Bí ẩn những bảo vật, di sản quốc gia: Ấn vàng, ngọc tỷ - Biểu trưng quyền lực
Trong suốt gần nửa thế kỷ, rất ít người biết đến sự tồn tại của bộ ấn vàng, ngọc tỷ
Trong 143 năm tồn tại, nhà Nguyễn luôn coi ấn tín biểu thị cho quyền lực tối cao, là báu vật của quốc gia.
Ấn vàng truyền quốc
Ấn làm từ vàng, bạc gọi là kim bảo. Ấn làm bằng ngọc gọi là ngọc tỷ. Một trong những bảo vật hoàng cung mang giá trị vô cùng đặc biệt là ấn vàng "Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trần chi bảo" được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2016, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Ấn đúc bằng vàng, mặt hình vuông, núm hình kỳ lân. Lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán "Kê bát thập kim, lục hốt tứ lạng tứ tiền tam phân, Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo". Mặt ấn đúc nổi 9 chữ triện "Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trần chi bảo" (ấ́n trấn thủ vĩnh viễn của Chúa Nguyễn nước Đại Việt).
Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trần chi bảo”
Theo TS Phạm Quốc Quân, thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam, ấn này do Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725), vị chúa thứ 6 trong 9 đời Chúa Nguyễn, cho đúc. Các chuyên gia lịch sử cho rằng sở dĩ ấn không có hình rồng mà thay thế bằng hình kỳ lân vì nhà Lê vẫn là chủ thiên hạ (từ 1427-1789) dù thực quyền nằm trong tay Chúa Trịnh. Đây là thời kỳ đất nước chia 2, lấy sông Gianh làm ranh giới. Bắc sông Gianh là Đàng Ngoài, theo chế độ Lưỡng đầu chế, với cung Vua, phủ Chúa. Nam sông Gianh thuộc Chúa Nguyễn cai quản, biến đất phương Nam thành lãnh địa, nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, luôn là một đối trọng với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, vua Lê đã ban cho ông chức vụ chính danh là Tổng trấn Tướng quân, trao trấn tiết, ấn tín riêng. Chiếc ấn Tổng trấn Tướng quân được dùng để đóng lên các văn bản cao nhất thời bấy giờ của xứ Đàng Trong. Trải qua 5 đời Chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Trăn, lập vương phủ vẫn dùng ấn tín vua Lê ban.
Đến thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, ông đã sai người đúc chiếc ấn "Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo". Các đời Chúa Nguyễn sau này đều lấy đó làm quốc bảo.
Năm 1775, cuộc phân tranh cuối cùng giữa 2 nhà Trịnh - Nguyễn nổ ra, chấm dứt hơn 200 năm chia cắt nước Đại Việt thành 2 xứ Đàng Trong, Đàng Ngoài. Bị quân Trịnh và quân Tây Sơn giáp công hai phía, Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải mang gia quyến chạy vào Nam. Ông mang theo chiếc ấn vàng, sau này để lại cho Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh (tức Nguyễn Ánh). Năm 1777, Nguyễn Ánh thoát nạn truy diệt của nhà Tây Sơn, phải trốn chạy khắp nơi để bắt đầu cuộc chiến kéo dài 25 năm gầy dựng lại cơ nghiệp của dòng tộc. Trong 25 năm ấy, chiếc ấn vàng theo Nguyễn Ánh lưu lạc khắp nơi, qua nhiều binh biến, từng vượt biển tới tận Thái Lan, nhiều lần mất đi rồi lại tìm thấy. Năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, kim bảo này trở thành báu vật truyền ngôi chính thức. Đây cũng là bảo ấn truyền quốc qua các đời Vua Nguyễn sau này.
Bảo quản đặc biệt
Ấn ngọc "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ" được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 6 (2017). Đây là ngọc tỷ quan trọng bậc nhất trong bộ sưu tập bảo vật của triều Nguyễn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Theo sử cũ ghi chép lại, vào năm Thiệu Trị 6 (1846), có người dân làng dâng lên vua Thiệu Trị một viên ngọc cực lớn - vốn là sản phẩm của núi ngọc ở Hòa Điền, Quảng Nam. Nhà vua mừng rỡ liền sai quân hữu tư giũa mài thành ngọc tỷ, một năm sau thì xong. Đó chính là "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ".
Ngọc tỷ “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ” - Ảnh: PHƯƠNG HOÀNG
Đây là ngọc tỷ thứ ba của Vua Thiệu Trị (trước đó là Thần hàn chi tỷ và Đại Nam hoàng đế chi tỷ), cũng là ngọc tỷ quý và lớn nhất trong bộ sưu tập bảo vật triều Nguyễn. Bản thân nhà vua làm lễ đại tự cho khắc chữ trên mặt ngọc tỷ này không chỉ dùng trong đại lễ tế giao hằng năm ở Đàn Nam Giao (kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ. Việc "Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ" được dùng đóng trên văn kiện ngoại giao quốc tế, ban sắc thư cho nước ngoài được đánh giá là đầy ý nghĩa và tầm quan trọng của nó đã vượt ra ngoài tính chất nội trị, vươn tới tầm quốc tế, đồng thời biểu thị tư tưởng quốc gia độc lập và ý thức tự hào dân tộc.
Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngọc tỷ đã được Bộ trưởng Bộ Lao động thay mặt Chính phủ Cách mạng Lâm thời tiếp nhận từ Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe. Sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại, bảo vật này đã được chuyển ra Hà Nội.
Tháng 12-1946, khi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, các bảo vật được đem đi bảo quản, cất giữ ở Liên khu 5. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chúng mới được đưa về Bộ Tài chính quản lý và đến năm 1959 bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) lưu giữ.
Ít người biết, để bảo đảm an toàn cho bộ sưu tập bảo vật, năm 1962, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã gửi bộ sưu tập này sang Ngân hàng Nhà nước lưu giữ theo chế độ đặc biệt. Tới năm 2007, sau khi Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xây dựng kho bảo quản đặc biệt, lắp đặt trang thiết bị bảo đảm an ninh thì bộ sưu tập này được bàn giao để đơn vị này lưu giữ, bảo quản và phát huy.
Kế thừa, thống nhất giang sơn Theo TS Phạm Quốc Quân, việc Chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn dùng ấn mang niên hiệu thời Lê làm ấn truyền quốc chứng tỏ tính kế thừa về sự thống nhất giang sơn. Các chuyên gia cũng cho rằng chiếc ấn là vật nối 2 giai đoạn lịch sử huy hoàng thời Chúa Nguyễn với sự khởi đầu vương triều mới, như một sự khẳng định về việc vương quyền sẽ được tiếp nối dài lâu. |
Trong 24 hiện vật, nhóm hiện vật vừa được chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia 2017, thì có 3 hiện vật...