Bí ẩn chuyện “xẻ thịt” những con tàu “ma” trên sông Kinh Môn

Sự kiện: Tin ngắn

Những con tàu phá dỡ ở đây thường được gọi là những con tàu “ma” bởi nếu bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, nó hoàn toàn vô chủ.

Những con tàu “ma” từ khắp mọi nơi sẽ được vận chuyển về cơ sở phá dỡ tàu cũ nằm ven sông Kinh Môn thuộc khu đất của Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Thái Sơn, sau đó sẽ được cắt phá và bán sắt vụn.

Từ nhiều năm nay, hoạt động phá dỡ tàu cũ trên sông Kinh Môn vẫn ngang nhiên tồn tại

Từ nhiều năm nay, hoạt động phá dỡ tàu cũ trên sông Kinh Môn vẫn ngang nhiên tồn tại

Ngang nhiên cắt phá tàu cũ

Cuối tháng 10/2021, Báo Giao thông nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về việc từ nhiều năm nay, rất nhiều con tàu “ma” từ khắp mọi nơi được đưa về cảng thủy tại khu đất của Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Thái Sơn để phá dỡ. Việc phá dỡ, đốt rác thải, dầu mỡ... của những con tàu này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từ phản ánh của bạn đọc, nhóm PV đã quyết định tiếp cận việc phá dỡ con tàu cũ trên 3.000 tấn nằm ngay tại cảng thủy này.

Việc tiếp cận rất khó khăn bởi khu đất hiện đã cho rất nhiều công ty thuê lại. Hiện xung quanh cảng thủy thuê rất nhiều bảo vệ ngăn người lạ vào khu vực hoạt động của họ. Không một ai biết đơn vị đang phá dỡ tàu tên là gì.

Nhóm PV buộc phải chuyển sang phương án khác. Ngày 28/10/2021, nhóm PV đã thuê một chuyến đò ngang qua sông Kinh Môn để có thể quan sát.

Từ sông Kinh Môn, nhóm PV ghi nhận chiếc tàu hàng nghìn tấn đang được hàng chục công nhân dùng hàn hơi cắt dỡ từng phần. Toàn bộ máy móc, thiết bị được tháo dỡ trước, dùng cần cẩu đưa lên bờ, sau đó đến phần cabin tàu và cuối cùng là thân vỏ tàu.

Những khối sắt nặng cả tấn đã được cắt rời thành từng tấm lớn, xếp ngang dọc trên bãi. Các phần nhựa, dây điện, dầu nhớt… thì xử lý bằng cách đốt để lấy lõi đồng, lõi thép. Toàn bộ khu vực phá dỡ tàu cũ nhộn nhịp như một công trường, mùi hàn cắt, khói đốt mịt mù, khét lẹt…

Trong các ngày từ 10 - 15/11, theo ghi nhận của nhóm PV Báo Giao thông, chiếc tàu được phá dỡ chỉ còn lại phần đầu. Một phần sắt thép của con tàu đã cắt được vận chuyển đi nơi khác. Những phần còn lại thì được cần cẩu di chuyển về phía trong kho bãi, chờ chuyển đi.

Theo tìm hiểu của PV, những con tàu phá dỡ tại đây thường được gọi là những con tàu “ma” bởi nếu bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, nó hoàn toàn vô chủ.

Còn nếu phá dỡ tàu thành công thì cơ sở phá dỡ có thể bỏ túi cả chục tỷ đồng. Từ nhiều năm nay, hoạt động phá dỡ tàu cũ ở đây vẫn ngang nhiên tồn tại, hết con tàu này đến con tàu khác, cả tàu trong nước và ngoài nước.

Phá dỡ trái phép nhưng khó xử lý

Theo đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 1, đơn vị phá dỡ tàu cũ trên sông Kinh Môn, đoạn thuộc xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng hoạt động trái phép.

Tuy nhiên, cảng thủy của đơn vị này chưa được cấp phép hoạt động nên Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 1 không có thẩm quyền xử lý. Việc xử lý là của chính quyền địa phương.

“Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 1 đã nhiều lần phát văn bản đến các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý dứt điểm hoạt động phá dỡ tàu cũ của đơn vị này nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được”, vị này cho biết.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương cho biết, trên địa bàn không có đơn vị nào được phép hoạt động phá dỡ tàu cũ. Việc đơn vị tiến hành phá dỡ tàu cũ trên khu đất của Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Thái Sơn là trái quy định pháp luật.

Còn đại diện lãnh đạo xã Lê Thiện, huyện An Dương cho biết, khu đất thuộc Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Thái Sơn hiện nay khá phức tạp, với nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.

Việc kiểm tra hoạt động của đơn vị phá dỡ tàu cũ ở đây cần có sự kết hợp liên ngành. “Quan điểm của địa phương là phải xử lý dứt điểm đối với đơn vị hoạt động phá dỡ tàu cũ trái phép tại đây”, vị này nói.

Điều tra tàu hàng nước ngoài bị “xẻ thịt”

Theo lãnh đạo Đội Chống buôn lậu, Cục Hải quan TP Hải Phòng, đơn vị vừa phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng bắt giữ tàu Chung Ching có dấu hiệu được nhập lậu vào Việt Nam khi con tàu này neo đậu tại tuyến luồng sông Kinh Môn, đoạn chảy qua địa bàn xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Khi bị phát hiện, tàu biển Chung Ching treo cờ đảo quốc Palau được neo đậu tại khu vực bãi sông, cạnh khu dân cư đã có dấu hiệu bị cắt sắt vụn. Không có thuyền viên nào trên tàu. Toàn bộ ba tầng ca bin cùng nhiều khu vực trên con tàu đã bị cắt hạ, cạnh đó là những đống sắt vụn cùng các tốp thợ hàn, xe cẩu tự hành đang phá dỡ tàu.

Những người đang phá dỡ tàu Chung Ching không xuất trình được các hồ sơ, đăng kiểm của tàu, thủ tục cho phép tàu nhập cảnh Việt Nam. Họ cho biết, đã thực hiện việc lai dắt tàu từ vùng biển vào tuyến sông, rồi phá dỡ thành sắt vụn theo chỉ đạo của một người ở TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

Theo xác minh của Hải quan TP Hải Phòng, tàu Chung Ching có trọng tải 3.200 tấn được sản xuất từ năm 1969 tại Trung Quốc. Tàu biển treo cờ nước Cộng hòa Palau. Con tàu đã bị lực lượng hải quan phát hiện hành vi sang mạn trái phép thuốc lá điếu cho các xuồng cao tốc để mang lậu vào Việt Nam vào tháng 3/2020. Số lượng thuốc lậu tàu Chung Ching vận chuyển lên đến 8.549 kiện (tương đương 4.274.500 bao thuốc lá).

Vụ việc đã được khởi tố, tàu Chung Ching được đưa về neo đậu tại vùng biển Quảng Ninh. Tuy nhiên, hiện tàu Chung Ching lại được phát hiện tại khu vực huyện An Dương trong tình trạng đang phá dỡ.

Bí ẩn “thung lũng trường thọ” nơi xứ Mường

Xã Vân Sơn nghèo nhất huyện miền núi Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao sừng sững.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Bắc ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN