Bí ẩn 1.000 giếng nước cạnh sông Mã bỗng dưng cạn kiệt
Khoảng hai tháng nay, gần 1.000 hộ dân ở xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa) bỗng nhiên bị mất nước sinh hoạt; đồng loạt các giếng nước cạn kiệt...
Sông Mã bị cạn nước ở mức độ thấp nhất từ trước tới nay có thể là nguyên nhân dẫn tới giếng nước người dân bị cạn
Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng
Theo người dân xã Yên Thọ, giếng bắt đầu cạn khô vào dịp cận Tết Nguyên đán, ban đầu chỉ một số giếng khơi của những hộ sống sát bờ sông Mã, sau đó lan rộng đến các hộ nằm sâu trong làng. Ngay cả chỗ còn nước cũng không thể sử dụng được vì mùi nồng nặc. Bà Nguyễn Thị Vần sinh sống ở làng Tu Mục 2, xã Yên Thọ cho hay: “Hai tháng qua, cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt. Tôi chưa từng chứng kiến hiện tượng mất nước bất thường như vậy. Không chỉ gia đình tôi, hầu hết giếng nhà hàng xóm đều cạn trơ đáy”.
Theo bà Vần, những ngày đầu, chỉ ít hộ mất nước. Bà con còn đi xin nước rồi gánh về dùng tạm nhưng sau đó gần như cả làng đều không còn nước nên họ phải thuê thợ về khoan giếng. Gia đình bà Vần mất gần 2 triệu đồng cho tốp thợ khoan giếng sâu gần 20m tìm nguồn nước. Tuy nhiên, nước máy khoan có mùi tanh, đóng váng, rất khó sử dụng.Cách nhà bà Vần không xa, hộ gia đình ông Trịnh Đình Hà cho hay, để có nước dùng, gia đình ông đã thuê thợ về khoan đến cái giếng thứ 3 rồi vẫn không thể có nước dùng cho sinh hoạt. Nước từ các giếng khoan bơm lên đều có mùi hôi tanh, cáu bẩn đục ngầu. “Nước bơm lên chỉ được chút ít, giờ gia đình cũng chỉ sử dụng tiết kiệm thôi”, ông Hà nói.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Lê Bá Lâm ở làng Tu Mục 2 chia sẻ: Hai tháng qua, gia đình đã bỏ khoản tiền lớn để khoan hai giếng ở những vị trí khác nhau, nhưng vẫn không đủ nước sinh hoạt. Dù là giếng khoan nhưng nước rất ít, lúc có lúc không. Mỗi ngày, gia đình ông Lâm chỉ bơm được vài lần là cạn sạch. Không chỉ nổi váng, nguồn nước ngầm các hộ quanh nhà ông Lâm thi thoảng còn có màu khác lạ. Nước bơm lên chậu, chỉ cần cho chút nước chè vào, lập tức đổi màu đen kịt.
Được biết, xã Yên Thọ có 7 thôn với 1.700 hộ dân (khoảng 4.400 khẩu). Trong đó, có tới 6 thôn với gần 1.000 giếng nước của các hộ dân (khoảng 3.500 khẩu) đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt hoặc sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Trong đó có 3-5 thôn bị ảnh hưởng nặng.
Ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết: Ngày 25/1, UBND xã thống kê mới có 450 hộ có giếng mất nước nhưng đến đầu tháng 3, số lượng đã tăng lên hơn 920 hộ của 6/7 thôn và có chiều hướng gia tăng. “Đây là hiện tượng bất thường, chưa từng xảy ra “, ông Bình nói.
Nước giếng tại Yên Thọ khoan lên khi bỏ chè vào đổi màu đen kịt
Chưa tìm được nguyên nhân
Cũng theo ông Bình, sau khi có hiện tượng giếng bị mất nước, UBND xã đã báo cáo lên cấp trên. Sau đó, các phòng chức năng của huyện Yên Định, Sở NN&PTNT về kiểm tra thực địa, lấy mẫu xét nghiệm nhưng đến nay chưa có giải pháp cụ thể.
Trong giải pháp tình thế, chính quyền địa phương cho tháo nước từ hệ thống kênh mương vào các vùng trũng thấp như ao, hồ hy vọng bù một phần nước tầng mặt thẩm thấu vào giếng khơi song không có kết quả.
Trước nghi vấn của người dân về nguyên nhân mất nước diện rộng do ảnh hưởng của việc hút cát, ông Bình nói, chưa có cơ sở khẳng định. Tuy nhiên, theo vị chủ tịch xã, trên địa bàn trước đây có hai mỏ cát số 40 và 23 hoạt động nhiều năm (đã bị thu hồi giấy phép) và từng gây sạt lở, sụt lún bờ sông.
Liên quan đến việc này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho rằng, chưa biết lý do tại sao giếng của người dân lại mất nước, cạn trơ đáy. Bên cạnh đó, dòng sông Mã mực nước cũng tụt xuống dưới mức thấp nhất. “Nguyên nhân không biết do đâu nhưng chúng tôi đang đánh giá có thể do các đập thủy điện phía trên thượng nguồn ngăn chặn dòng chảy. Khi không có nước, người dân khoan giếng xuống rất sâu để lấy nhưng lại có mùi hôi tanh. Mặc dù nước lấy lên nhìn trong vắt nhưng khi cho chè vào thì đổi màu đen. Chiều 12/3, tôi đã báo cáo tỉnh và Sở TN&MT cũng cho đoàn về kiểm tra. Trong lúc chờ cơ quan chức năng tìm nguyên nhân, người dân cũng đang tương trợ lẫn nhau và dùng tạm nước giếng khoan chờ cho bay mùi để sử dụng. Còn tắm giặt phải vào trong làng lấy nước về sử dụng”, ông Lâm cho hay.
Lấy nước từ dưới giếng lên để dùng, gia đình anh Nguyễn Xuân Hải (Hà Tĩnh) bất ngờ khi phát hiện nước có mùi dầu...