Bệnh viện tuyến huyện tại Hà Tĩnh nợ như “chúa chổm”
Nhiều bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh hiện nay đang gồng mình cõng các khoản nợ tiền thuốc, vật tư y tế; nợ tiền trực ca, khám chữa bệnh lên đến hàng chục tỷ đồng kéo dài trong nhiều năm. Ngành y tế đang loay hoay tìm cách tháo gỡ, trong khi các bệnh viện vừa chật vật đối phó, vừa tìm cách nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) để thu hút bệnh nhân.
Tháng 8/2023, bác sỹ CKI Nguyễn Duy Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện (BVĐK) Hương Khê nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc bệnh viện này trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2023 mà lòng đầy âu lo.
Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh hiện đang nợ hơn 27 tỷ đồng.
Trong bối cảnh trang thiết bị xuống cấp, lạc hậu; bệnh nhân thưa vắng trong khi bệnh viện đang nợ đầm đìa các khoản với tổng số tiền lên đến hơn 25,5 tỷ đồng, không biết tìm kiếm nguồn ở đâu để trả. Gần 4 tháng ngồi vào vị trí “ghế nóng”, ông Bình đã xoay xở khắp nơi, tìm kiếm mọi nguồn tài trợ có thể vừa đủ tiền trả lương hàng tháng cho cán bộ công nhân viên, vừa kêu gọi hỗ trợ đầu tư trang thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để mong kéo bệnh nhân đến với bệnh viện ngày một đông hơn mới có nguồn thu để trang trải chi tiêu hằng tháng.
Ông Bình kể, đây là số nợ tồn đọng từ đời giám đốc bệnh viện trước để lại, một phần do hậu quả của 2 năm bị dịch COVID 19, phần nữa là do chưa được bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán do bội chi so với định mức được giao, trong khi các khoản này phía bệnh viện đã sử dụng để phục vụ cho bệnh nhân, dẫn đến nợ đọng kéo dài. Từ năm 2017, cùng với các bệnh viện tuyến huyện khác trên địa bàn, BVĐK Hương Khê tự chủ 100% chi thường xuyên. Bên cạnh đó máy móc trang thiết bị cũ kĩ, lạc hậu, không được mua sắm mới, có những gói thầu được trang bị nhưng lại vướng đấu thầu mua sắm tập trung… là những nguyên nhân chính dẫn đến đơn vị này không có nguồn thu ổn định, nợ nần chồng chất trong những năm vừa qua.
Bác sỹ Nguyễn Duy Bình cho biết thêm, hiện nay bệnh viện còn tồn đọng các khoản nợ chính là nợ tiền thuốc, vật tư y tế của các công ty dược và nợ tiền trực, tiền thủ thuật, phẫu thuật của cán bộ nhân viên. Trong đó, tiền thuốc và vật tư y tế hiện tại còn nợ khoảng 16 tỷ đồng; tiền trực của anh em cán bộ nhân viên khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các trạm y tế xã, hằng năm ký hợp đồng với bệnh viện về việc tổ chức khám chữa bệnh ở cơ sở, bệnh viện trả tiền công khám nhưng đến nay vẫn còn nợ số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng chưa trả cho đội ngũ bác sỹ ở tuyến xã. “Mặc dù khó khăn nhưng bệnh viện vẫn cố gắng tập trung chi trả đủ tiền lương hằng tháng cho cán bộ, nhân viên và đến nay, tiền lương đã trả đến tháng 11/2023”, bác sỹ Bình thông tin thêm.
Tình trạng các bệnh viện nợ các khoản tiền nói trên cũng xảy ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như BVĐK TP Hà Tĩnh, BVĐK TX Hồng Lĩnh… Trong đó, cơ sở ít thì nợ số tiền khoảng 5 tỷ đồng, cơ sở nhiều thì lên đến hàng chục tỷ đồng.
Vấn đề này, theo ông Võ Viết Quang, Trưởng phòng giám định Bảo hiểm y tế, BHXH Hà Tĩnh cho biết, việc các bệnh viện đưa ra một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn về tài chính, một phần do BHXH là có cơ sở. Hiện nay, tổng số tiền tổng vượt mức thanh toán từ năm 2019 đã giám định nhưng không được quyết toán được của toàn tỉnh Hà Tĩnh là hơn 106 tỷ đồng. Đây là số tiền tồn đọng từ các năm 2019, 2020 và 2022, riêng năm 2021 dịch bệnh nên Chính phủ cho phép các bệnh viện được thanh toán 100% theo thực chi.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2021, số tiền cơ quan BHXH chưa thanh toán cho các cơ sở y tế, bao gồm tiền vượt tổng mức thanh toán và vượt dự toán Thủ tướng chính phủ giao trên địa bàn Hà Tĩnh là 73,7 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền vượt dự toán 2022 đã được xác định do nguyên nhân khách quan là 170 tỷ đồng, hiện nay cũng chưa thanh toán. Tất cả những khoản tiền này BHXH Hà Tĩnh đã báo cáo BHXH Việt Nam và hiện đang được trình Hội đồng quản lý quỹ BHXH – BHYT xem xét thông qua. Nếu Hội đồng phê duyệt thì các cơ sở KCB trên địa bàn sẽ được cấp tạm ứng 80% số tiền này.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân nợ đọng kéo dài ở các bệnh viện trên địa bàn nói chung, các bệnh viện tuyến huyện nói riêng là do từ năm 2019 đến nay, việc quyết toán, thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH với cơ sở y tế chưa thực hiện đúng theo quy định tại điều 21 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014. Nguyên nhân do việc hướng dẫn quyết toán theo Luật Bảo hiểm y tế thường bị chậm, các nội dung không thống nhất giữa cơ quan BHXH và cơ sở y tế như chi phí chênh lệch gây tê, gây mê chưa được giải quyết rõ ràng, dứt điểm, kéo dài qua các năm, gây khó khăn cho việc theo dõi và hạch toán kế toán. Các chi phí phát sinh không được ghi nhận doanh thu đầy đủ, chính xác theo niên độ tài chính nên việc cân đối thu chi và đánh giá khả năng thực hiện tự chủ của các đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, đối với phần tạm ứng 80% chi phí của quý trước, mặc dù cơ quan BHXH đã thực hiện tạm ứng cơ bản theo quy định nhưng đối với chi phí phát sinh hợp lý, đúng quy định trong số 20% còn lại thì chưa được cấp kinh phí đầy đủ, kịp thời dẫn đến khó khăn cho các đơn vị khi không có đủ kinh phí để trang trải các chi phí chi thường xuyên đã phát sinh như tiền thuốc, vật tư y tế; tiền lương, tiền công cho người lao động… Các chi phí này đã được kết cấu trong giá dịch vụ KCB, vì vậy, khi không có kinh phí thì việc thanh toán công nợ là không kịp thời. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thường ban hành không kịp thời và một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn liên quan đến việc xác định tổng mức thanh toán hàng năm nên các đơn vị rất khó đạt được tổng mức thanh toán so với số chi phí mà bệnh viện đã sử dụng cho bệnh nhân.
Đơn vị quản lý, khai thác các tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Dầu Giây vừa chính thức báo cáo Bộ Giao thông vận tải xin tăng...
Nguồn: [Link nguồn]