Bí ẩn ngôi làng 10 năm đàn ông không ai lấy được vợ

Sự kiện: Quảng Nam

Nổi tiếng là ngôi làng đẹp, Bản Aur giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đang đối mặt với câu chuyện hết sức thời sự: Hầu hết trai làng đều “ế vợ”.

Ông Bhling Mia (Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) dẫn đầu đoàn công tác của huyện vào làng Aur khảo sát, mở đường

Ông Bhling Mia (Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) dẫn đầu đoàn công tác của huyện vào làng Aur khảo sát, mở đường

Làng du canh, “nhìn mặt đặt tuổi”

Để giải quyết thế cô lập của làng Aur, thời gian qua, UBND huyện Tây Giang đã có chủ trương xây dựng đường giao thông vào làng Aur, tuy nhiên, vì khó khăn trong việc huy động nguồn vốn nên chưa thể thực hiện được. Việc đường sá khó khăn, cách trở khiến cho trai làng khó lấy được vợ là điều dễ hiểu.

Ông Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang

Từ trung tâm xã A Vương (Tây Giang, Quảng Nam), muốn vào làng Aur (xã A Vương) nằm sâu hun hút trong khu rừng già thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La - Bạch Mã, chúng tôi phải mất cả ngày cuốc bộ trên con đường mòn nhỏ “như sợi chỉ” vắt qua rừng núi trập trùng, hiểm trở.

Nhưng vừa đặt chân vào làng, khung cảnh bình yên, trong trẻo hiển hiện. Già làng A Lăng Jeng niềm nở, ra tận đầu bản đón khách. Già Jeng bảo: “Cả làng có 24 hộ dân, 150 nhân khẩu, với 100% là người đồng bào dân tộc Cơ Tu nên có khách là biết ngay. Lạ nỗi, đây là bản làng hiếm hoi duy trì phong tục truyền thông du cư, du canh, từng sống biệt lập với cộng đồng”.

Theo các vị cao niên, Aur từng sinh sống ở thượng nguồn sông Hương phía Thừa Thiên - Huế. Sau giải phóng năm 1975, với những thay đổi về địa giới, địa chính của các địa phương Huế, Quảng Nam, làng Aur vẫn bám trụ vùng cao, sống biệt lập miền xuôi và có những năm tháng dài tưởng chừng bị “bỏ quên” trên bản đồ hành chính.

Bên bếp lửa bập bùng dưới mái nhà Gươl, già làng A Lăng Jeng kể, một trong những “làng cũ” của Aur ở tận Pà Xuông (bây giờ thuộc xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Việc di cư mang theo những câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong thần thoại. Theo già Jeng, hồi ở làng cũ, lũ trẻ con trong làng chơi trò “lễ hội đâm trâu”. Một em bé đóng giả làm con trâu, bị trói vào cột. Lũ trẻ chạy về hỏi bà mụ trong làng: “Bà có ăn thịt trâu không?” khi trò chơi đang tiếp diễn. Bà mụ trả lời “có” và lũ trẻ “đâm trâu” thật, rồi chúng cắt phần thịt mang về cho bà mụ. Cả làng chìm trong tang thương.

Già làng họp quyết dời làng đi chỗ khác để quên đi sự việc đau thương kia. Cứ thế, một nửa dân làng thẳng hướng núi Aur. Một nửa tách đường ngược dốc Gió (xã Sông Kôn, Đông Giang) sang huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) lập làng. “Về làng mới được mấy năm, làng Aur lại dời đi vì cái “chết xấu”. Đến vùng đất mới, cái nghèo, cái đói cứ mãi đeo đuổi. Người Aur tiếp tục trải qua thêm 2 lần dời làng nữa. Mỗi lần dời, mỗi lần đi sâu vào rừng và làng Aur mới định hình như bây giờ”, già làng Jeng nhớ lại.

Nơi thượng nguồn của dòng A Vương, làng Aur vốn xây dựng trong cảnh không có điện, đường, trường, trạm y tế; “miễn cảm” với chuyển biến của thế giới văn minh, công nghệ. Dân bản không có sóng phát thanh, truyền hình… Phải đến sau năm 2000, khi thành lập huyện mới Tây Giang, Quảng Nam, huyện này mới phát hiện lại Aur và nâng từ làng hoang sơ, thành đơn vị thuộc xã A Vương…

