BHXH Việt Nam lý giải nguyên nhân hàng triệu người rút BHXH một lần

Sự kiện: Thời sự

Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2022 đã có 895.500 người lao động rút BHXH một lần, tăng 3,7% so với năm 2021.

Chiều 15-12, tiếp tục phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và 11-2022. Trong đó, đáng chú ý, cử tri rất quan tâm về tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Giải trình về vấn đề này, ông Chu Mạnh Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết giai đoạn 2016-2021, toàn quốc có trên 4 triệu người rút BHXH một lần. Con số này chưa tính người lao động trong lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội). Tuy nhiên, có một thực tế số lượng người rút BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước.

Đáng chú ý, người lao động nhận BHXH một lần sau một năm nghỉ việc lên tới 98,8% tổng số người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng theo điều kiện khác chiếm ít hơn.

Ông Chu Mạnh Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH giải trình về tình trạng người lao động nhận BHXH một lần. Ảnh: M.THẮNG

Ông Chu Mạnh Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH giải trình về tình trạng người lao động nhận BHXH một lần. Ảnh: M.THẮNG

Nguyên nhân tình trạng trên theo ông Sinh là do chính sách hưởng BHXH một lần hiện nay còn khá “thoáng” cho người lao động. Cạnh đó là những tác động ngoại lực như dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm qua khiến đời sống người lao động gặp khó khăn. Nhiều trường hợp chỉ còn trông chờ vào rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.

Từ đó, ông Sinh khẳng định việc rút BHXH năm 2022 có tăng nhưng “không bất thường”. Bởi chỉ tính riêng năm 2022, có 895.500 người rút BHXH một lần, chỉ tăng 3,7% so với năm 2021.

Việc rút BHXH một lần tăng nhanh liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Vì vậy, thời gian tới Nhà nước cần giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống vật chất tinh thần…” - ông Sinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đề nghị sớm sửa luật BHXH, tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH; giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu.

Về phía BHXH Việt Nam, giải pháp trước mắt là tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người lao động về những thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống BHXH. Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành đẩy mạnh truyền thông cho người lao động về việc không nên nhận BHXH một lần và vận động ngay khi tiếp nhận hồ sơ rút BHXH một lần.

Theo thống kê, đến 30-9-2022, số người tiếp tục tham gia BHXH sau khi vận động tại bộ phận một cửa là 15.068 người. Như vậy, việc thuyết phục người lao động rất hiệu quả. “Trong thời gian tới, BHXH tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác truyền thông, sớm đề xuất giải pháp căn cơ, lâu dài để hạn chế nhất việc rút bảo hiểm một lần…” - ông Sinh nói.

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: M.THẮNG

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: M.THẮNG

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng nhận BHXH một lần. Vì theo bà, cả giai đoạn 2016-2021, có hơn 4 triệu người nhận BHXH một lần nhưng chỉ có 140.000 người tái tham gia, chiếm 3,5% số người hưởng BHXH một lần.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng năm 2022, BHXH nói việc rút BHXH một lần không bất thường so với giai đoạn 2016-2021, nhưng chiều hướng rút vẫn tăng.

“Nhận định của Ban Dân nguyện là hiện tượng này bình thường trong cả giai đoạn bất bình thường. Nên nói không bất thường là không đúng. Vì vậy cần có giải pháp để xử lý hiệu quả…” - ông Phương nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Điều chỉnh lương cơ sở, các khoản trợ cấp BHXH sẽ thay đổi thế nào?

Khi lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng thì các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi theo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC MINH - VIẾT LONG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN