Bí ẩn những con tàu cổ: Hòn Cau dậy sóng vì "kho báu"
Cuộc khai quật con tàu đắm ở vùng biển Hòn Cau, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách nay gần 30 năm cũng là cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước đầu tiên tại Việt Nam
Theo TS Nguyễn Đình Chiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chuyên gia khảo cổ học dưới nước hàng đầu và là người trực tiếp tham gia trục vớt tàu cổ ở Hòn Cau - con tàu đắm này được khai quật trong 2 năm 1990 - 1991. Các nhà khoa học, chuyên gia đã tìm thấy hơn 60.000 hiện vật, hầu hết là gốm sứ Trung Quốc có niên đại nửa sau thế kỷ XVII.
Câu mực trúng… đồ cổ
Người phát hiện con tàu cổ ở Hòn Cau được cho là ông Lê Văn Son, một ngư dân sống tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mấy đời nhà ông Son đều đi biển đánh lưới vây, đến lượt mình thì ông chọn nghề câu mực cho nhẹ nhàng.
Cổ vật được tìm thấy từ con tàu đắm ở vùng biển Hòn Cau Ảnh: YẾN ANH
Ông Son từng nhiều lần kể lại rằng vào năm 1989, ông cùng nhóm bạn ngư dân trong một lần ra Hòn Cau câu mực đã phát hiện một vùng biển yên ả. Bằng kinh nghiệm của mình, ông quyết định buông câu vì cho rằng nơi đây nhất định có nhiều mực. Đúng như vậy. Liên tục nhiều chuyến ra biển đều trúng đậm, nhóm ngư dân bắt đầu nghi ngờ bên dưới lòng đại dương có gì đó khác thường mới thu hút hải sản tập trung nhiều đến vậy.
Để tìm lời giải, nhóm ngư dân quyết định cử người lặn thám sát. Kết quả là dưới đáy biển không hề có rạn san hô như tưởng tượng của họ. Thay vào đó, các ngư dân phát hiện xác một con tàu cổ vùi sâu dưới bùn cát, bên trên vương vãi nhiều món đồ sành sứ.
Trong vài lần lặn đầu tiên, nhóm ngư dân vớt lên được 2 giỏ cần xé đồ sành sứ, hầu hết là chén, dĩa, bình trà, bình bông... Họ đem về chia nhau và cho người thân, hàng xóm.
Những món đồ gốm, sứ tưởng như tầm thường ấy sau đó đã được giới săn lùng đồ cổ từ TP HCM nghe tin tìm xuống thu gom. Từ đó, nhóm ông Son bắt đầu tìm hiểu những món đồ từ Hòn Cau đem về có giá trị như thế nào. Họ hoàn toàn sửng sốt khi biết đó là những cổ vật quý giá. Nhiều món như dĩa, chóe, bình trà... có giá trị lên đến vài lượng vàng.
Những món đồ cổ quá giá trị đã khiến ngư dân địa phương lao vào cuộc tìm kiếm, làm vùng biển Hòn Cau một phen dậy sóng. Tin tức về "kho báu" Hòn Cau ngày càng lan rộng. Sau đó, ông Son đã báo với Đồn Biên phòng 500 ở Long Hải về con tàu đắm.
Vén màn bí mật hàng trăm năm
Từ đó, cơ quan chức năng mới biết được vị trí con tàu cổ đắm ở Hòn Cau để tiến hành thăm dò, trục vớt. "Con tàu cổ này nằm sâu dưới 40 m nước và khuất dưới lớp cát 0,6-1 m, cách hòn đảo Hòn Cau khoảng 15 km" - TS Nguyễn Đình Chiến nhớ lại.
Cuộc khai quật được tiến hành bởi các chuyên gia, nhà khoa học từ Bộ Văn hóa - Thông tin, Xí nghiệp Trục vớt cứu hộ - Bộ Giao thông Vận tải (Visal) và Công ty Hallistrom Holdnys Oceanic của Thụy Điển.
