Bí ẩn làng nói tiếng “Nghệ non” ở xứ Thanh

Sự kiện: 24h vạn dặm

Trong 5 thôn của xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chỉ có duy nhất tại thôn Hoa Trường, người dân nói được tiếng “Nghệ non” bao đời nay.

Nghè Yên Trung - nơi trước đây đoàn khảo sát về tìm hiểu nguồn nước tại giếng nước cạnh nghè

Nghè Yên Trung - nơi trước đây đoàn khảo sát về tìm hiểu nguồn nước tại giếng nước cạnh nghè

Hai nhà sát vách, tiếng nói khác nhau

Những ngày đầu tháng 4, PV Báo Giao thông có dịp về thôn Hoa Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc - vùng đất biển mặn mòi của tỉnh Thanh Hóa.

Ngay từ đầu làng, chúng tôi đã gặp một nhóm các cụ bà đang tề tựu nói chuyện ở sân đình. Các cụ bà nói giọng lạ, giống tiếng Nghệ An nhưng thanh âm nhẹ và nhanh hơn, không nói “mô, tê, răng rứa” như tiếng nói quen thuộc của người xứ Thanh.

Thấy có người lạ, các cụ bà chuyển sang nói tiếng phổ thông trơn tru. Một cụ bà giải thích, khi nói chuyện với người cùng thôn, nhất là người trung niên, cao tuổi, họ đều nói tiếng “Nghệ non”, vì đó là tiếng nói quen thuộc, cũng là cách để người dân thôn Hoa Trường cảm thấy gần gũi, thân thiết với nhau hơn.

Nếu đi xa nhà, người dân thôn Hoa Trường nghe thấy tiếng “Nghệ non” là nhận ra nhau, những câu chuyện bằng tiếng nói riêng giúp họ thấy bớt nhớ nhà hơn.

Cụ Hà Văn Dị (97 tuổi, thôn Hoa Trường) vẫn còn minh mẫn. Cụ nói: “Đúng là ở đây nói tiếng na ná giống tiếng Nghệ An nhưng lại pha giọng Hà Nội. Người ta nói thôn đây chỉ toàn nói tiếng “Nghệ non”.

Theo cụ Dị, cụ cũng không biết tiếng “Nghệ non” xuất phát ở đâu mà có nữa, nhưng ngày trước ở làng ai sinh ra cũng nói được. Còn bây giờ do người dân giao tiếp nhiều với các vùng khác nên tiếng “Nghệ non” cũng bị giảm đi nhiều, chủ yếu nói tiếng phổ thông.

Ông Trịnh Quốc Phượng, Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc khẳng định, ở xã chỉ có duy nhất thôn Hoa Trường nói được tiếng “Nghệ non” nhưng về gốc tích, lịch sử như thế nào, bắt nguồn từ đâu mà có thì không ai biết được.

“Cũng khá lạ, kể cả 2 nhà sát vách nhưng khác thôn thì nhà ở thôn Hoa Trường nói được tiếng “Nghệ non”còn nhà kia khác thôn lại không nói được”, ông Phượng nói.

Ông Phượng gọi cán bộ xã theo dõi lĩnh vực văn hóa tới, nhưng khi hỏi có tài liệu nào ghi chép về việc người dân thôn Hoa Trường nói tiếng “Nghệ non” không thì cán bộ văn hóa cũng chỉ… lắc đầu.

Nhiều năm vẫn chưa thể lý giải

Cụ ông Hà Văn Dị, 97 tuổi (bên phải) cho biết vẫn chưa ai giải thích được tại sao cả thôn nói được tiếng “Nghệ non”

Cụ ông Hà Văn Dị, 97 tuổi (bên phải) cho biết vẫn chưa ai giải thích được tại sao cả thôn nói được tiếng “Nghệ non”

Vòng qua mấy con đường làng, qua nghè Yên Trung của thôn Hoa Trường, hỏi thăm mãi, chúng tôi mới tìm gặp được ông Triệu Huy Hồng (SN 1958, nguyên là Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Hoa Trường).

Nhấp chén trà, ông Hồng kể: “Tôi nhớ những năm 1980, khi tôi đang làm cán bộ ở xã thì có một đoàn khảo sát ở đâu về nói là tìm hiểu văn hóa, gốc tích tại sao ở đây lại có tiếng nói chọ chẹ như tiếng “Nghệ non”, khác hoàn toàn với những địa phương khác quanh vùng. Họ ăn, ở rồi đi tìm hiểu nguồn nước, giếng làng, gặp gỡ các cụ cao niên trong làng để hỏi… nhưng không tìm ra được đáp án, cũng không lý giải được điều gì nên sau 10 ngày “nghiên cứu”, họ lại khăn gói trở về”.

Theo ông Hồng, ngày xưa ở sau nghè Yên Trung có một cây đa to và một giếng cổ nước trong vắt, đoàn khảo sát đã về đây nghiên cứu. Ban đầu họ cho rằng có thể người dân sử dụng mạch nước ở đây nhưng khi tìm hiểu kỹ thì lại không phải vì người dân thôn bên cạnh cũng sử dụng mạch nước này nhưng không nói được tiếng “Nghệ non”.

Cuối cùng đoàn khảo sát phải rời đi mà không có kết quả. “Cho đến tận bây giờ tôi cũng không biết là do đâu mà người dân ở thôn nói được thứ tiếng này”, ông Hồng nhớ lại.

Bà Hà Thị Việt (SN 1949, trú thôn Hoa Trường) cho hay: “Tôi sinh ra ở đây và đến bây giờ cũng chỉ nói tiếng “Nghệ non”. Dòng họ Hà nhà tôi về đây từ hàng trăm năm trước, quê gốc chúng tôi ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Nhưng nếu về tiếng nói thì không liên quan đến dòng họ, vì ở làng này có 10 dòng họ khác nhau nhưng đều nói tiếng lơ lớ, chọ chẹ như tiếng Nghệ An. Thực sự cái này đến các cụ cao niên trong làng cũng không biết được”.

Trước sự kỳ lạ này, PV đã liên hệ với chính quyền huyện Hậu Lộc, mong là có được tư liệu ghi chép. Nhưng qua 1 số tài liệu ghi trong cuốn Dư địa chí của huyện Hậu Lộc chỉ có đoạn nhắc đến tiếng nói này như sau: “Ở thôn Yên Trung (nay là thôn Hoa Trường), xã Hoa Lộc, tiếng nói lai chọ chẹ như tiếng Nghệ An mà người ta thường hay nói là tiếng “Nghệ non”, nặng hơn tiếng Thanh Hóa cũng như tiếng Hậu Lộc nhưng lại nhẹ hơn tiếng Nghệ An. Biểu hiện rõ nhất tiếng “Nghệ non” của Yên Trung là “dấu sắc” thành “dấu hỏi”, trong khi ở Nghệ An “dấu sắc” thành “dấu nặng”.

Cuốn Dư địa chí của huyện Hậu Lộc cũng đưa ra câu chuyện theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xuất xứ của tiếng nói Yên Trung (Hoa Trường) như sau: Ngày xưa có thầy địa lý người Nghệ An đến Yên Trung. Người làng giả giọng nói của ông. Ông nói nếu dân làng nói được tiếng Nghệ An thì sẽ điểm cho làng một cái giếng. Dân làng tập nói sau một thời gian thì nói được tiếng Nghệ An và ông thầy địa lý tìm điểm cho làng một cái giếng. Giếng ở phía Tây làng, giếng nước rất trong và ngon. Từ khi ăn nước giếng đó, tiếng nói của người Yên Trung chọ chẹ như tiếng Nghệ An.

Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Dũng, Giảng viên Trường Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch Thanh Hóa cho biết: “Tôi cũng chưa bao giờ nghiên cứu sâu về vấn đề này. Theo tôi, vùng đất Hoa Lộc cùng với niên đại văn hóa Quỳnh Văn, tức là khi mà người Việt từ vùng núi về đồng bằng và đa biển nên tôi suy nghĩ có thể do cùng niên đại nên mới xuất hiện tiếng nói khác như vậy. Ngoài ra, ở góc độ khác, cũng có thể vùng đất Hoa Lộc có danh nhân nào đó ở Nghệ An ra đây định cư, xây dựng lập làng, hoặc là trong quá trình một bộ phận cư dân có tiếp xúc với nhau và có ảnh hưởng ngôn ngữ. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được kiểm chứng bằng các văn bản thành văn chính thống”.

Theo ông Trịnh Quốc Phượng, Chủ tịch UBND xã Hoa Lộc, trong tất cả các thôn trong xã thì chỉ có thôn Hoa Trường có tiếng nói khác lạ như tiếng “Nghệ non”. Trước đây, xã có 9 thôn nhưng sau sáp nhập lại chỉ còn 5 thôn. Trong đó, thôn Hoa Trường có 1.200 nhân khẩu và tại đây có 10 dòng họ, trong đó 2 dòng họ lớn là họ Hà và họ Triệu về định cư lâu đời nhất.

Bí ẩn ngôi làng 10 năm đàn ông không ai lấy được vợ

Nổi tiếng là ngôi làng đẹp, Bản Aur giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ đang đối mặt với câu chuyện hết sức thời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Tuấn ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN