêng đàn ông mà cả phụ nữ và trẻ con đều nhớ. Đặc biệt, người Mày lưu giữ rất nhiều bài vè, điệu hát để dùng trong những điều kiện, hoàn cảnh, không gian khác nhau như: Yêu đương, ru con, đám cưới, đám ma, tự hào quê hương bản quán…

Đến với tộc người Mày, điệu hát mà mọi người dễ dàng bắt gặp nhất là ru con. Lời ru của người phụ nữ Mày trầm mặc, vang vọng từ những ngôi nhà sàn, vừa ấm áp, vừa chất chứa yêu thương. Mỗi lời hát của họ đều bắt đầu bằng chữ “I…í í í…”, đó là đặc trưng của làn điệu hát ru của người Mày. “I…í í í…/ Lầm lét con/ Chớ miệt dút ra/ Lế làm lế cư đo/ Tế chi ăn/ Lầm lét con ơi”. (“I…í í í…/Ngủ đi con/ Cho mẹ đi làm/Lấy cây ngon, lấy quả ngọt/ Để cho mình ăn/ Ngủ đi con ơi… PV). 

Có thể nói, lời trong các bài hát ru con của người Mày là các lắp ghép giản đơn trên nền tảng của làn điệu cũng đơn giản “i…í í í…”. Nhưng điều đặc biệt người ngoài không phải ai cũng biết, đó là lời bài hát ru của người Mày không bất biến. Người phụ nữ Mày có thể nhìn mái nhà để sáng tác ra một bài ru con cho hôm nay, rồi ngày mai họ có thể nhìn cây cối, rừng núi để hát cho con nghe công tích cha ông, hoặc núi rừng quê hương yêu dấu của họ. “Mình nhìn cái gì thấy hay hay là mình hát cái đó cho con nhỏ nghe thôi. Phụ nữ người Mày mình chỉ cần nhớ cách hát (làn điệu. PV), còn lời hát thì tự nghĩ ra mà lắp ghép vô thôi” - chị Y Phăng, một phụ nữ người Mày nói.

Những bà mẹ người Mày có thể nhìn bất kỳ sự vật hiện tượng gì để sáng tác bài hát ru con

Những bà mẹ người Mày có thể nhìn bất kỳ sự vật hiện tượng gì để sáng tác bài hát ru con

Nếu dễ dàng bắt gặp tiếng hát ru của người Mày mỗi khi bước chân vào bản làng của họ, thì tiếng hát của đôi lứa yêu đương lại không phải ai cũng may mắn được nghe. Theo già làng Hồ Khiên, nếu như hát ru của người Mày có giai điệu trầm mặc, ấm áp thì giai điệu của đôi lứa yêu đương thường vui nhộn, trẻ trung. Họ hát theo lối đối đáp, giữa con trai và con gái để tìm hiểu lẫn nhau. Sở dĩ người ngoài ít khi được nghe làn điệu này là do người Mày xem chuyện yêu đương là thầm kín, họ chỉ hát khi đến mùa yêu (mùa trăng), hoặc hai người có ý tứ với nhau bắt gặp nhau bên suối, trên nương rẫy. 

Cũng như hát ru, lời hát yêu đương của người Mày cũng tự sáng tạo trên nền làn điệu cổ. Thường thì người con trai chủ động cất lời trước: “Đi tìm con cá tơm, em ơi/ Bắt được bỏ vào ca dăng, em ơi/Lấy trầu ăn trầu em ơi/Như con chim rừng Lào/ Như con chim nước Nam/ Như con chim miền xuôi, em ơi/ Nằm trên ngọn khe này/ Sang ở ngọn khe kia/ Như con ong với hoa/ Như đá lèn với cây nhúc/ Nay con gà đã gáy sáng rồi/ Dậy mà giã bột chị em ơi”. 

Nếu có lời đáp lại, chắc chắn người con gái đã nhận lời tìm hiểu và người con gái đối lại cũng tình tứ không kém: “Đi tìm con cá tơm anh hỡi/ Bắt được bỏ vào ca dăng hỡi anh/ Lấy trầu ăn trầu, hỡi anh/ Đã chờ đợi nhau/ Chờ đợi đến gặp nhau/ Mang nặng, nắng nóng mấy cũng đi/ Con cá tơm có gọng/ Con chim đỏ mà kêu/ Em cũng nghĩ đến anh hỡi anh/ Kim nhỏ bằng sợi lạt/ Ruột em bằng cái kim/ Mà đi đường trước/ Không dám ngó về sau, hỡi anh ơi”. 

Mặc dù cũng chỉ là những lắp ghép câu từ mộc mạc, nhưng lời hát yêu đương của người Mày cũng không kém phần duyên dáng và ẩn chứa không ít thông điệp. Như hai câu hát cuối của người con gái, cô ấy muốn chuyển tải thông điệp đã phải lòng chàng trai, chia tay về nhà mà không dám ngoái nhìn, bởi nhìn lại sẽ vô cùng thương nhớ. “Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu có”

Người Mày rất tự hào địa vực đã sinh ra và nuôi nấng họ. Với người ngoài, non cao núi thẳm được ví là rừng thiêng nước độc, còn người Mày đó là quê hương bản quán, nơi chôn rau, cắt rốn “giặc đến thì cùng nhau đánh, đánh đến chết mới thôi”.

Vì sao một tộc người nhỏ bé như người Mày lại có một gia tài văn hóa độc đáo đến vậy, điển hình là câu ca điệu hát? Theo già làng Hồ Khiên, tất cả đều xuất phát từ tình yêu quê hương, bản quán, sống chan hoà với thiên nhiên. Những câu ca, điệu hát, lời ru… của người Mày mộc mạc, tự nhiên, đằm thắm nhưng không kém phần triết lí làm nghiêng ngả núi rừng.

Để chứng minh điều đó, già làng Hồ Khiên vừa gõ nhịp, vừa ngân nga hát: “Tôi không đi đâu hết/ Tôi ở núi rừng cha mẹ đã sinh ra tôi/ Núi rừng này cha mẹ đã nuôi tôi/ Dễ kiếm ăn con cá con ốc/ Củ nâu, củ mát, con ong/ Mà nuôi tôi khôn lớn/ Tôi không đi đâu hết/ Không bỏ núi rừng tôi/ Núi rừng tôi dễ kiếm ăn/ Dễ kiếm sản vật/ Tôi nghèo, có rừng quê tôi giàu/ Tôi không tham rừng của họ/ Đi rừng của họ khó kiếm ăn/ Đất rừng bằng ở không quen/ Ốm đau thì không có thuốc men/ Không tiền bạc chạy chữa/ Tôi ở rừng quê tôi/ Ốm đau thì có thuốc men rừng quê tôi/ Lấy cỏ dã về xông/ Tôi không đi đâu/ Tôi ở nơi mẹ cha đã cắt rốn, chôn rau”...(Còn nữa)

Vì sao một tộc người nhỏ bé như người Mày lại có một gia tài văn hóa độc đáo đến vậy, điển hình là câu ca điệu hát? Theo già làng Hồ Khiên, tất cả đều xuất phát từ tình yêu quê hương, bản quán, sống chan hoà với thiên nhiên. Những câu ca, điệu hát, lời ru… của người Mày mộc mạc, tự nhiên, đằm thắm nhưng không kém phần triết lí làm nghiêng ngả núi rừng.

Nguồn: [Link nguồn]

Bí ẩn tộc người vào rừng trốn Cô-vít

Là tộc người thiểu số với dân số hơn ngàn người sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn, ẩn mình trong dãy Giăng Màn,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.N ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN