Bí ẩn những bảo vật, di sản quốc gia: Bảo vật chùa Phật Tích

Sự kiện: Thời sự

Pho tượng Phật A Di Đà là di vật có giá trị nhất được lưu giữ từ thời Lý, chuẩn mực về điêu khắc tượng.

Trải qua những biến động thăng trầm của một ngàn năm lịch sử nhiều biến cố, bức tượng A Di Đà bằng đá xanh trong chùa Phật Tích (thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là một bảo vật có sức sống vô cùng mãnh liệt, vẫn trường tồn với thời gian.

Sức sống mãnh liệt của pho tượng cổ

Theo các tài liệu sử sách, chùa Phật Tích (trước đây có tên gọi Vạn Phúc) được vua Lý Thánh Tông khởi dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một ngôi tháp cao. Ngôi chùa được coi là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo lớn bậc nhất đương thời với "cây tháp quý cao ngàn trượng, tạc pho tượng mình vàng cao 6 thước".

Bí ẩn những bảo vật, di sản quốc gia: Bảo vật chùa Phật Tích - 1

Tượng A Di Đà là pho tượng Phật xưa nhất được xác định niên đại - Ảnh: VI PHONG

Khi ngôi tháp bị đổ (khoảng thế kỷ XV), pho tượng bị vùi trong đống gạch vụn. Đến mãi cuối thời Hậu Lê (1676 -1705) khi dựng lại ngôi chùa trên núi Tiên Du, người ta mới tìm thấy pho tượng. Đến năm 1816 thời vua Thiệu Trị, ngôi chùa được trùng tu một lần nữa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị đốt để tiêu thổ kháng chiến. Toàn bộ khối kiến trúc "nội công ngoại quốc" của ngôi chùa dựng vào thời Hậu Lê bị phá hủy hoàn toàn. Tượng Phật vẫn còn nhưng sức nóng của lửa đã làm vôi hóa bề mặt chuyển màu tượng từ xanh đen sang xám trắng. Rồi trong những cuộc giao tranh, đạn pháo của quân Pháp đã bắn trúng làm bức tượng tưởng như bị hủy diệt: đầu gãy, ngực vỡ, thân, bệ lăn lóc nhiều năm ngoài bãi cỏ. May mắn, đầu tượng được một cụ già trong làng cất giấu, đến khi hòa bình lập lại mới mang ra để nhà nước phục chế. Bức tượng quý nay đã được hàn gắn lại tương đối đúng với vóc dáng khi xưa, chỉ còn vài khiếm khuyết như đầu tượng gắn hơi ngửa ra sau, bệ tròn sư tử chưa lắp, hai tai và một số chi tiết đã mất hẳn.

Theo nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc, các nhà nghiên cứu có những kiến giải khác nhau về tên gọi (pháp hiệu Phật), nhưng tên gọi Phật A Di Đà là pháp hiệu phổ biến, quen thuộc khi mọi người nhắc đến pho tượng Phật tại chùa Phật tích. Pháp hiệu này được nhắc đến đầu tiên trong cuốn sách "Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam" (1944) và sách "Nghệ thuật Việt Nam" (1954) của học giả người Pháp L. Bezacier khi ông khai quật ngôi chùa khoảng năm (1937 - 1940) dựa vào vị trí đặt pho tượng. Tuy nhiên, cách bài trí tượng thờ khi ông Bezacier đến khảo cứu và khai quật là Phật điện được xây dựng thuộc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Trước đó, học giả Trần Trọng Kim đã đến đây tìm hiểu và gọi tên là tượng đức Phật Thế Tôn (tức Thích Ca Mâu Ni). PGS-TS Trần Lâm Biền cũng có chung quan điểm này.

Cho đến nay, di vật có giá trị nhất còn được lưu giữ lại từ thời Lý là pho tượng Phật A Di Đà với biệt danh "Pho tượng Phật xưa nhất được xác định niên đại". Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định tượng Phật A Di Đà là hiện vật lịch sử gắn liền với đạo Phật Việt Nam từ thời kỳ rất sớm. Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Phật giáo nói riêng và nền tạo hình Việt Nam nói chung

Tuyệt tác điêu khắc

Theo các chuyên gia, tượng Phật A Di Đà thời Lý không chỉ là một hiện vật tôn giáo mang ý nghĩa lịch sử quan trọng mà còn là một tuyệt tác về điêu khắc tượng tại Việt Nam với những giá trị về mặt tạo hình độc đáo. Đây là tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, một chuẩn mực về điêu khắc tượng tại Việt Nam xưa và nay.

Theo nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc, pho tượng chùa Phật Tích mang giá trị nghệ thuật độc đáo mà các nhà nghiên cứu mỹ thuật thường lấy điểm rơi cho phong cách điêu khắc thời Lý là phong cách Phật Tích. Đức Phật tọa thiền định kiểu kiết già, tay kết ấn Tam Muội, thân tượng hướng hơi nghiêng về phía trước. Tạo hình cân đối giữa phần thân và đầu tượng theo sát tỉ lệ "tọa tứ lập thất" (đầu chiếm 1/4 thân ngồi và chiếm 1/7 thân đứng) tượng có dáng dấp trẻ tuổi và thanh thoát. Pho tượng toát lên một vẻ đẹp nữ tính đầy viên mãn và huyền bí. Đầu tượng có Nhục kế (Ushnisha), búi tóc nổi cao dạng bát úp. Tượng mặc pháp y 2 lớp, bên ngoài thân được vận thêm một lớp áo mỏng (phủ từ vai ra phía sau lưng) các nếp áo chạy lan tỏa theo thân thể xuống đùi ôm sát thân, biểu lộ phần khối thân mềm mại theo phong cách điêu khắc của trường phái "Gandhara". Kiểu thức tạo nếp áo những dải song song chạy lan tỏa này mang đậm ảnh hưởng của phong cách tạo tượng truyền thống Ấn Độ rất rõ nét.

Nhưng xét vào bối cảnh lịch sử tư tưởng và nghệ thuật Phật giáo thời Đại Việt thì pho tượng chùa Phật Tích lại phản ánh những dấu ấn tạo hình gần gũi hơn với phong cách tạc tượng thời Đường (thế kỷ VII - IX, Trung Quốc). Điều này, ít nhiều được thể hiện qua hình thể với những mảng khối phẳng dẹt mềm mại của thân hình và sự uyển chuyển nhịp điệu đều đặn của đường nét là các nếp áo chạy lan tỏa xung quanh.

Vẻ đẹp của thân tượng có những nét tương đồng với phong cách tạo tượng Champa đương thời, tướng thanh thoát, bờ vai nở, bụng thon mềm mại. Dù tiếp thu mạnh những nét tạo hình của điêu khắc thời Đường (Trung Quốc) và Champa nhưng về cách thức mặc vận Pháp y, dựa vào chi tiết nút thắt áo (lớp trong) ở phần bụng và phía sau lưng của pho tượng thì là nét tạo hình đặc trưng của điêu khắc Đại Việt.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích, nhận định tượng Phật A Di Đà mang phong cách nghệ thuật đặc trưng của thời Lý, trong mối giao lưu, tiếp biến văn hóa với các trường phái của Ấn Độ và trường phái Lục Triều, Trung Quốc. "Đó là trường phái nghệ thuật Phật Tích, bởi sự lan tỏa của nó trong văn hóa Việt Nam" - Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.

10 linh thú bảo vật quốc gia

Ngoài bảo vật quốc gia - tượng Phật A Di Đà, chùa Phật Tích còn nổi tiếng với tượng 10 linh thú được công nhận bảo vật quốc gia đợt 6, năm 2017. Tượng 10 linh thú gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa tam bảo. Mỗi linh thú cao khoảng 1,2 m, dài 1,5-1,8 m và đều được đặt trên bệ đá hoa sen dài 1,7 m, rộng 0,8 m và cao 0,36 m. Mặt trên của bệ đá tạc nổi hình tròn trang trí những cánh hoa sen cách điệu, mặt bên chạm nổi hình dàn nhạc công đang biểu diễn. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối (trừ trâu). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết mộng. Mình của một số con thú được chạm văn mây, móc nối mềm mại.

-------------

Đón đọc kì tiếp theo: "Bí ẩn những bảo vật, di sản quốc gia: Bộ kinh cổ nhất Việt Nam" vào lúc 0h30 ngày 29/1.

Bí ẩn những bảo vật, di sản quốc gia

Dân gian lưu truyền khi quay được tòa cửu phẩm liên hoa trong nhà phẩm ở chùa Giám sẽ gặp may mắn, bình an

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN