Bệnh viện Việt Đức cạn vật tư, bệnh nhân phải hoãn mổ: “Đau lắm nhưng cũng phải về”

Dù rất đau, khó chịu trong người nhưng nhiều bệnh nhân đến viện khám xong phải ra về chờ lịch mổ do bệnh viện cạn vật tư.

Khoa Phẫu thuật chấn thương của BV Việt Đức luôn trong tình trạng đông đúc. Bệnh nhân phải nằm cả ra ngoài hành lang

Khoa Phẫu thuật chấn thương của BV Việt Đức luôn trong tình trạng đông đúc. Bệnh nhân phải nằm cả ra ngoài hành lang

Mong ngóng ngày được mổ

Từ ngày 1/3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt có số lượng phẫu thuật lớn nhất cả nước thông báo hạn chế mổ phiên (phẫu thuật không mang tính cấp cứu). Hàng trăm bệnh nhân đến BV Việt Đức khám phải dời lịch mổ, hoãn mổ do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu.

Ngồi trước cửa khoa Khám bệnh theo yêu cầu, ông T.V.C (79 tuổi, quê Nam Định) cho hay, hai bố con ông lên Hà Nội từ sáng sớm để khám bệnh. Ông bị thoái hóa khớp háng từ lâu nhưng khoảng 1 tháng gần đây bệnh đau nhức khiến việc đứng lên, đi lại của ông gặp khó khăn.

Dù bệnh thoái hóa khớp háng rất đau đớn nhưng ông C. phải chờ ít nhất một tuần nữa mới được mổ

Dù bệnh thoái hóa khớp háng rất đau đớn nhưng ông C. phải chờ ít nhất một tuần nữa mới được mổ

Trải qua một ngày chạy đôn, chạy đáo làm các xét nghiệm, chụp chiếu đến 17h chiều ngày 1/3 nhưng 2 bố con ông C. vẫn chưa làm xong các xét nghiệm.

“Bây giờ vẫn còn xét nghiệm máu chưa có kết quả. Đêm nay, 2 bố con tôi sẽ thuê nhà trọ ngủ lại rồi ngày mai vào làm tiếp các xét nghiệm và làm thủ tục chờ mổ.

Mặc dù chưa đủ kết quả xét nghiệm nhưng bác sĩ khám cho bố tôi bảo phải mổ, mà lịch mổ của ông thì sớm nhất cũng phải một tuần nữa”, con trai ông C. chia sẻ.

Ngồi trên xe lăn, khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn, ông C. nói: “Đau nhức lắm chú ạ nhưng cũng phải về chứ biết sao giờ”.

Cách chỗ bố con ông C. ngồi không xa là mẹ con bà H. quê Nghệ An. Bà H. chia sẻ, bà bắt xe một mình từ quê ra Hà Nội khám bệnh từ tờ mờ sáng. Sau khi đến viện, nghe mọi người nói những người khám sau có thể phải hoãn mổ do thiếu vật tư y tế, bà H. vội điện cho con trai bắt xe từ quê ra để cùng mẹ đi khám.

Bà H. cũng phải chờ tới 8/3 để xem bác sĩ có sắp được lịch mổ cho bà không

Bà H. cũng phải chờ tới 8/3 để xem bác sĩ có sắp được lịch mổ cho bà không

“Tôi thoái hóa khớp gối, đi lại cứ vừa đi vừa lết, định rằng lên khám trước rồi có thế nào gọi cho các con sau. Nghe mọi người nói có thể phải hoãn mổ nên tôi gọi con từ quê ra để giúp tôi làm các thủ tục, giấy tờ, xét nghiệm cho nhanh với hy vọng được mổ trước vì đau lắm rồi.

Kết quả có hết rồi nhưng bác sĩ hẹn sớm nhất phải đến 8/3 mới có lịch mổ. Hai mẹ con tôi đang chờ xe để về quê”, bà H. ngậm ngùi.

Ba bố con ông H.V.K quê Thanh Hóa cũng chạy đôn chạy đáo từ sáng đến chiều tối nhưng vẫn chưa xét nghiệm xong. Ông bị thoái hóa cột sống, không thể đi lại được.

Khuôn mặt đầy lo âu, ông K. chia sẻ: “Không biết có kịp nhập viện mổ không nữa. Bây giờ đợi kết quả xét nghiệm xong thì bác sĩ chỉ định thế nào thì đành nghe thế”.

Ghi nhận của PV tại Khoa Phẫu thuật chấn thương của BV Việt Đức, rất đông các bệnh nhân được đưa vào đây. Các giường bệnh được đưa ra cả ngoài hành lang nhưng đều đã chật kín bệnh nhân. Tiếng loa liên tục đọc tên các người nhà bệnh nhân vào để làm thủ tục.

Bên ngoài khoa, nhiều người nhà bệnh nhân chia sẻ rằng, nếu không phải là trường hợp cấp cứu, phải chờ trung bình một tuần mới được mổ.

Do tình trạng thiếu vật tư y tế, chỉ những bệnh nhân mổ cấp cứu mới được ưu tiên mổ trước

Do tình trạng thiếu vật tư y tế, chỉ những bệnh nhân mổ cấp cứu mới được ưu tiên mổ trước

Chị N.T.V (quê Thái Bình) - một người nhà bệnh nhân chia sẻ, nếu có bệnh trước hết phải vào khám xem có phải mổ không. Nếu phải mổ, bác sĩ sẽ cho đi làm các thủ tục như xét nghiệm máu, chụp chiếu, rồi sau đó mới hẹn lịch mổ. Ít nhất cũng phải đi lại đôi ba lần. 

“Người nhà tôi vào khám cách đây 5 ngày, đến nay mới có lịch mổ. Giờ phải ngồi chờ bác sĩ gọi tên theo danh sách ca mổ hôm nay, đến tên ai thì người nhà vào lo các thủ tục để mổ”, chị V. nói.

Người bệnh thiệt, bệnh viện cũng thiệt

Trả lời báo chí, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, năm 2022, bệnh viện này mổ gần 80.000 ca, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ phiên và mổ cấp cứu.

Tuy nhiên, mới chỉ ngay những tháng đầu năm 2023, bệnh viện đã phải thông báo hạn chế mổ phiên, dành ưu tiên cho mổ cấp cứu. Nguyên nhân đến từ việc, bệnh viện Việt Đức cạn kiệt nguồn vật tư, hóa chất, bác sĩ muốn mổ cũng không thể làm được.

Nhiều bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ để chờ bệnh viện sắp lịch

Nhiều bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ để chờ bệnh viện sắp lịch

Để đảm bảo hoạt động của bệnh viện, đặc biệt duy trì công tác khám, chữa bệnh cấp cứu, Ban lãnh đạo bệnh viện đề nghị các khoa lâm sàng hạn chế tối đa chỉ định cận lâm sàng không cấp cứu, hạn chế tối đa các ca mổ phiên. Yêu cầu này được thực hiện từ 1/3 cho tới khi có thông báo tiếp theo.

GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ rằng: "Rõ ràng là người bệnh quá thiệt thòi, tuy không phải bệnh cấp cứu nhưng họ cũng phải chịu đau đớn, chờ đợi lịch mổ. Nhưng chúng tôi không thể tay không bắt giặc, không có vật tư, hóa chất, không thể phẫu thuật bằng... mồm".

Hiện còn rất nhiều bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã lên đến cuối tháng 3/2023 tuy nhiên, tất cả đều phải hoãn lại.

Ở ngoài thị trường, vật tư sẵn có nhưng bệnh viện không còn do vướng các thủ tục đấu thầu. Bác sĩ cũng không thể bán cho bệnh nhân để lấy tiền, còn bệnh viện cũng không thể mua ngoài rồi thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân được.

Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, kể cả khi việc đấu thầu, mua sắm vật tư tiêu hao, hoá chất... diễn ra thuận lợi và nhanh chóng thì sớm nhất cũng phải khoảng 1 tháng nữa các hoạt động phẫu thuật của bệnh viện mới có thể trở lại bình thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang – Trần Như - Hồng Phú ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN