Bí ẩn bảo vật, di sản quốc gia: Di sản độc trên kiến trúc cung đình Huế
Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được đánh giá là độc đáo, duy nhất, hiếm có và được công nhận di sản ký ức.
Với lối kiến trúc được xây dựng từ thời phong kiến triều Nguyễn, mỗi năm, quần thể di tích cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đón hàng triệu lượt khách đến tham quan. Đến với di tích này, ngoài việc chiêm ngưỡng kiến trúc đình đài, thành quách, du khách có thể thưởng lãm những áng thơ văn trang trí trên các công trình.
Di sản tư liệu thế giới
Sáng sớm, mưa Huế rả rích kèm cái lạnh buốt da của tiết Đại hàn, trong điện Thái Hòa thuộc Đại nội Huế, một nhóm du khách chăm chú nghe cô hướng dẫn viên thuyết minh những bài thơ, văn khắc ở khu điện này bằng giọng Huế ngọt lịm. Khi nghe dịch nghĩa một số bài thơ tại đây, nhiều du khách tỏ ra ngạc nhiên. Chị Nguyễn Thị Ánh Dương (ngụ TP HCM) nói: "Tôi đã vào tham quan Đại nội Huế nhiều lần nhưng thật bất ngờ khi biết về các áng thơ văn trang trí trên những công trình kiến trúc lại mang ý nghĩa rất lớn của một triều đại".
Thơ bằng chữ Hán tại điện Thái Hòa Ảnh: VÕ THANH PHÚC
Điện Thái Hòa là một trong nhiều công trình kiến trúc cung đình Huế hiện còn lưu giữ hệ thống thơ văn đã được Chương trình Ký ức thế giới (MOW) của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016. GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết: "Hệ thống thơ văn khắc trên các công trình kiến trúc của cung đình Huế xứng đáng được MOW công nhận vì đáp ứng 3 tiêu chí: Tính xác thực do có giá trị gốc độc bản, chưa bị sửa chữa, thay đổi hay làm mới, được các vị vua và văn nhân triều Nguyễn sáng tạo, có con người, niên hiệu cụ thể; tính toàn vẹn, hiện vật gốc độc bản, chưa bị sửa đổi và hư hỏng; tính độc đáo và duy nhất trong xuất bản, lưu trữ…". Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện còn khoảng 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng văn thành pháp lam; 78 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Đó thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương thời Nguyễn.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khẳng định hệ thống thơ văn được thể hiện bằng chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vốn được tuyển chọn từ trước tác của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại triều Nguyễn trong giai đoạn 1802-1945. Chủ đề chính của hệ thống văn thơ này là ca ngợi vương triều, cảnh thái bình, thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất, vẻ đẹp vùng đất đế đô, vẻ đẹp hoa cỏ các mùa trong năm và khuyến khích nông nghiệp cũng như chia sẻ nỗi niềm với người dân.
Các bài thơ được trang trí theo 2 loại hình: đầu thời Nguyễn đến đời vua Đồng Khánh (1802-1888) được thể hiện trên các công trình bằng gỗ, từ đời vua Khải Định đến Bảo Đại (1916-1945) được trang trí trên các công trình bê-tông, đá, sành sứ. Cách trang trí một ô thơ hoặc một đại tự đi liền với một bức họa tạo nên kiểu thức "nhất thi nhất họa" hoặc "nhất tự nhất họa".
Giá trị không thể thay thế
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (TP Huế) từng nói rằng ở điện Thái Hòa nội dung thơ rất phong phú, đó là tự hào về nền văn hiến Việt Nam, khẳng định vị thế triều Nguyễn trong lịch sử nước nhà; ca ngợi vẻ tráng lệ và tính linh thiêng của kinh đô Huế; quan tâm đến nghề nông trong xã hội. "Thơ ở điện Thái Hòa là nơi vua quan triều Nguyễn gửi gắm những tư tưởng quan trọng nhất trong việc trị quốc an dân. Triều đại quân chủ cuối cùng này đã để lại nơi đây nhiều thông điệp liên quan đến không ít lĩnh vực lịch sử, văn hiến, kinh tế, xã hội... Đặc biệt là giá trị thiêng liêng của Tổ quốc vừa được thống nhất sau gần 3 thế kỷ xảy ra biến cố" - ông Phan Thuận An khẳng định trong một tham luận của mình.
Theo TS Phan Thanh Hải, di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có giá trị rất độc đáo và không thể thay thế. Đây là dạng văn tự chữ Hán từng sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trong suốt hàng ngàn năm nên có tính quốc tế, phổ biến rất cao. Về góc độ mỹ thuật, kiểu trang trí này được đánh giá là đẹp, sang trọng, quý phái và trí tuệ. Đặc biệt, qua đó thể hiện chân xác nhất về tư tưởng của một thời đại, phản ánh một số chính sách của triều Nguyễn, về thế giới quan, nhân sinh quan của tầng lớp vua quan, hoàng thân quốc thích... Đồng thời thể hiện tài năng của các nhân sĩ đương thời.
Cùng với nhã nhạc cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn và quần thể di tích cố đô Huế, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận Di sản tư liệu thế giới thì Huế trở thành "một điểm đến 5 di sản" nên có lợi thế thu hút khách du lịch. "Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và định hướng bảo quản an toàn thơ văn trên các liên ba, đố bản bờ nóc, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ nguồn tư liệu được bền lâu và nguyên vẹn. Bên cạnh đó, tập trung khảo sát đánh giá hiện trạng thơ văn chạm khắc, khảm, cẩn, tráng men… trên cấu kiện gỗ, bê-tông, pháp lam. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu phục hồi kỹ thuật pháp lam truyền thống, kỹ thuật chạm, khảm để phục hồi các bài thơ, các chữ đã mất. Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tập hợp ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm liên quan đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" - ông Hải cho biết.
Bản tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn Tại điện Thái Hòa có một bài thơ nằm ở vị trí trang nghiêm, long trọng nhất được phiên âm từ chữ Hán: Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu. Bài thơ được dịch nghĩa: Nước Việt Nam có hàng ngàn năm văn hiến/Xa thư vạn lý đồ/Từ sau thời Hồng Bàng mở nước/Ngày nay giang sơn mới được thịnh vượng như thời hai vua Đường Nghiêu và Ngu Thuấn. Theo ThS Phan Đăng (Trường ĐH Khoa học Huế), nếu như bài "Nam quốc sơn hà" là bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam thì bài thơ trên được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là bản tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn. "Bài thơ muốn thể hiện Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đến triều Nguyễn là đỉnh cao của sự phát triển, có thể so sánh với những thể chế chính trị lý tưởng của con người bấy giờ" - ThS Phan Đăng nhìn nhận. |
Tết Kỷ Dậu 1789, khu vực Gò Đống Đa là chiến trường ác liệt khi vua Quang Trung tiến vào giải phóng Thăng Long.