Bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn: "Không có chuyện bắt được rồi giấu ở đâu"
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - cho biết, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp để áp dụng các biện pháp nhằm cố gắng truy bắt bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chứ “không có chuyện bắt được rồi giấu ở đâu”.
Chiều 10/5, Ban Nội chính Trung ương tổ chức thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trả lời câu hỏi của báo chí về tiến độ điều tra, xử lý 3 vụ án Vạn Thịnh Phát, AIC và vụ Việt Á, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Với vụ Việt Á, các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, đây là vụ án xảy ra từ Trung ương đến địa phương nên phức tạp, thời gian kéo dài.
Do đó, trong cuộc họp sáng nay, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất cho lùi thời hạn kết thúc điều tra trong quý II/2023, ban hành cáo trạng truy tố, xét xử trong quý III/2023.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội Chính Trung ương
Đối với hai vụ án còn lại là Vạn Thịnh Phát và AIC, đã yêu cầu các cơ quan tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo thời hạn.
Riêng đối với bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, các cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp để áp dụng các biện pháp nhằm cố gắng truy bắt. “Hiện đã đưa vụ án ra xét xử, từ bị can chuyển thành bị cáo và giờ đã chuyển thành bị án, tức là người đã có bản án nên trách nhiệm của bị án phải thi hành. Nhà nước ta cũng quyết tâm thi hành. Giờ chưa bắt được chứ không có chuyện bắt được rồi giấu ở đâu”, ông Yên nêu rõ.
Với vụ án đăng kiểm, ông Yên cho biết, vi phạm diễn ra liên tục, liên quan đến nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau. Giá trị tiêu cực ở đây tính bằng tiền không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn. "Vấn đề là xử lý như thế nào để không ảnh hưởng đến đăng kiểm cho phương tiện giao thông của tổ chức, người dân và không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường trong lưu thông, phát triển kinh tế xã hội", ông Yên nói.
Vì thế, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất giao các cơ quan chức năng ngồi lại với nhau bàn bạc, thống nhất chủ trương phân hoá xử lý các đối tượng có liên quan. “Làm sao bảo đảm người cần xử thì xử và người không cần thiết xử lý hình sự thì xử lý bằng biện pháp khác”, ông Yên nói và cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo đã giao các cơ quan Trung ương và Viện KSND Tối cao tiếp tục là cơ quan chủ trì để nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế này.
Dù đang bỏ trốn, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC, vẫn được luật sư "kháng cáo thay" bản án sơ thẩm 30 năm tù đã bị tuyên khi...
Nguồn: [Link nguồn]