Bệnh nhi ung thư: “Mong đây không phải là cái Tết cuối cùng”
Cố giành giật sự sống từ căn bệnh ung thư quái ác, các em luôn thèm khát cảnh sum vầy trong ngày Tết.
Đây là cái tết đầu tiên xa nhà của bệnh nhi Nguyễn Mai Phương.
Trái ngược với sự sôi động, rộn ràng sắc xuân của đường phố, không khí Tết ở Khoa bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương lại là sự đìu hiu, lạnh lẽo, cô quạnh.
Tại đây, các em nhỏ bệnh nhẹ được bác sĩ cho về nhà ăn Tết vì thế nhiều giường bệnh trống vắng. Tuy vậy, ở một số phòng điều trị vẫn có bệnh nhi nặng phải nằm lại ăn Tết.
Tại phòng điều trị, dù bánh kẹo, đường sữa, đồ chơi trên giường bệnh không thiếu nhưng cũng không thể làm các em vơi đi cơn đau bệnh tật. Các em luôn phải nằm cùng những chai hóa chất và dây chuyền chằng chịt.
Không còn đủ sức dù chỉ nhếch một nụ cười, nằm đó thiêm thiếp, thỉnh thoáng cố nhướng đôi mắt như những đốm lửa nhỏ thèm khát hy vọng và sự sống, bé Hoàng Mai Phương, 7 tuổi, quê Thái Bình chỉ biết khóc khi phóng viên hỏi chuyện.
Chia sẻ về bệnh của cháu, bà ngoại bé Phương bảo: “Đây là cái tết đầu tiên xa nhà của Phương. Cháu mang bệnh ung thư máu đã 3 năm. Mọi năm bệnh nhẹ hơn nên cháu được về nhà ăn Tết. Năm nay, tôi và gia đình gác hết công việc lại ở lại bệnh viện với cháu. Thôi thì, “mặc kệ” Tết”.
Theo lời bà ngoại của bé Phương, từ khi biết cháu bị bệnh nặng, bố mẹ cháu cũng chẳng có tâm trí làm ăn. Tết đến, gia đình cũng không mua sắm gì nhiều. Một phần vì không có tiền, phần vì không có tâm trạng.
“Tết cũng chỉ còn vài ngày, cháu bệnh nặng nên gia đình cũng không thiết gì Tết nhất. Tôi chỉ mong những ngày nghỉ tết qua nhanh để cháu được điều trị suôn sẻ. Cháu có khỏe mạnh thì mình mới có Tết được”
Bà nói tiếp: Cháu 7 tuổi, mới đi học được mấy buổi đã phải vào viện nằm điều trị bệnh. Hai năm ở viện cũng là hàng chục đợt cháu phải truyền hóa chất. Cháu đau đớn, chỉ biết khóc.
Mẹ cháu Thuật buồn bã khi con không được về nhà đón Tết.
Sang phòng bên cạnh, gặp em Nguyễn Bá Thuật, 12 tuổi, quê Nghệ An. Thuật nói, đây cũng là năm đầu tiên em ăn Tết ở bệnh viện.
Ngồi trên giường bệnh, tay cầm điện thoại vừa chơi trò chơi, thỉnh thoảng Thuật lại nhoẻn miệng cười.
Đến giờ điều dưỡng vào lấy máu nhưng cậu bé bản lĩnh này lại khá bình tĩnh với kim tiêm, ngoan ngoãn phối hợp, không khóc ré lên như những bạn khác. Khi được hỏi có đau không, Thuật trả lời: “Dạ, con đau lắm nhưng con quen rồi. Mấy ngày đầu con khóc nhiều nhưng giờ con không khóc nữa”.
Thuật nói: “Con mới vào viện được 2 tháng mà đã sút hơn 10 kg. Con truyền được 3 chai hóa chất. Những lúc đó con đau, mệt và buồn nôn lắm. Các bác sĩ nói bệnh của con rất nặn nên những ngày này con buồn lắm. Con thèm cảm giác sum vầy cùng ông bà và người anh trai học lớp 9. Dù đây là cái Tết đầu tiên ở bệnh viện nhưng con chỉ mong đây không phải là cái Tết cuối cùng của cuộc đời con”.
Cháu Hà Biệt Thái 2 tuổi, quê ở Sơn La là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất phải ở lại bệnh viện ăn Tết.
Trong phòng bệnh, có lẽ cháu Hà Biệt Thái 2 tuổi, quê ở Sơn La là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất phải ở lại bệnh viện ăn Tết.
Mẹ của bé Thái cho biết, con bị bệnh ung thư máu rất nặng. Hiện tại, con đang bị liệt hai chân. Mỗi lần các bác sĩ vào lấy máu cho con là cả hai vợ chồng đều mím chặt môi, cố kìm đau xót vào lòng.
Nhắc đến Tết, mẹ bé Thái bảo: “Đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của cháu. Tôi chỉ mong con sẽ khỏe để sang năm được về ăn Tết cùng gia đình. Lúc đó, cháu sẽ không còn phải đau đớn bởi kim tiêm, không bị mệt phờ vì hóa chất và sẽ tạm quên nỗi đau trong mấy ngày được sum vầy.
Cùng cảnh ngộ, cô bé Trần Thị Huyền (11 tuổi, Hạ Hòa, Phú Thọ) khiến ai nhìn cũng phải rớt nước mắt, quay đầu không dám nhìn lâu. Căn bệnh bạch cầu tủy tai ác khiến cơ thể Huyền chỉ còn da bọc xương, miệng lở loét, thường xuyên nôn ra máu, hồng cầu về O. Chứng kiến sức khỏe của con yếu dần, người mẹ này cứ héo hon ngày đêm. Chị mất ăn, mất ngủ và luôn cầu mong đây không phải là cái Tết cuối cùng của con.
Lãnh đạo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, căn bệnh ung thư máu quái ác khiến nhiều bệnh nhi không có cơ hội sum vầy cùng gia đình trong ngày xuân. Hiểu được nỗi buồn tủi của những bệnh nhân và thân nhân phải đón tết trong bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng của Viện vẫn cố gắng bằng mọi cách để chia sẻ giúp họ tạm quên đi nỗi đau bệnh tật.