Bệnh nhi sởi tăng kỉ lục, nằm tràn phòng bác sĩ
Phòng phó khoa và phòng trực bác sĩ cũng được trưng dụng để đặt giường bệnh. Bệnh viện Nhi Trung Ương đang phải tiếp nhận số bệnh nhi điều trị biến chứng sởi cao ở mức kỉ lục.
Ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm, tất cả các phòng chật cứng bệnh nhân. Phòng phó khoa và phòng trực bác sĩ cũng được trưng dụng để đặt giường bệnh. Số bệnh nhi điều trị nội trú hàng ngày từ 200 đến 220 trẻ. Trong khi đó khoa chỉ có hơn 90 giường nên các bé phải nằm ghép từ 3-4 cháu/giường. Nhiều cha mẹ bế con ra hành lang bệnh viện, đến giờ tiêm hoặc uống thuốc mới đưa con trở lại giường.
Các bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp phải thở ôxy, cha mẹ thay phiên nhau túc trực suốt 24 tiếng.
Ngồi ôm con với nét mặt rầu rĩ, tay giữ ống thở ôxy chị Nguyễn Thị Lan 26 tuổi (quê Thanh Hóa) cho biết con gái chị bị phát ban và sốt cao liên tục đã 5 ngày. Cách đây 12 ngày cháu Lương Thu Giang (con chị Lan) 14 tháng tuổi nhập viện vì bệnh viêm phế quản, chưa điều trị khỏi thì mắc thêm bệnh sởi.
Anh Nguyễn Văn Hà, 30 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) phải dừng công việc kinh doanh gần 1 tuần nay để vào viện chăm con mắc bệnh sởi. Anh Hà kể cách đây 6 ngày, con trai anh có biểu hiện sốt cao, mắt xuất hiện nốt đỏ, trên cơ thể phát ban dày đặc, kèm biểu hiện ỉa chảy. Diễn biến các triệu chứng này rất nhanh, hai vợ chồng anh tức tốc đưa con đi viện.
Từ đầu tháng 4 đến nay, khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung Ương luôn trong tình trạng quá tải, do số lượng bệnh nhi mắc sởi cao kỷ lục
“Cháu là con đầu nên hai vợ chồng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, ban đầu chỉ nghĩ cháu bị sốt thông thường. Đến khi thấy cháu có biểu hiện phát ban khắp người mới cho cháu đi khám thì phát hiện cháu mắc sởi. Cũng may, cháu chưa bị biến chứng nặng”, anh Hà nói.
Trong số các bệnh nhi nằm tại khoa truyền nhiễm và cấp cứu, rất nhiều trường hợp bị nhiễm chéo, đến viện điều trị bệnh khác, sau đó lại bị nhiễm sởi.
Nét mặt mệt mỏi, chị Lù Thị Cá, 29 tuổi dân tộc Mông (Yên Sơn – Tuyên Quang) hỏi khắp mọi người để tìm nơi bán cơm từ thiện. Hễ có ai hỏi thăm chị Cá lại rưng rưng nước mắt, chị đưa con gái 12 tuổi đến viện nhi để phẫu thuật đường tiết niệu. Trong khi chờ phẫu thuật, thì con gái chị bị lây sởi, số tiền 6 triệu đồng vay mượn đã gần hết. Chồng chị phải về để vay thêm tiền tiếp tục chữa trị cho con.
Bác sĩ Phạm Nhật An – Phó Giám đốc, trưởng khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận 15 -20 trẻ. Số bệnh nhi điều trị nội trú hàng ngày từ 200 đến 220 trẻ. Trong khi đó khoa chỉ có hơn 90 giường. Phòng trực của phó khoa và phòng bác sĩ cũng phải rời đi để đặt giường bệnh. Bệnh nhi phải nằm ghép từ 3-4 cháu/giường, thậm chí, có thời điểm 5 cháu nằm ghép 1 giường. Điều trị bệnh sởi thường mất một thời gian khá dài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện ngày càng quá tải.
Người nhà bệnh nhân đợi trước cổng khoa truyền nhiễm
Tất cả giường bệnh của khoa đều chật cứng, nhiều giường phải ghép 3-4 cháu nằm chung
Phòng phó trưởng khoa cũng được trưng dụng để đặt giường bệnh
Điều đáng sợ của bệnh sởi không phải là phát ban mà là các biến chứng nguy hiểm…
…Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc.
Nguy hiểm nhất là biến chứng viêm phổi, nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong ở trẻ nhỏ mắc sởi
Bác sĩ Phạm Nhật An – Phó giám đốc bệnh viện, trưởng khoa truyền nhiễm cho hay, những ngày này lượng công việc của các bác sĩ trong khoa tăng gấp 3 lần do số bệnh nhân quá đông
Chị Nguyễn Thị Lan , 26 tuổi (Thanh Hóa) lo lắng vì con gái chị sốt cao liên tục đã 5 ngày
Chị Hiền, 28 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) mệt mỏi sau một tuần chăm con mắc sởi trong viện
Chị Lù Thị Cá, 29 tuổi rưng rưng nước mắt vì con gái chưa kịp phẫu thuật lại bị nhiễm sởi
Người nhà các bệnh nhi thấp thỏm đợi đến giờ vào thăm
Hiện nay ở khoa truyền nhiễm vẫn còn 8 trường hợp bệnh nhi bị sởi biến chứng nặng phải thở ô xy liên tục.
PGS.TS Phạm Nhật An, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tính đến ngày 13/4, cả khoa có 220 bệnh nhân bị sởi biến chứng nặng và 25 ca tử vong do sởi biến chứng, 8 ca đang phải thở máy. Dịch sởi hiện nay vẫn chưa lắng xuống do tốc độ lây lan nhanh chóng, mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận gần 20 bệnh nhi bị sởi. |