Bí ẩn rùa đá và sự tích kho báu Vua Hàm Nghi trên núi Hòn Đền
Trên ngọn núi Hòn Đền xuất hiện một phiến đá lớn có hình thù giống như con rùa với nhiều giai thoại kỳ lạ.
Núi Hòn Đền nằm ở mạn Tây 2 ngôi làng cổ là Tô Xá và Hướng Phương thuộc xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Trên đỉnh Chóp Cờ của núi xuất hiện một phiến đá lớn, có hình hài giống con rùa - được người dân bản địa coi như linh vật và thường gọi với cái tên: Cụ Rùa, Rùa Đá hay Rùa Thần.
Bí ẩn rùa đá trên đỉnh Chóp Cờ
Từ trung tâm xã Quảng Phương, men theo đường rừng đi chừng 5km là đến khu vực núi Hòn Đền, từ đây trèo qua 2 quả đồi cheo leo với dốc núi dựng đứng mới lên được đỉnh Chóp Cờ. Trên đỉnh núi là một nơi hoang vắng - nơi xuất hiện rùa đá với nhiều sự tích lạ kỳ.
Rùa đá trên đỉnh Chóp Cờ ở khu vực núi Hòn Đền
Từ xa, phóng tầm mắt, dễ dàng nhìn thấy rùa đá nổi lên trên mặt đất với đầu nhô lên cao, 2 "mai rùa" phủ phục trên mặt đất. Tới gần, thật khó có thể hình dung được tại sao trên đỉnh Chóp Cờ lại xuất hiện một tuyệt tác thiên nhiên giữa rừng núi hoang vu, hẻo lánh mà ít người lui tới.
Không ai biết chính xác hòn đá "khủng" mang hình dáng con rùa xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết từ bao đời nay, người dân địa phương vẫn coi "Cụ Rùa" như một hiện vật tâm linh giữa thiên nhiên hiếm có và gắn với đó là bao truyền thuyết ly kì, đầy bí ẩn.
Ông Trần Văn Nhân (63 tuổi; ngụ thôn Hướng Phương) - kể lúc còn bé ông được nghe ông cha kể về cánh rừng ở Rú Cấm và khu vực núi Hòn Đền - trước kia vốn rất rậm rạp và nhiều thú dữ. Hằng đêm người ta thường nghe những tiếng tru tréo của thú dữ và tiếng chúng di chuyển ầm ầm vọng xuống tận chân núi, thậm chí kéo về làng quấy phá. Nhiều người nghĩ rằng trên cánh rừng có nhiều cọp lớn (hổ - PV) sinh sống nên ít lui tới. Người xưa từng chứng kiến và rỉ tai nhau, nhưng hiện những người còn sống không một ai từng tận mắt thấy bóng dáng của "Chúa Sơn Lâm" ở ngọn núi này.
Đầu rùa nhô cao, xung quanh với nhiều hình thù kỳ lạ
Trái lại, những người liều lĩnh lên rừng đốn củi thì đều nhìn thấy rùa đá nằm án ngữ ngay đỉnh Chóp Cờ giữa núi rừng trùng điệp. Rùa đá trước kia vốn "ẩn mình" dưới bóng cây rậm rạp, sau này người dân lên phát hoang trồng cây thì không gian hiện ra thoáng đảng, tứ bề đều thấy.
Rùa đá khổng lồ này dài chừng 3m, bề ngang khoảng 2m, cao tầm 1,5m - được hình thành từ một khối đá lớn, đầu rùa là phiến đá nhô cao. Xung quanh rùa, nhiều phiến đá nhỏ đã tách rời; người dân thường truyền tai nhau phiến đá này là hóa thạch với dấu tích xưa cũ.
Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa hay tin từng tìm lên núi Hòn Đền để tận mắt chứng kiến rùa đá, chụp ảnh, ghi lại tư liệu nghiên cứu về nguồn gốc của phiến đá kỳ lạ này nhưng không một ai có thể lý giải được. Đến nay đó vẫn như một điều thú vị của thiên nhiên vốn đầy bí ẩn.
Giai thoại "kho báu" Vua Hàm Nghi trên núi Hòn Đền
Từ xa xưa, các bậc cao niên của 2 làng Hướng Phương và Tô Xá đồn đại về thông tin bên trong núi Hòn Đền, gần với rùa đá là một "kho báu" mà Vua Hàm Nghi chôn cất; với vô số vàng, bạc, cổ vật… nhưng đã bị nhóm người lạ mặt từ Huế ra khai quật và lấy đi vào khoảng chừng những năm 80 của thế kỷ trước.
Trên đỉnh Chóp Cờ nhìn xuống là những quả đồi trùng điệp, nay được phát quang để trồng cây
Ông Cao Thanh Sâm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Phương - cho biết ông cũng được nghe kể lại giai thoại Vua Hàm Nghi cùng voi chiến, đoàn tùy tùng hành quân qua khu vực núi rừng Hòn Đền này và nghỉ lại đây một ngày đêm. Sau này nhà Vua bị giặc Pháp bắt và đày sang Algeria, người dân đã lập một đền thờ trên núi tưởng nhớ nhà Vua yêu nước, nên ngọn núi mới có tên là Hòn Đền.
Trong lúc dừng chân tại đây, Vua Hàm Nghi đã trực tiếp chôn cất một kho báu. Nhiều người dân sau khi nghe chuyện đã liên tục đào bới, tìm kiếm nhiều năm ròng nhưng không có kết quả. Toàn bộ bí mật về kho báu này đã vĩnh viễn mất đi, cho đến khi xuất hiện 3 người lạ từ Huế tìm về làng Hướng Phương và tự xưng là các nhà "khảo cổ học" của tỉnh Bình Trị Thiên đến khai quật.
Chuyện kể rằng, 3 người này tìm đến một nhà dân ở thôn Hướng Phương và xin tá túc trong 1 tuần liền để tìm kho báu Vua Hàm Nghi. Ban ngày, họ mang theo cuốc, xẻng, vật dụng và 1 tấm bản đồ đi kiếm kho báu, đến đêm thì về nghỉ lại. Trong tấm bản đồ này, có ghi 3 vị trí ở khu vực Hòn Đền, gồm: cây khế, bụi tre la ngà và một cái giếng cổ; rồi nhờ các bậc cao niên ở làng chỉ điểm vì quen thuộc địa hình.
Khu vực Hòn Đền ngày nay - bên trong còn nhiều điều bí ẩn về sự tích kho báu Vua Hàm Nghi
Khu vực núi Hòn Đền - nơi được cho là có dấu tích về kho báu mà Vua Hàm Nghi chôn cất
"Đến một ngày, họ dựa theo tấm bản đồ đã liên tục đào bới và tìm được kho báu, họ đã cất vào 3 cái bao lớn rồi lặng lẽ rời đi trong đêm, không còn trở về nhà dân lấy đồ đạc mà họ để lại. Kỳ lạ, nếu không phải là người trực tiếp chôn giấu hoặc con cháu của họ, thì người ngoài cuộc có tấm bản đồ trong tay cũng không thể xác định nổi vị trí và đào bới đúng chỗ để lấy kho báu đó được..." - ông Sâm nói về nghi vấn.
Sau khi 3 người lạ mặt rời đi, nhiều người dân ngày đêm vào núi Hòn Đền để săn lùng đào bới với hi vọng dựa theo những dấu vết để kiếm những gì còn sót lại. Tuy nhiên họ chẳng tìm thấy gì, ngoài đống đất đá; hầu hết những cuộc tìm kiếm khá mơ hồ, nhuộm màu giai thoại và không có cơ sở.
Cho đến nay, xung quanh khu vực núi Hòn Đền và rùa đá, thỉnh thoảng người ta lại phát hiện nhiều cái hố lớn, bị đào sâu và nhiều người cho đó là dấu tích có vẻ như là sự hiện diện của kho báu này. Đặc biệt, hiện vẫn còn con suối Khe Voi ở núi Hòn Đền - được cho là voi chiến của Vua Hàm Nghi từng xuống đó uống nước.
Rùa đá "dịch chuyển" và giai thoại về những ngôi làng phát quan
Theo các bậc cao niên, rùa đá từng là một phiến đá nguyên khối dài đến 5m, cao và rộng tới hơn 2,5m. Tuy nhiên kỳ lạ, dần dà diện tích rùa bị ngắn và nhỏ lại theo thời gian. Từ xưa tới nay, người dân bản địa cũng từng đồn đại về câu chuyện phong thủy, tâm linh về việc: "Đầu rùa đá chỉ về hướng ngôi làng nào thì ắt làng đó sẽ có người đỗ đạt, làm quan to...".
Nhiều người đồn rằng, rùa đá rất tâm linh, đầu rùa "dịch chuyển" về hướng nào thì ắt ngôi làng đó sắp tới sẽ có nhiều người đỗ đạt, làm quan
Ban đầu, dân gian đồn rằng đầu rùa chỉ về hướng Bắc - hướng khu vực Trung Thuần (nay thuộc 2 xã Quảng Lưu và Quảng Thạch) - sau đó xuất hiện vị quan lớn dưới thời nhà Nguyễn là Nguyễn Hàm Ninh (1808 - 1867) học giỏi nức tiếng thời bấy giờ. Ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương lúc mới 23 tuổi, được Vua Minh Mạng bổ nhiệm giữ chức Tôn nhân phủ Chủ sự; sau làm Lang trung Bộ Lễ, rồi Án sát tỉnh Khánh Hòa và là một danh sĩ trong lịch sử Văn học Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn.
Sau này, có lời đồn đầu rùa "bổng dưng" lại dịch hướng chuyển về phía Đông hướng về chính diện giữa 2 làng Tô Xá, Pháp Kệ của xã Quảng Phương, ngôi làng này sau đó cũng có nhiều người đỗ đạt, giữ chức vụ cao cấp của tỉnh Quảng Bình. Rùa cũng từng đồn chuyển hướng Đông - Nam về làng Hướng Phương - nơi có một số lãnh đạo trong bộ máy chính quyền huyện Quảng Trạch...
Còn nhiều giai thoại khác về sự kỳ bí của "Cụ Rùa". Hiện nay, dưới bụng rùa đá có sự bôi trét bởi xi măng - mà theo nhiều người có thể có sự "can thiệp" của bàn tay con người cố ý dịch chuyển hướng rùa nhằm mang lại vượng khí cho ngôi làng mình sống.
Vào những ngày Tết, một số người dân địa phương vào thăm rùa đá, họ coi những phiến đá như một linh vật tín ngưỡng giúp người dân được mưa thuận gió hòa, mùa màng không bị thất bát. Họ thắp hương, tham quan rùa đá đến khi hương tắt cháy mới ra về.
Nguồn: [Link nguồn]
Cụ Trần Văn Tiệp (Phú Nhuận, TP.HCM) đã bỏ hàng nghìn cây vàng và công sức tìm kiếm kho báu chứa 4.000 tấn vàng trên núi...