Bí ẩn “làng mỹ nhân” dưới non thiêng Yên Tử
Nằm dưới chân non thiêng Yên Tử, thôn Năm Mẫu, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí (Quảng Ninh) là nơi có nhiều người con gái đẹp.
Vẻ đẹp của thiếu nữ dân tộc Dao dưới chân núi Yên Tử hôm nay
Tương truyền là hậu duệ của các cung tần, mỹ nữ thời xưa, nên các cô gái nơi này không chỉ có nhan sắc đẹp, mà sự duyên dáng, nét quý phái còn thể hiện trong cả ứng xử lẫn khi lao động.
Nơi “đẹp gái di truyền”
Chiều cuối đông, trên những thửa ruộng, các cô thôn nữ người dân tộc Dao, Tày, Mường… mải miết tưới ngô, trồng rau, tiếng nói, tiếng cười rộn rã như xua đi cái lạnh của mùa Đông nơi núi, rừng sâu thẳm.
Ấn tượng nhất là nơi thung lũng hoa Yên Tử đang có mấy thiếu nữ người dân tộc Dao xinh đẹp, vóc người nhỏ nhắn, da trắng mịn màng đang cùng nhau chụp ảnh bên những vạt hoa. Khi thấy người lạ, họ e lệ, giấu mặt.
Đang trò chuyện, chúng tôi thoáng thấy một tốp thiếu nữ người Dao đi làm về, vừa đi, họ vừa vui vẻ trò chuyện bằng tiếng Dao.
Các cô gái người Dao đều mang trang phục đỏ truyền thống, đầu đội mũ thêu đính bạc, cổ đeo xà tích, chuông bạc duyên dáng. Họ ghé thăm nhà trưởng bản.
Cô gái đi đầu tên là Triệu Thị Thắm có khuôn mặt trái xoan, dáng người cao, khỏe mạnh, giọng nhẹ nhàng, cười tươi chào chúng tôi bằng giọng lơ lớ tiếng Kinh.
Giữa không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng lại có tiếng chuông chùa thỉnh lên thinh không, chúng tôi đã được nghe kể về nhiều huyền tích liên quan đến những cung tần, mỹ nữ năm xưa theo chân Phật hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử để giữ trọn lời thề trung trinh rồi định cư ở lại góp phần lập lên những xóm làng trù phú đến tận ngày nay ở Thượng Yên Công.
Thiếu nữ dân tộc Dao ở Thượng Yên Công trên cánh đồng trong mùa gặt
Ông Lý Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND xã Thượng Yên Công nhấm nháp chén trà rồi thủng thẳng kể, Thượng Yên Công hiện là nơi quần cư của 9 dân tộc anh em (Kinh, Dao, Tày, Hoa, Mường, Sán Dìu, Sán Chay, Nùng, Thái), trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 57,8% dân số.
Mỗi dân tộc nơi đây đều có chiều dài lịch sử, không gian văn hoá đậm nét riêng biệt. Trong đó, người dân tộc Dao là có nhiều truyền thuyết liên quan đến làng “Năm Mẫu” hiện nay.
Theo lời ông Hải thì tương truyền rằng, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông (năm 1299) rời hoàng cung Thăng Long hoằng dương đến Yên Tử từ Sơn Động, Bắc Giang.
Cũng theo tục truyền, không muốn cha thoát tục, vua Trần Anh Tông đã ngầm sai 300 cung tần, mỹ nữ theo hầu, can gián, xin Thái thượng hoàng hồi cung. Nhưng ý Thái thượng hoàng đã quyết, không gì lay chuyển được, các cung tần, mỹ nữ đi theo Ngài đã cùng nhau gieo mình xuống dòng suối Hổ Khê để giữ trọn bề vua - tôi.
Xót thương cho các cung tần, mỹ nữ, sau này Thượng hoàng đã đặt tên cho dòng suối này là suối Giải Oan và cho lập đền thờ. Con suối Giải Oan từ thượng nguồn Yên Tử xuôi suống vắt ngang Thượng Yên Công từ đó đến giờ lúc nào cũng trong xanh.
Trong số các cung tần trẫm mình tuẫn tiết hôm ấy, có 5 người may mắn được các chàng trai người dân tộc Dao bản địa cứu vớt. Cảm động ơn cứu sinh, 5 người đã lấy 5 chàng trai rồi sinh con, đẻ cái.
Rồi kể từ đó đến những thế hệ sau này, con gái trong thôn sinh ra đều mang vẻ đẹp kiêu sa, lộng lẫy. Khi 5 bà qua đời, dân làng Thượng Yên Công đã lập đền thờ Năm Mẫu để tưởng nhớ.
“Tuy không được ghi trong tài liệu chính thức nào nhưng có điều, thiếu nữ người Dao tại đây xinh đẹp, nết na hơn nhiều so với con gái dân tộc khác. Từng có thôn nữ người Dao của xã đi thi người đẹp và đã đoạt giải cao tại một số cuộc thi trong tỉnh và toàn quốc”, ông Hải quả quyết.
Già làng Đặng Văn Sơn nhà ở thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công - một trong những người am tường về lịch sử hình thành dân tộc Dao của mình nơi đây thì khẳng định: “Theo nhiều đời các cụ chúng tôi truyền lại, sau khi theo vua lên Yên Tử, nhiều cung tần, mỹ nữ đã được ban ở lại dưới chân núi và lấy chồng người bản địa. Chẳng biết thực, hư ra sao nhưng có điều chắc chắn rằng, con gái người Dao ở đây có vẻ đẹp rất mặn mà, nết ăn, nết mặc luôn phảng phất nét quý phái, không giống con gái của dân tộc khác cùng cư trú trên địa bàn”.
Khi được hỏi, phải chăng vì vẻ đẹp khác biệt của thiếu nữ người Dao nơi đây đã thu hút nhiều “đại gia” khắp nơi về tìm vợ, ông Sơn cười tươi, cho biết: “Đại gia thì không nghe nói nhưng con trai người Kinh về xã lấy vợ người Dao thì thời gian gần đây khá nhiều.
Bản thân tôi có 3 cô con gái đều lấy chồng người Kinh. Giờ cuộc sống của các cháu đều khá giả, có đứa còn cho con đi Hà Nội học đại học rồi đấy!”
Để “hương đồng, gió nội không bay đi ít nhiều”
Vợ chồng Triệu Đức Tâm - Triệu Thị Nhung mặc trang phục truyền thống trong ngày cưới
Thực hư huyền tích về làng cung nữ dưới chân núi Yên Tử còn cần có những nghiên cứu cụ thể, nhưng khi gặp một số thiếu nữ người Dao ở Thượng Yên Công, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp, cũng như nét tinh tế trong sinh hoạt, ứng xử của họ.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là Triệu Thị Nhung - một trong những cô gái rất đẹp ở thôn Khe Sú.
Nhung có một vẻ đẹp hút hồn người khác ngay lần đầu gặp mặt dù là gái đã có chồng, có một con. Nhung e lệ ngồi xuống chiếc chiếu trong căn nhà mới xây trị giá trên 1 tỷ đồng của vợ chồng mình rồi khẽ khàng tâm sự: “Giữ nếp truyền thống, con gái người Dao chúng em ở đây ngay từ nhỏ đã được bố, mẹ dạy rất kỹ về nết ăn, nết ở. Ví như, cười không được cười to, bước chân đi phải nhẹ nhàng, lúc lấy chồng không được cãi dù có ấm ức đến đâu. Đặc biệt, mỗi khi chuẩn bị kết hôn, thiếu nữ phải tự tay mình thêu lấy bộ trang phục rồi mới được cưới để chứng minh cho sự tinh tế, đảm đang của mình…”
Thấy vợ đang say sưa tiếp khách, anh Triệu Đức Tâm, chồng của Nhung kể, anh quen vợ mình từ năm cô 17 tuổi. Dù đi làm ăn ngược, xuôi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người con gái song khi gặp Nhung, anh bị “đốn tim” lập tức, để rồi từ đó cất công theo đuổi. Năm 18 tuổi, khi Nhung vừa tốt nghiệp cấp 3, hai người đã thành hôn.
“Tôi may mắn hơn bạn bè là lấy được vợ người Dao cùng xã. Vợ vừa đẹp nết vừa đẹp người, không chê vào đâu được!”, anh Tâm bộc bạch.
Mặc dù vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đậm đà bản sắc, song đến nay nhiều tập tục sinh hoạt của thiếu nữ người Dao dưới chân núi Yên Tử đang có xu hướng thay đổi khá nhanh khiến cho những người trong cuộc phải boăn khoăn.
Già làng Đặng Văn Sơn đau đáu: “Con gái ở đây bây giờ chỉ có ngày lễ, ngày Tết, ngày cưới mới mặc trang phục truyền thống mà thay vào đó là quần bò, áo phông mỗi khi lên phố.
Thậm chí nhiều cháu cũng làm đầu quăn tít, móng tay, móng chân đỏ choét, phấn son loè loẹt… Buồn nhất là tập tục của đồng bào Dao bao đời nay không có đôi vợ chồng nào bỏ nhau thì nay đã bắt đầu xuất hiện. Rồi nhiều cháu đi làm dâu cũng sẵn sàng cãi giả bố mẹ chồng, điều này rất buồn”.
Lý giải thêm, ông Lý Đức Hải, chia sẻ, những năm gần đây, TP Uông Bí luôn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có đặc trưng văn hóa của đồng bào Dao Thanh Y.
Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã dành hàng trăm triệu đồng phục vụ công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào. TP Uông Bí cũng đã thực hiện dự án bảo tồn, truyền dạy nghề thêu thổ cẩm thủ công, hát múa dân ca và ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công.
Ông Hải cũng cho biết thêm: Hoạt động sưu tầm, phát huy nghề thêu, làn điệu dân ca, dân vũ và văn hóa ẩm thực nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương.
Các nghệ nhân đã tập hợp lại thành những câu lạc bộ, thường xuyên duy trì lớp giảng dạy thêu, dạy hát dân ca; tham gia hoạt động biểu diễn, tái hiện hoạt động, phong tục, tập quán, góp phần phát triển du lịch. Họ cũng tham gia nghiên cứu đưa sản phẩm của văn hóa truyền thống phục vụ khách du lịch để tạo nguồn thu; hình thành tour du lịch trải nghiệm...
Nguồn: [Link nguồn]
Nằm sát vách nhau nhưng hàng trăm năm nay, 2 ngôi làng Thượng Lỗi và Tức Mặc (TP Nam Định) không có chuyện trai gái yêu đương...