Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2: Doanh thu không đủ chi tiền điện, nước...
Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP HCM bắt đầu hoạt động từ tháng 10-2020 nhưng thiếu kinh phí hoạt động. 61 nhân viên y tế nghỉ việc do phải chuyển xuống đây làm việc.
Chiều 30-8, Đoàn công tác Ban văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP HCM đã có buổi giám sát, làm việc tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Tại buổi làm việc, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết, bệnh viện hiện có 1.596 nhân sự, trong đó có 432 bác sĩ và 640 điều dưỡng. Hiện bệnh viện đã phục hồi toàn bộ công suất hoạt động.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM báo cáo tại buổi làm việc
Theo bác sĩ Thịnh, bệnh viện đang đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân sự, tài chính, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và đặc biệt cả chi phí vận hành như điện nước, bảo trì, vệ sinh…
Về nhân sự, năm 2021, bệnh viện có 70 người nghỉ việc. Từ đầu năm 2022 đến nay có thêm 61 người. Nguyên nhân chính là do phải chuyển địa điểm làm việc xuống cơ sở 2 (tại TP Thủ Đức).
"Nhiều nhân viên sống ở xa như tại huyện Củ Chi, Cần Giờ, đi lên cơ sở 1 đã là 30km, đi thêm 20km nữa mới xuống cơ sở 2, thực sự rất vất vả. Để chia sẻ với anh em, bệnh viện chi thêm 1 triệu/tháng/người cho 800 nhân sự đang công tác tại cơ sở Thủ Đức nhằm bù lại khó khăn cho việc đi lại" – bác sĩ Thịnh dẫn chứng và nói thêm, dù nhân sự nghỉ việc nhưng may mắn là nhân sự chủ chốt, bác sĩ giàu kinh nghiệm vẫn đang bám trụ lại nên chất lượng điều trị cho bệnh nhân không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, trong năm 2021, thu nhập bình quân của nhân viên Bệnh viện Ung bướu TP HCM là hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Dịp Tết Nguyên đán năm 2022, mỗi người được hỗ trợ thu nhập tăng thêm là 7,5 triệu đồng.
Theo bác sĩ Thịnh, không chỉ khó khăn về nhân sự mà tại đây còn khó khăn về kinh phí cho hoạt động của bệnh viện. Cụ thể, cơ sở 2 của bệnh viện hoạt động từ tháng 10-2020 nhưng doanh thu tại đây không đủ để chi cho tiền điện, nước, tiền vệ sinh, cảnh quan môi trường, bảo hành, bảo trì thiết bị….
Bệnh viện đã tiết kiệm tối đa, tạm ngưng mua sắm thiết bị văn phòng, thiết bị y tế để dành ngân sách. Tuy nhiên, hệ thống kỹ thuật như điều hòa không khí, hóa chất hệ thống lạnh, thang máy, hệ thống Chiller… đã hoạt động hết công suất. Máy móc, thiết bị y tế như hệ thống xạ trị, thiết bị xét nghiệm, hệ thống cộng hưởng từ, máy siêu âm… đã đến hạn cần bảo trì để phục vụ người bệnh.
Trước khó khăn trên, Bệnh viện Ung bướu TP xin được trình duyệt chủ trương và cấp kinh phí hỗ trợ 158 tỉ đồng để bảo trì hệ thống kỹ thuật và trang thiết bị y tế cho hoạt động của cơ sở 2 được thông suốt, đảm bảo phục vụ người bệnh.
"Bệnh viện được đầu tư các trang thiết bị hiện đại rất đáng mừng. Tuy nhiên, về mặt quản lý, càng hiện đại thì chi phí quản lý càng nhiều bởi sau giai đoạn bảo hành khi bảo trì chi rất lớn" – bác sĩ Thịnh nói.
Chưa dừng tại đó, do vướng mắc quy trình bàn giao trang thiết bị nên dù đã đưa vào sử dụng nhưng bệnh viện vẫn chưa thể tiếp nhận chính thức, nhập tài sản công. Điều này khiến bệnh viện không thể xác lập thời gian bảo hành, bảo trì thiết bị.
Dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam khởi công xây dựng cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên đến nay nơi đây...
Nguồn: [Link nguồn]