Xác định chính xác niên đại các hiện vật, chủ nhân con tàu đắm ở vùng biển Hòn Cau cũng như hải trình, thời gian nó gặp nạn là một việc không hề dễ dàng. Thế nhưng, nhờ vào những đồng tiền cổ niên hiệu Khang Hy và các nghiên mực hình chữ nhật có chữ Hán "Canh Ngọ niên" thu được trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã xác định được niên đại cũng như xuất xứ các món đồ gốm sứ trên con tàu đắm. Cụ thể, chúng thuộc dòng sản phẩm của lò gốm sứ nổi tiếng Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây - Trung Quốc, sản xuất năm 1690. Một số vật dụng có chữ Hán như các loại đồng tiền Vạn Lịch thông bảo (1573-1619), Thuận Trị thông bảo (1644-1671), Khang Hy thông bảo (1662-1722) cũng là những tiêu chí rất quý, giúp giới khoa học xác định niên đại cổ vật và chủ nhân chiếc tàu.
Theo TS Nguyễn Đình Chiến, tàu cổ chìm ở Hòn Cau xuất phát từ một thương cảng nào đó ở miền Nam Trung Quốc để hành trình đến một quốc gia châu Âu xa xôi. Nhiều hàng hóa kiểu dáng phương Tây như súng thần công, đồng hồ cát hiện diện trên tàu khiến người ta liên tưởng đến vị thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn là người châu Âu. Tuy nhiên, với phần lớn vật dụng sinh hoạt mang theo, dùng vào việc nấu nướng, bếp núc hoặc đồ dùng thiết thân của thủy thủ đoàn, các nhà nghiên cứu đi tới khẳng định: đây là tàu buôn Trung Hoa.
"Một phần gỗ mạn tàu tìm thấy có dấu vết cháy còn than cho phép người ta dự đoán con tàu chìm do hỏa hoạn bất ngờ. Việc không tìm thấy hài cốt của người nào trong lớp cát phủ trên boong và buồng tàu hoặc quanh di tích đã khoanh vùng nên có khả năng tàu cháy chậm, thủy thủ may mắn được cứu thoát vào bờ, bỏ lại sau lưng hàng hóa chìm dưới nước" - TS Chiến nhận định.
Cổ vật triệu đô Trong số 63.856 hiện vật thu được từ con tàu cổ ở Hòn Cau có 28.556 món đồ gốm, 34.710 đồ sứ, 70 đồ đá, 448 đồ đồng, 18 đồ gỗ... Theo các chuyên gia ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đồ gốm tập trung vào hai nhóm chính: Tráng men (đĩa, bát, hũ…) và không tráng men (ấm, vò, hũ, nồi, âu, đĩa đèn, bếp lò, gạch...); còn đồ sứ gồm các loại: sứ trắng, sứ men trắng, sứ hoa lam, sứ nguyên vẹn (Chu Viên), tượng Quan Âm, tượng Kim Đồng Ngọc Nữ, Tô Vũ chăn dê, tượng thỏ - rồng - cua… Các chuyên gia cho rằng tạo nhiều cảm xúc cho người xem và có giá trị nghệ thuật hơn cả là loạt tượng về những nhân vật trong giới võ lâm với mấy chục tác phẩm, mỗi người một động tác, thể hiện tâm tư, tình cảm rất khác nhau. "Có thể đó là loạt tượng về các sư tổ Thiếu Lâm, các vị La Hán nhập thế, các võ sư xuất thế… Cũng có thể chúng thể hiện "thông điệp" nào đó nếu để toàn bộ các tượng theo thứ tự nhất định" - một chuyên gia nhìn nhận. Sau khi khai quật con tàu cổ ở Hòn Cau, những bộ sưu tập tiêu biểu với nhiều độc bản được lựa chọn đưa về giữ tại các bảo tàng. Số còn lại gồm 18 loại với 28.000 món được quyết định đưa ra thị trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam bán đấu giá cổ vật ở nước ngoài, thu được tổng cộng 6,7 triệu USD. |
Căn nhà gốm sứ của “lão gàn” nổi bật hơn những căn nhà khác bởi bao quanh nó toàn là bát đĩa.