Bệnh nhân 420: Có khả năng bị lây COVID-19 ở TP.HCM không?
Bệnh nhân 420 ở thời gian dài ở TP.HCM nhưng khi trở về Đà Nẵng được 4 ngày thì có dấu hiệu mắc COVID-19.
"Đề nghị các cơ quan cần điều tra dịch tễ, loại bỏ giả thiết ca bệnh 420 bị lây bệnh ở TP.HCM". Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM, TS-BS Nguyễn Trường Giang phát biểu như trên tại cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM với các Trung tâm y tế và Bệnh viện (BV) quận, huyện trên địa bàn TP bàn kịch bản phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn mới diễn ra chiều ngày 27-7.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM lo ngại các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng khi có triệu chứng đi khám mới phát hiện, chưa kể các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, bệnh “lướt” qua.
Ông Giang cho rằng chống dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức khi không biết nguồn lây, “kẻ thù giấu mặt” có thể ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, ông lưu ý ca bệnh 420 có khả năng lớn là khi trở về Đà Nẵng mới bị lây bệnh nhưng có chắc chắn loại trừ nguy cơ bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 ở TP.HCM không.
TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP.HCM nói về bệnh nhân 420. Ảnh: HL
“Bệnh nhân này ở TP.HCM trong suốt một thời gian dài đến ngày 8-7 mới rời TP.HCM và không trở lại nữa. Theo thông tin nắm được, vào ngày 12-7, 4 ngày sau khi rời TP.HCM, bà có triệu chứng sốt và đau ngực. Với diễn biến dịch tễ chung, khả năng lớn bà này khi trở về Đà Nẵng mới bị lây bệnh ở Đà Nẵng. Nhưng như vậy có loại trừ nguy cơ bị nhiễm ở TP.HCM không”, ông Giang lưu ý TP cần điều tra dịch tễ kỹ lưỡng để loại bỏ giả thiết này và hết sức cảnh giác với những trường hợp tương tự.
Theo ông Giang, theo như thông thường chặn nguồn lây COVID-19 từ 18 ngày là đủ rồi nhưng trong bối cảnh không biết nguồn lây xâm nhập từ lúc nào, có thể có người lành mang trùng (nhiễm virus nhưng không có triệu chứng bệnh) đã kịp lây cho nhiều người khác. Theo ông Giang, do đó việc theo dõi các trường hợp từ Đà Nẵng từ ngày 1-7 là cẩn trọng không thừa, “thà bắt lầm còn hơn bỏ sót”.
Ông dẫn chứng kịch bản ổ dịch ở BV Bạch Mai, khi phát hiện trễ thêm một ngày nào thì nguy cơ nhiễm COVID-19 sẽ tăng lên nhiều lần. “Một ca không có triệu chứng nguồn gốc phát hiện chủ yếu dựa theo người có triệu chứng, đến với chúng ta mới phát hiện được, chậm trễ chỗ này rất nguy hiểm”, ông Giang cảnh báo.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM họp trực tuyến với các Trung tâm Y tế, BV Quận, huyện bàn kịch bản chống dịch COVID-19. Ảnh: HL
Ông Giang cũng lưu ý các cơ sở y tế ban đầu cần nâng cao năng lực cảnh giác, phát hiện những người có triệu chứng nghi ngờ, phòng chống lây lan dịch bệnh tốt bằng cách phân luồng phân tuyến chặt chẽ ngay từ khâu tiếp nhận.
Ông Giang cho rằng TP đang tập trung giám sát người từ Đà Nẵng có yếu tố dịch tễ là hợp lý nhưng ông cũng nhắc nhở đừng quên nguy cơ nguồn lây nhiễm từ Đà Nẵng mà cần theo dõi chặt chẽ những người nhập cảnh trái phép từ TP.HCM hoặc nguồn bất ngờ nào đó.
Các chuyên gia đánh giá, bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 418 nặng hơn bệnh nhân 416.
Nguồn: [Link nguồn]