Bệnh viện quá tải, bác sĩ quay cuồng vì dịch sốt xuất huyết
Số bệnh nhân đến viện điều trị sốt xuất huyết tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016, hàng trăm trường hợp nặng phải nhập viện điều trị nội trú khiến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đều trong tình trạng quá tải.
Theo ghi nhận của PV, tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám, trong đó khoảng 20 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải nhập viện điều trị nội trú.
TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch sốt xuất huyết hiện đang rất căng thẳng trên cả nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Riêng ngày hôm qua (20/7), bệnh viện tiếp nhận 27 bệnh nhân vào điều trị nội trú. Các phòng bệnh cũng trong tình trạng quá tải, số bệnh nhân nội trú tăng lên tới 2-3 người/giường.
Ông Nguyễn Văn Kính (Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết, thời gian gần đây, mỗi ngày có khoảng 600 bệnh nhân vào khám và điều trị sốt xuất huyết. Có nhiều trường hợp bệnh nhân phải nằm ghép 2 người một giường do tình trạng quá tải suốt 2 tuần nay.
"So với cùng kỳ của năm ngoái, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng 4 lần. Chúng tôi lo rằng từ nay đến tháng 9, số bệnh nhân sẽ còn tăng lên nhanh chóng khiến các y bác sỹ kiệt sức." Ông Kính chia sẻ.
Bệnh viện phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về sốt xuất huyết, các khoa khác phải nhường giường bệnh cho bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn quá tải, phải luân chuyển bệnh nhân liên tục. Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sẽ được chuyển về tuyến dưới; người nào thoát sốc thì chuyển sang cơ sở 2 của bệnh viện tại Đông Anh để điều trị tiếp…
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lo ngại vì năm nay, tử vong do sốt xuất huyết biến chứng xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là một vấn đề rất lớn và bất thường. Mọi năm, chỉ 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này.
BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đang có 2 bệnh nhân nữ mắc sốt xuất huyết trong tình trạng rất nguy kịch. Một bệnh nhân 43 tuổi bị sốt xuất huyết và viêm cơ tim, một bệnh nhân 21 tuổi bị hạ tiểu cầu trầm trọng. Cả hai bệnh nhân đều ở Hà Nội.
BS Cấp cũng khuyến cáo, người dân nên lưu ý các triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết như: Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong tình trạng nguy kịch đang điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới trung ương.
Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh khiến các bệnh viện ở Hà Nội bị quá tải, các bệnh nhân phải nằm ghép từ 2 thậm chí 3 người chung một giường.
Không còn chỗ trong phòng, người nhà phải xoa bóp cho bệnh nhân thông qua chấn song cửa.
TS. BS Bùi Đức nguyên chia sẻ, mỗi ngày ông và các đồng nghiệp phải làm việc 12 tới 14 tiếng để chống chọi với dịch sốt xuất huyết đang bùng phát.
Cách nhận biết bệnh sốt xuất huyết Sốt xuất huyết thường mở đầu bằng triệu chứng sốt đột ngột nhanh chóng đạt tới 39 độ C đến 40 độ C. Cùng với sốt, người bệnh thấy mệt mỏi, nhức đầu (nhất là nhức 2 hốc mắt), đau mỏi các cơ khớp... Sốt liên tục, thường kéo dài 5 - 7 ngày (có một số ít trường hợp có thể sốt tới 8 - 10 ngày). Xuất huyết thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau sốt trở đi. Dấu hiệu xuất huyết rất đa dạng từ dấu hiệu dây thắt dương tính đến xuất huyết dưới da dạng nốt, chấm (đỏ như tôm luộc), xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, nôn ra máu rong kinh...). Cách phòng tránh bệnh Sốt xuất huyết là bệnh do virut Dengue gây ra, truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti. Bệnh lưu hành quanh năm ở nước ta nhưng dịch thường xảy ra vào cuối mùa hè, vào đầu mùa mưa. Hiện nay chưa có vắc-xin để phòng nhiễm virut Dengue và cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng chống sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào phòng chống muỗi A.aegypti, tức là cắt đứt con đường lây truyền của bệnh. Các biện pháp phòng chống A.aegypti bao gồm: Không cho muỗi A.aegypti có điều kiện sinh sản và phát triển. Không cho muỗi A.aegypti tiếp xúc với bệnh nhân và đốt người (bảo vệ cá nhân). Tiêu diệt muỗi A.aegypti bằng các biện pháp hoá học, sinh học. |
Tại Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), một phòng có 4 giường bệnh nhưng có đến 3 bệnh nhân nằm trở đầu đuôi/1 giường.