Bí ẩn bãi cọc gỗ ở Bắc Giang
Gần 30 năm trước, người dân xã Đức Giang, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) bất ngờ phát hiện bãi cọc gỗ trong quá trình khai thác đất làm công trình thủy lợi. Đến nay, bãi cọc gỗ này vẫn còn là một bí ẩn.
Khu vực ao nhà ông Đào Văn Hà phát hiện bãi cọc gỗ lim và khúc gỗ lim được tìm thấy dưới đáy ao hàng chục năm trước.
Ông Nguyễn Quan Thôn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Giang là một trong những người đầu tiên phát hiện ra bãi cọc gỗ. Ông Thôn kể, vào năm 1992 - 1993, lúc đó ông là Bí thư Chi đoàn thôn Tiên La (xã Đức Giang). Thời điểm đó, đoàn viên trong thôn thành lập đội vác đất phục vụ làm trạm bơm cục bộ của địa phương. Ông và các đoàn viên nhận đào đất sét đáy ao nhà ông Đào Văn Hà để lấy đất đắp trạm bơm. “Đào sâu khoảng 2 mét so với đáy ao, chúng tôi thấy hở một số cọc gỗ lim. Càng đào sâu, chúng tôi thấy càng nhiều khúc gỗ. Sau đó, tôi viết đơn trình báo cơ quan chức năng về sự việc”, ông Thôn tiết lộ.
Ông Thôn cho biết thêm, vị trí phát hiện các cọc và khúc gỗ ở sát đê sông Thương. Năm 1994, một số người dân địa phương tiếp tục đào ao nhà ông Hà và phát hiện thêm nhiều khúc gỗ. Người dân thấy nhiều phiến gỗ có chiều dài 2 - 3,5 m, đường kính khoảng 0,3 m được ghép thành kiến trúc gần nửa vòng tròn, với hệ thống cột chôn sâu đỡ, có dầm ngang và gỗ đặt dọc. Thời điểm đó, một số người dân địa phương khai thác được 93 khúc gỗ. Khi đang khai thác, bãi cọc gỗ ăn sâu vào phần ruộng của gia đình ông Đào Văn Hà nên người dân địa phương dừng lại.
Ông Đào Văn Thắng, Trưởng thôn Tiên La cho hay, năm 2017, gia đình ông Đào Văn Hà cải tạo ao và phát hiện thêm được 30 khúc gỗ. Quá trình cải tạo ao vẫn phát hiện thêm nhiều khúc gỗ, nhưng gia đình dừng lại, vì các khúc gỗ nằm bên trong phần đất thổ cư của gia đình. “Những khúc gỗ được phát hiện gần 30 năm trước và năm 2017 tại địa phận nhà ông Hà lúc mới vớt lên mềm và mủn, nhưng phơi khô một thời gian thì rất cứng chắc. Người dân địa phương dùng các khúc gỗ này để đóng bàn ghế, tủ, sập đến nay sử dụng vẫn rất tốt”, ông Thắng thông tin.
Công trình kiến trúc gỗ quy mô lớn?
Ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin của người dân, tháng 12/2019, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã cử một đoàn công tác về kiểm tra, xác minh thực tế bãi cọc gỗ ở thôn Tiên La và có báo cáo Viện Khảo cổ học Việt Nam đề nghị phối hợp khảo sát. Tháng 10/2020 và 12/2021, đoàn khảo sát của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức khảo sát tại khu vực này.
Theo ông Khoa, kiến trúc gỗ đã phát hiện ở gia đình ông Hà nằm ven sông, rất có thể là một công trình liên quan mật thiết với vị trí chiến lược của khu vực này trong lịch sử. Điểm phát hiện kiến trúc gỗ nằm gần đền thờ Trần Minh Tông tại thôn Tiên La, xa hơn chút là đền Cổ Phao (thờ danh tướng Nghĩa Xuyên thời nhà Trần), cách chùa Vĩnh Nghiêm khoảng 2,5 km, bên kia là khu di tích Kiếp Bạc - phủ đệ của Trần Hưng Đạo. “Dựa vào những thông tin thu thập được, bước đầu nhận định ở khu vực này từng tồn tại một công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn. Do nằm ở vùng trũng, ven sông và qua hình dáng tạo tác có thể là một kiến trúc gỗ dạng cầu, hộp cống hoặc bến thuyền”, ông Khoa nhận định.
Ông Khoa cho biết thêm, theo Tiến sĩ Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam, kiến trúc gỗ phát hiện ở thôn Tiên La có thể là dạng khuôn đóng thuyền lớn? Niên đại di tích cũng được xác định dựa trên hiện trường khảo sát, có thể thấy lớp bồi tụ phù sa đã vùi lấp công trình kiến trúc gỗ dưới độ sâu khoảng 2 m. Để có thể hình thành lớp bồi tụ này, theo đối chiếu của các nhà khoa học, cần phải mất khoảng 500 - 700 năm. Bên cạnh đó, tính chất và cách chế tác gỗ và nhất là những đinh thuyền chữ T cho thấy các hiện vật này thường được sử dụng trong việc đóng các công trình gỗ lớn và khá phổ biến trong giai đoạn thời Trần - Lê sơ (thế kỷ XIII - XV).
Nguồn: [Link nguồn]
Bãi gỗ cổ được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ tại di tích Thiên Long Uyển, thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), sẽ mở ra một...