Nhắc về chuyện này, ông ARất Blúi, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang còn nhớ: Hồi tìm ra Aur lúc vào làng để làm thủ tục giấy tờ cho bà con, cán bộ ngành tư pháp huyện Tây Giang gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhiều người già trong làng chẳng nhớ mình sinh năm nào, bao nhiêu tuổi… chính vì thế, cán bộ cứ nhìn mặt, nhìn dáng người mà đoán tuổi làm giấy khai sinh. Cụ nào có râu, tóc bạc, da nhăn nheo thì đồng loạt trên 60 tuổi, tóc còn xanh, dáng đứng còn thẳng thì 30, 40 tuổi. Cứ lấy tuổi chẵn làm mốc. Rồi làm giấy đăng ký kết hôn, kê khai hộ tịch, hộ khẩu, cứ đếm người trong gia đình mà làm sổ… “Làng thay đổi nhiều, nhưng giữ nét du cư, sống biệt lập giữa núi rừng. Hễ có khách, cả làng đều nấu ăn đãi khách…”, ông Blúi nói.

Nỗi lo trai làng ế vợ

Gần 10 năm qua, làng Aur chưa có ai cưới được vợ

Gần 10 năm qua, làng Aur chưa có ai cưới được vợ

Hướng đôi mắt về dãy rừng trập trùng, giọng già làng Jeng kể, hiện nay, làng Aur vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường giao thông vào làng, cuộc sống tự cung tự cấp. Nhưng nỗi lo của làng Aur bây giờ không phải là “cái ăn, cái mặc”, mà lo chuyện “dựng vợ, gả chồng” cho con cháu. Gần 10 năm nay, cả làng Aur chưa có đứa con trai nào lấy được vợ. Nhà nào có con gái đều gả chồng xa. Giờ làng Aur toàn là người già, lớn tuổi. “Với người Cơ Tu, khi bước sang tuổi 18, con trai đã tính chuyện lấy vợ, vậy mà giờ đây có cả chục trai làng đã trên dưới 30 tuổi rồi mà vẫn không lấy được vợ. Người Cơ Tu không được lấy vợ trong làng, không lấy vợ cùng họ nên chuyện lấy vợ của thanh niên trong làng còn khó hơn việc tìm đường lên trời…!”, già làng A Lăng Jeng nói.

A Lăng Úy, một trai làng Aur 28 tuổi chia sẻ, cách đây 2 năm, có dẫn một người bạn gái về làng giới thiệu với gia đình, làng xóm để tính chuyện trăm năm. Cả nhà chưa kịp vui thì ngay sau lần đầu tiên đó, cô gái lặng lẽ chia tay… “Có lẽ, họ sợ cảnh sống xa cách miền xuôi. Giờ em đang ở với bố mẹ. Để lấy được vợ, chắc chỉ có cách xuống trung tâm huyện, xin việc may ra mới có người đồng ý”, Úy nói.

Không riêng Úy, A Lăng Phích sau khi học xong lớp 12, từng bỏ việc học để về làng sinh sống, tìm cách lấy vợ từ gần chục năm nay nhưng bất thành. “Làng đẹp, nhiều người đến tham quan, chụp ảnh nhưng đám con gái trong xã, trong huyện đều “ngó lơ” cả. Họ không muốn về lấy trai làng Aur làm chồng, vì sợ đường sá cách trở, sinh sống lại tách biệt giữa núi rừng. Cảnh “một người đau đẻ, cả làng khiêng chạy” khiến con gái ám ảnh”, A Lăng Phích nói.

Bấm từng đốt ngón tay, già làng Jeng nhẩm tính, có cả chục trai làng trong tuổi lấy vợ đang bị ế. So với tuổi họ, những người con gái trong làng đi lấy chồng sinh 2 - 3 đứa con rồi. Gần 10 năm nay, làng chỉ gả con gái đi lấy chồng, nhưng con trai thì chưa có ai lấy được vợ về làng.

“Mong muốn của người dân làng Aur bây giờ là có một con đường giao thông dẫn vào làng. Đường không cần to rộng, đường chỉ đủ cho xe máy đi được thôi. Có đường giao thông, người dân làng Aur sẽ không còn sống tách biệt với thế giới bên ngoài, không còn cảnh cả làng thay nhau khiêng người ốm, người đau đẻ đi cấp cứu. Có đường giao thông, người làng Aur sẽ không còn lo cảnh ế vợ…”, già làng Jeng bày tỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

Kỳ lạ làng 10 năm không đi xe máy vào… ngày Tết

Vào dịp Tết đến, xe máy của người dân ở xã A Xan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) sẽ bị “nhốt” lại. Vì thế, những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đại Khải ([Tên nguồn])
Quảng Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN